Nói đến Cam Lộ người ta thường liên tưởng đến tên gọi của một Huyện mà vùng dân cư trải dài từ Tân Lâm ở phía Tây đến Trúc Kinh, Gia Độ ở phía Đông. Tên gọi này thực ra lấy từ tên Làng nơi đặt Huyện Lỵ: một trường hợp độc nhất được nhìn thấy trong việc đặt tên các đơn vị hành chánh của Quảng Trị: Làng Cam Lộ, Huyện Cam Lộ.
Chưa tìm thấy một tài liệu chính xác nào chứng minh thời điểm đặt tên Làng, tuy việc hình thành khu dân cư này cũng giống như các nơi khác ở Quảng Trị: dân chúng Đàng Ngoài theo các Tướng Công nam tiến mở mang bờ cõi từ sau thế kỷ 11.
Người xưa rất cẩn trọng và có ý tứ trong việc đặt tên: chỉ đặt tên người mà đã cân nhắc kỹ lưỡng huống gì đặt tên Làng: có nhiều công trình nghiên cứu trở về cội nguồn để truy tìm sự thật nhưng tất cả cũng chỉ là phỏng đoán.
Dầu sao qua bao thế kỷ hình thành, tên Làng đã không chỉ được biểu hiện qua đất nước mà bàng bạc trong đó phản ảnh tính chất thanh thoát đôn hậu của con người:
Nước giữa dòng vừa trong vừa mát
Đường Cam Lộ nhỏ cát dễ đi
Tên Cam Lộ được biết đến đầu tiên vào năm 1553 trong Ô Châu Cận Lục của học giả Dương Văn An: lúc bấy giờ Cam Lộ là một trong 27 Làng thuộc tổng An Lạc, Huyện Đăng Xương. Sau đó vào tháng 3 năm Bính Thân 1776, Lê Quý Đôn trong lúc giữ chức Tham Hiệp Trấn Quân Cơ trấn Thuận Hoá, đi tuần du vùng tây Dinh Cát (Ái Tử) đã ghé Cam Lộ và tường trình trong Phủ Biên Tạp Lục như sau : " ... Thấy Cam Lộ là đường núi đi sang Ai Lao, sợ giặc trốn đi đường ấy, muốn sai hai cơ quan quân phô trương thanh thế, tiếp ứng với nhau ở xa mà đón ở phía tả, tôi liền đi từ chợ Sòng về phía tây qua các xã An Bình, An Xuân, Phú Ngạn, Cam Đường, Lâm Lang, Khang Mỹ sang sông đến Cam Lộ ... đường cũng bằng phẳng, dân cư liền nhau ... xã Cam Lộ Huyện Đăng Xương ở thượng lưu sông Hiếu Giang, phía đông thông với Cửa Việt, phía tây giáp với các làng bản người đất Ai Lao, đường sá của dân Man đều qui tụ vào đây, xa thì có nước Vạn Tượng, phủ Trấn Ninh, Châu Cung Hợp ... " .
Nhân đây cũng nên nhìn lại một cách tổng thể quá trình hình thành dân cư trong khu vực: theo các thư tịch cổ và các tài liệu khảo cổ, từ rất xa xưa nơi đây đã có con người sinh sống, minh chứng cho điều đó các nhà khảo cổ học đã thu lượm được ở Cùa, hang dơi Tân Lâm những dấu vết và hiện vật thuộc về hậu kỳ đá cũ và sơ kỳ đá mới mang đặc trưng nền văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn . Thuở các vua Hùng dựng nước, đây là bộ phận của đất Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang và trải qua thiên niên kỷ thứ nhất rơi vào tay phong kiến Champa . Ngay sau khi thoát khỏi ách đô hộ của Tàu, vào đầu thế kỷ 11, các vua nhà Lý bắt đầu nghĩ đến việc Nam tiến . Năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tôn, Lý Thường Kiệt đã cất quân đánh Chiêm mở đầu cho việc bành trướng bờ cõi, lúc này Lý Triều cho di dân sang ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chánh để khai khẩn đất đai. Việc này có hai mục đích: giải quyết vấn đề nhân mãn và thành lập chính quyền để đặt ảnh hưởng chính trị của Đại Việt, thực hiện chủ quyền dân tộc trên các khu vực Chiêm đã nhượng. Đến đời Trần Anh Tông, tháng 6 năm Bính Ngọ 1306 Huyền Trân Công Chúa vâng lệnh triều đình kết hôn với vua Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý, chiến lược khôn khéo này vừa giữ được hoà khí vừa mở rộng được giang sơn: đợt di dân thứ hai được thực hiện.
