June 13, 2011

CHUYỆN TRẦU CAU


            Có những lúc ngồi tán gẫu với đồng môn hoặc thân hữu, tôi thường bộc bạch rằng cái thời ở ghế nhà trường, tôi rất … nhát gái! Vài người không tin… Chả thế mà khi nhận “lá thư nhỏ ”, tôi được kèm thêm một lời nhắn là: “Có bao nhiêu mối tình bấy lâu chôn chặt đây là lúc huynh phải thổ lộ ra, chứ bây giờ như cây đèn trước gió chưa biết tắt lúc nào, lỡ mang xuống tuyền đài thì uổng lắm”. Ngay cả Thầy LHT, người dẫn dắt tôi “trên mọi nẻo đường " cho đến hôm nay, cũng đã bảo: “Những người muôn năm cũ đâu, cho Thầy biết địa chỉ để gởi báo đến …” Có ai biết đâu rằng hồi đó ở lớp tôi chỉ là cái bóng mờ, lâu ngày phai nhạt biến mất trong trí nhớ mọi người: lần hội ngộ Nguyễn Hoàng tại Santa Ana, đến chào người bạn ngồi với nhau mấy năm ở Đệ Nhị Cấp Anh ngớ người ra!... Một người khác trong bài điểm danh nhân vật cùng lớp, tên tôi cũng lọt sổ! Có lần trên đường thiên lý gặp một đồng môn bảo rằng: “You nói là trọ học tại Góc Bầu, ngày nào cũng đi qua Cửa Tả, sao không biết tui . Tôi thành thật trả lời rằng: - Tôi biết giang sơn của chị ở khu vực ấy và trong nhà chị có đến mấy người đẹp, nhưng tôi ra khỏi cửa là đường ngay ngõ thẳng mà bước, chẳng dám nhìn ngang ngó dọc!... Và có lẽ mấy câu thơ của anh bạn viết tặng sau ngày rời trường đã nói lên hết những điều ấy:
Tao nhớ ngày xưa tao mê gái
Mãi miết rong chơi với bạn bè
Còn mày câm nín trong sách vở
Thế mà hai đứa mến nhau ghê!

Phải dẫn ra nhiều dữ kiện như thế để xác nhận một sự thật chẳng mấy vinh quang về cái nhút nhát của thời đi học! Thế mà, có lẽ do ức chế tâm lý, trong một phút cao hứng tôi đã dám cả gan đề nghị với Người Biên Tập rằng Bộ Từ Điển mười tập của Nguyễn Hoàng nên dành ra một số đặc biệt về … Tình Yêu Học Trò … Tôi mơ màng nghĩ đến một ngày đẹp trời nào đó mình sẽ cầm trên tay tập sách thật dày trong đó có vô số những chuyện tình âm thầm, éo le, lãng mạn giữa học trò với nhau hoặc với thầy cô! Chưa có trả lời của người chủ trương, tôi nhận được phản hồi từ nhiều phía có vẻ không mặn mà lắm: Một Đại Sư Tỷ cảnh báo: coi chung… bom nổ! Đỗ Tư Nghĩa đang tu tiên trên đỉnh  Langbiang khi nghe tin này đã ngần ngại: “Viết về những bậc nữ lưu thì tuyệt cú mèo nhưng coi chừng phải tế nhị, nhất là khi đề cập đến những cặp !” . Có những bí mật mang tầm cỡ quốc gia, sau một thời gian cũng được giải mã, trưng bày cho công chúng xem, thế mà chuyện nho nhỏ giữa hai người lại tuyệt đối dấu kín: sống để dạ chết mang theo! Quả là trái tim có những … chìa khoá riêng của nó! Tôi cụt hứng, ngồi thừ ra và tự ngẫm nghĩ, không chừng những ý kiến ấy lại có lý !  Sau những Hội Ngộ-Đặc San- Tập sách… hình như có một luồng sinh khí năng động len vào giữa những đồng môn Nguyễn Hoàng: Cường độ những cuộc nói chuyện đường dài tăng lên, mailbox đầy áp thông tin, có những vị đã tuyệt tích giang hồ nay xuất hiện, có những mảnh đời cơ cực tưởng như bị bỏ quên ở một góc khuất nào đó của xứ sở, những xác thân không lành lặn gậm nhấm mặc cảm xót xa… bỗng nhiên quên đi hoàn cảnh, đứng lên tìm về với nhau! Hội ngộ 04/08/2007 ngay trên sân trường cũ mang ý nghĩa sâu sắc của sự tìm về ấy, nó không giống bất cứ cuộc gặp mặt nào từng xảy ra ở nước ngoài hay những thành phố phía Nam. Không có điều kiện tham dự nhưng qua lời kể lại hoặc đọc nhiều bài viết tôi cảm nhận một cách trọn vẹn giờ phút hiếm có linh thiêng ấy. Mỗi người tuỳ ở góc độ của mình có những cái nhìn khác nhau để ghi nhận và trình bày …, bài viết Nhật Ký Một Chuyến Về của Liên Hưng đã tạo một cuốn hút mãnh liệt và theo tôi đó là bài tiêu biểu: không để ý nhiều đến những hoành tráng của ngày hội mà bằng quan sát kỹ lưỡng hoà với sự cảm nhận bén nhạy trước những sự kiện nhỏ nhặt, người viết đã đi vào mọi góc cạnh, bao quát mà tỉ mỉ, nhiều khuôn mặt nhưng là những tâm trạng riêng lẻ, ngôn ngữ như nguồn nước ở mạch ngầm bùng vỡ trào ra… quá khứ được mang về trọn vẹn và sống sâu sắc với nó trong khoảnh khắc hiện tại bằng tất cả sự đam mê nồng nhiệt hồn nhiên của một thời học trò, không bận tâm hệ luỵ với những ràng buộc giới hạn đời thường. Nó biểu hiện tài năng - bản lĩnh - đáo để của người viết … Hương vị và dư âm vẫn còn nhưng sự kiện được trả lại cho quá khứ để bước đi những bước hôm nay .