Đến đời vua Lê Anh Tông vào cuối năm Mậu Ngọ 1558, khi Nguyễn Hoàng được cử vào trấn đất Thuận Hoá đã cùng đem theo quân sĩ, gia đình và đông đảo cư dân, đây là đợt di dân lớn nhất, năm sau do bão lụt lớn ở Thanh Nghệ , một số dân chúng cũng đã vào Thuận Hoá để trú ngụ.
Đến đời vua Lê Anh Tông vào cuối năm Mậu Ngọ 1558, khi Nguyễn Hoàng được cử vào trấn đất Thuận Hoá đã cùng đem theo quân sĩ, gia đình và đông đảo cư dân, đây là đợt di dân lớn nhất, năm sau do bão lụt lớn ở Thanh Nghệ , một số dân chúng cũng đã vào Thuận Hoá để trú ngụ.
Một trong các đợt di dân ấy (đến nay vẫn chưa xác nhận được niên biểu), có cả Họ Lê Ngọc, bước đầu đến định cư tại vùng Điếu Ngao khai phá đất đai, dần dà rồi nhiều Họ khác cùng vào và để tạo thế ổn định cũng như những điều cơ bản cần thiết cho việc phát triển lâu dài, các Họ đã thống nhất thành lập làng đặt tên là Cam Lộ. Tuy nhiên điểm dừng chân đầu tiên này chưa làm thoả mãn những con người mang mộng hải hồ, ở đây mặc dầu địa thế bằng phẳng, đất đai phì nhiêu nhưng xem ra gò bó đơn điệu và trong tận cùng của tâm thức, có một ma lực kêu gọi thúc giục, bắt họ phải tiếp tục lên đường. Sau một thời gian tương đối an cư, Làng đã tổ chức ra nhiều toán đầy đủ trí lực, toả ra mọi hướng để tìm một địa điểm mới ... Tiền nhân đã trải qua mọi hy sinh gian khổ, họp bàn cân nhắc kết hợp với sự phò trợ hướng dẫn của Thần Linh cuối cùng đi đến quyết định chọn khu vực phía hữu ngạn sông Hiếu cách Làng cũ 8 cây số về phía tây. Nhờ có hậu cứ kinh tế tương đối vững vàng, lực lượng tiền phong khai phá an tâm trong mọi công việc ở Làng mới rồi dần dần đưa con dân các Họ lên định cư, tổ chức thành các xóm cho dễ bề quản lý và tương trợ : tất cả có 6 xóm : đầu Làng là Tây Hoà, cuối Làng là Đông Định, ở giữa là Thượng Viên, Trung Viên, Hậu Viên, bên kia sông Hiếu là Bắc Bình, sau này có thêm xóm Hoàn Thành nằm phía trước thành cổ Vĩnh Ninh nhưng sau năm 1972 thì không còn nữa (chúng ta cũng không rõ được cách thức phân định ranh giới giữa các Làng thời xưa như thế nào mà lại có một xóm của Cam Lộ nằm bên kia sông giáp ranh với Làng Thượng Độ, trong lúc đó dải đất nằm cạnh hông xóm Hậu Viên dọc theo hữu ngạn sông Hiếu lại thuộc Làng An Thái, rồi khu đất bên kia sông - gọi là Hè Dài - đối diện với xóm Đông Định sát Làng An Mỹ thuộc về Cam Lộ). Làng cũ vẫn giữ nguyên tên nhưng được gọi là Cam Lộ hạ, Làng mới Cam Lộ thượng, sau này có bộ phận lên Cùa lập Cam Lộ phường . Khi thành lập Làng mới có lẽ chỉ có số đông trai trẻ ra đi, bởi những chứng tích còn lại ghi nhận hầu hết các ngôi mộ tổ của các họ đều được an táng tại Làng Hạ . Họ khai canh Lê Ngọc sau này dường như qua Lào sinh sống rồi không có con trai nối dõi, mất liên lạc với Làng. Trong thời cận đại, Cam Lộ có 9 Họ chính gốc và hiện nay lên đến 16 Họ.