            Có người không xem quá khứ là một thứ đồ cổ, có dịp đem ra phủi bụi, nhìn ngắm, xong rồi để ngay ngắn vào tủ kiếng mà chiêm ngưỡng, đằng này lại níu kéo, khư khư giữ lại như một kẻ muốn “ăn mày dĩ vãng,” cộng thêm tính bảo thủ cực đoan của phía đối tác nên nhiều sự cố đã xảy ra: Có người bị “chớp đèn ” ngay tại hiện trường, người khác bị ticket mang bản án lưu đày, một anh phó nhòm hăng say ghi hình kỷ niệm cũng bị tai tiếng và trầm trọng hơn có một đấng tu mi nam tử không chịu nổi những tiếng điện thoại reo đã thẳng thừng tuyên bố một mất một còn….!

            Bằng những góp ý và thực tế xảy ra tôi âm thầm rút lại lời đề nghị với nhiều tiếc nuối nhưng vẫn bảo lưu ý kiến cá nhân… Bởi vì ở cái thời “nhụy hoa và ong bướm” nếu không thể hiện được giữa thanh thiên bạch nhật, hiên ngang sánh vai nhau dưới những lối mòn rợp bóng, đường trăng Thạch Hãn, bên những bờ ruộng của cánh đồng Hạnh Hoa bát ngát, hoặc tình tứ hơn đèo nhau trên phố Gia Long, qua Nhan Biều, lên Tích Tường Như Lệ, thì cũng có những lén lút liếc nhìn, ngại ngùng trao thư, hay đơn phương mang một bóng hình nào đó mà trằn trọc, cùng lắm như anh bạn tôi đêm đêm cầu nguyện vì đã yêu thầm một cô giáo. Thành ra tôi vẫn viết chuyện của mình, nhưng xin quý vị chớ nhìn đầu để mà tưởng bở, nó chẳng tròn trịa và nồng thắm gì đâu và chắc rằng những huynh - đệ - tỷ - muội lịch lãm tình trường chẳng tìm thấy mảy may xác xuất yêu nào trong đó !!!

            Qua năm đệ nhị tôi từ bỏ công việc dạy kèm cho một em lớp Đệ Thất ở khu vực Góc Bầu, về trọ nhà người quen sau chùa Tỉnh Hội, một xóm nhỏ chật chội, nên có dịp men theo con đường sát hông chùa để thoát ra ngoài. Thông thường thì cứ vài ba tuần tôi lên nhà một lần để lấy tiền ăn và thăm bà nội, những Thứ Bảy, Chủ Nhật ở lại sau buổi trưa thường lang thang dọc theo bờ sông lên đến đường Nguyễn Hoàng rẻ vào Trần Hưng Đạo, ghé những tiệm sách và cuối cùng vào phòng trọ của người bạn ở ngã ba Lê Văn Duyệt ngồi nói chuyện tào lao một lúc về đến nhà vừa kịp bữa ăn tối.

Bến đò ngang với Chợ Quảng Trị thời khắc tôi đi qua rất tấp nập, bà con hối hả vận chuyển hàng hóa xuống thuyền, đủ mọi âm thanh được nghe và nhiều màu sắc trang phục pha lẫn tạo cho bến đò một khung cảnh rất náo nhiệt… Qua nhiều buổi như thế tôi để ý thấy cách đó một khoảng dưới gốc cây phượng có cô gái đứng đợi, chẳng có vẻ gì là nôn nóng, đang thản nhiên để tầm mắt bâng quơ và chờ lúc vắng khách mới xuống thuyền… Bên cạnh là đôi quang gánh được úp lồng vào nhau một cách gọn ghẽ mà không có hàng hóa gì. Đôi quang gánh là một dụng cụ đặc biệt hình như được tạo ra để phục vụ cho công việc nào đó và cho một lứa tuổi nào đó sử dụng.. Chiếc đòn gánh mảnh mai được đẽo gọt chưa đến một nửa thanh tre như thông thường, đôi gióng lửng vừa tầm, trên đầu được thắt với dáng nét hoa văn rất độc đáo và bốn thứ được đặt trong đó không thể gọi bằng tên chính xác nào, nó là hình dạng giữa sàngrổ sưa, giữa trẹt mủng! Tất cả đều cùng một màu cánh gián, có thể đã được để trên giàn bếp lâu ngày… Cứ mỗi lần sắp đến bến từ xa tôi đi chậm lại quan sát, hình như cô ta chỉ mặc màu trắng hoặc màu trứng sáo bằng vải phin được cắt may rất khéo ôm gọn vào người, nhiều lần dợm dừng chân nhưng ngại ngùng rồi cất bước vì chưa tìm được lý do nào để tiếp cận! Cho đến một hôm nàng trở thế đứng và bắt gặp cái nhìn của tôi, không bỏ lỡ cơ hội hiếm có tôi bước lên lề đường..
            - Đợi đò về đâu vậy?
            Cô ta không trả lời mà đưa tay chỉ phía bên kia bờ sông chếch về hướng nam của Chùa Tỉnh Hội, tôi hiểu đó là làng Xuân An.
-        Sao không thấy mua gì cả?
-        Tui chỉ bán thôi chứ không mua.
Và để như giải thích cho câu nói ấy cô ta bảo:
- Đây là công việc hằng ngày của mạ tui, tui chỉ phụ cuối tuần, những gì cần thiết bà mua rồi.
Tôi bắt đầu mở câu nói muôn thủa của con trai con gái lần đầu gặp:
-        Tui nhìn cô quen quen, hình như thấy ở đâu đó.
Ngẫm nghĩ  một lúc cô ta bảo:
-        Có lẽ ông thấy ở trường Nguyễn Hoàng, tôi đang học lớp Đệ Tam A.
       