Tiền nhân đã khéo chọn một nơi chốn có những yếu tố tuyệt đối về phong thổ địa lý: Phía sau là chỗ dựa lưng hiền hòa mát dịu Sông Hiếu và tầm nhìn ngút ngàn trước mặt với Quốc Lộ 9 tấp nập xe cộ, xa xa nhấp nhô trùng điệp những mỏm núi của Trường Sơn, tạo nên một cảnh sơn thủy rất hữu tình. Phải chăng đó là nguyên cớ mà trải qua bao bể dâu của thế sự dân Cam Lộ đã vươn tới không mệt mỏi để đạt được những thành quả đáng vị nể, đặc biệt những con người ở đây đã tạo nên một phong cách rõ nét riêng biệt, khác xa những khu vực chung quanh.
Trở lại buổi đầu thành lập khu dân cư, do những yếu tố địa lý thuận lợi, các nhà quân sự đã xem đây là một vị trí chiến lược quan trọng: Năm Nhâm Thân 1572 khi Trịnh Tùng lên ngôi, đã thấy được cái họa của Nguyễn Hoàng ở phương nam bèn sai Tham đốc Mỹ Lương cùng hai anh em Văn Lan, Nghĩa Sơn tiến đánh Quảng Trị, đích thân Mỹ Lương dẫn quân vượt tổng Bái Trời (tây Gio Linh) đến làng Cam Lộ ổn định quân sĩ rồi di chuyển về hướng đông nam để tấn công Dinh Cát từ hướng nam.
Có lẽ thời điểm này hệ thống giao thông về hướng tây được hình thành nên bọn cướp từ Lào thường qua quấy phá cho nên năm 1622 chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho rằng : "Vùng Sông Hiếu Xã Cam Lộ thuộc Huyện Đăng Xương giáp giới với đất Ai Lao, các bộ lạc Man, Lạc Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp đều có đường thông đến đấy, bèn sai đặt dinh, mộ dân chia làm 6 thuyền quân (?) để coi giữ gọi là dinh Ai Lao ", đến năm 1672 đổi tên thành Trấn Sơn Phòng Cam Lộ để bảo vệ vùng biên giới phía tây . Năm 1828 vua Minh Mạng ra lệnh cho xây thành Vĩnh Ninh ở đầu Làng Cam Lộ, về thiết kế cũng giống như thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị nhưng nhỏ hơn . Nơi đây năm 1885 vua Hàm Nghi trên đường xa giá vào Tân Sở đã ghé lại qua đêm. Và vào tháng 11/ 1932 cũng được vinh dự đón tiếp vua Bảo Đại. Sau năm 1972, thành Vĩnh Ninh là thủ đô của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam, đã đón tiếp Thủ Tướng Cuba, Fidel Castro.
Điểm đáng nêu là do tính chất trọng yếu của cứ điểm biên phòng này, các vua nhà Nguyễn đã cử những tướng công tài ba ra chỉ huy trấn giữ, trong đó lần lượt đã có 16 vị thuộc giòng Họ Nguyễn Công quê quán Phong Điền Thừa Thiên, một số sau khi mãn nhiệm đã quyết định ở lại, cho đến bây giờ con cháu vẫn còn tại các Làng An Hưng, Tân Định, Cam Lộ và lăng mộ của các bậc đại thần ấy vẫn còn . Trong thời điểm đó, để ghi nhớ công lao của các chiến sĩ đã hy sinh từ "sơn đầu chí hải khẩu " vua ra lệnh quy tập, tu bổ mộ chí và lập đền Hội Đồng để thờ phụng, đền này nằm sát Quốc Lộ 9, rất linh thiêng. Từ khi thành lập cho đến năm 1972 hàng năm đều có tế lễ rất trọng thể.
Năm 1904 người Pháp bắt đầu mở Quốc Lộ 9 từ Đông Hà đi Savannakhet để tạo thế ổn định chính trị đồng thời khai thác những vùng đất màu mỡ ở Khe Sanh, Trung Lào. Cam Lộ bắt đầu trở nên một vị trí quan trọng về mọi mặt và từ thập niên 40 là vùng tranh chấp gay gắt giữa phe kháng chiến và thực dân Pháp, một đồn lớn được đặt ngay đầu Làng để khống chế các khu vực rộng lớn chung quanh, đây cũng là điểm dừng chân trên hành lang tiến quân của quân đội Thiên Hoàng qua Lào và Thái Lan. Năm 1945, đình Làng Cam Lộ được chọn làm địa điểm để giải giới quân Nhật thua trận.