       Tôi cũng cho cô ta biết về lớp học của mình và vừa lúc đó có người kêu xuống thuyền để về chuyến cuối, cô xách quang gánh đi mà chẳng chào hỏi gì. Tôi được biết tên nàng là Hà. Chiếc thuyền máy chở chưa được mười người rẽ sóng băng qua sông, tôi ngẩn ngơ nhìn theo một lúc rồi tiếp tục lộ trình của mình trong lòng còn tiếc rẻ là chưa hỏi được những điều cần thiết… Suốt tuần lể ở sân trường đến giờ ra chơi, léng phéng gần khu vực lớp Đệ Tam nhưng không thấy nàng đâu cả, tự nhiên có một cảm giác bồn chồn ngóng đợi! Ngày Thứ Bảy ăn trưa xong tôi tìm cuổn sách đem trả cho người bạn rồi ra khỏi nhà, không còn thong thả bước như những lần trước. Đến nơi đã thấy nàng đứng ở đó, lần này thì bạo dạn hơn..
-        Hôm nay cô Hà ra sớm vậy?
-        Sao ông biết tên tui?
-        Thì hôm trước nghe người ta kêu!
Tôi kể cho Hà nghe là trong mấy ngày qua, có ý kiếm nàng ở trường nhưng không thấy, Hà nói đến giờ nghỉ thường chơi với mấy đứa bạn cùng làng ở khu vực lớp Đệ Tứ.
-        Lần trước tôi chưa kịp hỏi Hà đi chợ bán thứ gì.
-        Tui bán cau trầu. Mấy ngày này mạ tui ở nhà chuẩn bị hàng, đi mua hoặc dặn ở những làng lân cận, đôi triêng gióng này ba tui thắt để riêng tui sử dụng.
-        À  ra thế, hàng bán có dễ không?
-        Mau lắm, vì phần nhiều là bán sỉ, khách quen của mạ tui.
Câu chuyện tiếp tục chưa đến trong vòng một tiếng thì Hà phải xuống đò. Như thế là tôi đã nắm được một cách khái quát về công việc của nàng.
Cuộc gặp gỡ trở thành thông lệ nhưng thời gian kéo dài hơn và cái lịch về quê của tôi cũng thay đổi: mỗi tháng một lần chỉ trong ngày Thứ Bảy. Chúng tôi cảm thấy tự nhiên và nội dung câu chuyện bắt đầu đì vòng vòng. Hà bảo tôi là tuyệt đối không đến tìm ở sân trường vì sợ bạn bè chọc hoặc về méc mạ.
-        Vậy đứng ở đây thì sao?
-        Ngoài chợ, ngoài đường!... A nè, Tui thấy mấy ông ban C đi đâu cũng cầm theo cuốn sách, làm ra vẻ ta đây!  Thấy mà phát ghét!
-        Thì bọn tui thích đọc, Hà không thích sao?
-        Chỉ đọc sơ sơ như Phổ Thông Thời Nay.
-        Có khi nào đọc truyện không?
-        Rất ít, tại không có thì giờ vả lại đôi khi cảm thấy rắc rối nhức đầu!
-        Còn thơ thì sao, nhiều bài thơ tiền chiến hay lắm.
-        Cũng có, nhưng chỉ thích những bài có vần có điệu.
Hà kể là một lần đến nhà người bạn chơi, nghe mấy ông cùng lớp của anh trai bạn nói chuyện Thơ Văn mà chẳng biết mấy ông nói gì.. Cái chi mà mặt trời lấy mặt trăng rồi đâm nổ mặt trời…!
Tôi hứa là sẽ chép tặng Hà một tập thơ theo sở thích của nàng đặc biệt là Thơ Nguyên Sa mà tôi rất tâm đắc nhưng tự nhủ lòng là sẽ không đưa bài thơ trong đó ông ví người yêu với chó – mèo và cá ươn! Tôi kiếm những tờ pelure đủ màu, chọn bìa và đóng tập bằng mấy sợi len, định viết là Thơ Tình nhưng sau chỉ để chữ  thơ và ba chấm, ở dưới đề tặng Bích Hà.
Cuộc gặp gỡ một tuần hai lần ngắn ngủi như thế được kéo dài thỉnh thoảng gián đoạn vì thời tiết cho hết năm học, qua niên học mới tôi không còn thấy Hà đứng đợi ở góc cây nữa. Một hôm trong giờ ra chơi tôi nhận được miếng giấy do cô gái lạ mang lại trong đó Hà cho biết là bây giờ khỏi phải đi bán trầu cau, cám ơn về tập thơ và lập lại lời dặn ban đầu là không được gặp nàng trong trường.
Giữa tôi và Hà xem ra chưa hình thành một điều gì cả nhưng sự ra đi tự nhiên tạo ra một trống vắng xao xuyến bần thần!
Câu chuyện xảy ra đầu đuôi chỉ có như thế, nếu như hồi đó tôi cứ liều mạng đến ngay lớp tìm Hà thì chắc là đã có nhiều điều thú vị xảy ra. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy hãy chớp lấy thời cơ đừng có thụt rò thụt ếc! Cơ hội tới là chụp ngay không rồi ân hận suốt đời! Như tôi - đến lúc nửa đời nhìn lại, vốn liếng tình yêu trong tay chẳng có là bao để ngậm ngùi.: Có một thời để… tiếc…!
Còn chuyện thời nay, lý do có người không tin cái phút nói thật về thời dĩ vãng, lại là  chuyện khác xin hứa sẽ kể bên tách café ở một nơi nào đó !!!