Sau năm 1954, trong không khí hòa bình an lạc, bộ mặt Cam Lộ đã thay đổi nhanh chóng nhất là về kinh tế, văn hóa, xã hội, nơi đây năm 1958 trên đường kinh lý, Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng đã ghé lại phủ dụ an dân. Từ ngày thành lập rồi trải qua bao nhiêu triều đại, chế độ , Làng Cam Lộ tương đối ít bị cảnh điêu tàn ngay cả trong thời gian chống Pháp, âu cũng nhờ cách xử trí khôn ngoan mềm dẻo của thân hào, nhân sĩ đối với cả hai bên: đã có vị biết trước cái án tử hình của phe kháng chiến nhưng để tránh cho Làng khỏi bị cảnh tàn phá của thực dân, đã chấp nhận đứng ra lập hội tề !!! ... Đến năm 1972 Làng đã phải chịu chung cảnh đổ nát của toàn vùng Quảng Trị.
Sau năm 1975 dân làng ly tán khắp nơi vũ lượt trở về, bắt tay xây dựng lại từ đầu, sau khi ổn định đời sống và điều kiện cho phép, toàn dân đã nghĩ đến tiền nhân: xây dựng, tôn tạo những nơi thờ phụng, đó cũng là những di sản văn hoá, tạo nên một cảnh quan hài hoà mang sắc thái đặc thù làng xã Việt Nam.
Ý niệm Làng Họ đã thấm vào máu thịt, ăn sâu trong tâm thức của mọi người: từ bao đời mỗi cá nhân mỗi giòng tộc đều có ý thức bảo vệ cương thổ, tài sản, uy tín và giá trị của Làng: trước đây còn tàng giữ một văn khế trong đó ghi việc mua đất Làng Thượng Độ để đào con Sông Lâu, mục đích thay đổi dòng chảy và phân thủy trong mùa lũ để các Xóm Thượng Viên, Hậu Viên khỏi bị sụt lở, cũng có câu chuyện bên lề cho rằng các bậc tiền bối muốn mượn con sông đào này để đẩy trôi chùa An Thái đang nhắm hướng vào bên hông có thể gây ra những điều gỡ cho Làng, tiếp đó là việc huy động trồng tre cặp theo sông Hiếu với một quy ước bảo vệ rất gắt gao để đất khỏi bị xói lở và giữ phù sa . Các công trình này được đặt tên tre Xóm, tre Làng. Trước mặt Làng, bên kia Quốc Lộ 9 là cánh đồng lúa: Các nông gia ngày xưa cũng đã có ý niệm dẫn thủy nhập điền ngăn suối giữ nước tưới ruộng, công trình này đặt tên là Đập Làng, một vị Trưởng Tộc được đề cử kiểm soát bảo vệ : ngày nọ ông ngầm sai người nhà dắt bò đi trên đập, sau đó làm lễ trầu rượu xin tội với Làng và nộp phạt con heo 50 kg, từ đó trâu bò trong Làng không dám bén mảng tới ... Do sự trù phú và thuận lợi, một số cư dân các nơi về đây sinh sống làm các ngành nghề và buôn bán, phần đông tập trung trước cổ thành, lập xóm mới đặt tên Xóm Hoàn Thành. Sau 1954, lợi dụng có tiền của và thân quen với ông quận trưởng Lê Đình Pháp, số người này đề nghị tách ra lập một Làng riêng nhưng do sự đấu tranh bền bỉ hợp lý để bảo vệ vẹn toàn đất đai của Làng, ý đồ này không được thực hiện - nói chung tiếng nói của quý Ông Lục, Ông Bộ, Ông Cửu của Làng Cam Lộ rất có uy tín, các cấp chính quyền đều nể trọng nghe theo. Cũng chính những vị này năm 1960 đã vận động thành lập cùng một lúc hai trường Trung học công lập và bán công. Nhân đây cũng xin bàn qua về việc chánh và ngụ cư vì có người phê phán cho sự phân biệt này là một quan điểm phong kiến nhưng thực chất đây là một quy ước về ân nghĩa với tiền nhân và bảo vệ giá trị của Làng bởi mỗi tấc đất hình thành hôm nay đã thấm đậm biết bao mồ hôi xương máu của đời trước do đó người ngoài đến không thể được hưởng những quyền lợi về chính trị và kinh tế như dân trong Làng được, hàng năm đến ngày tế thu 17 - 7 âm lịch, họ phải mang phẩm vật đến Đình Làng để xin dâng cúng đồng thời phục vụ suốt trong ngày lễ, lúc tế họ lạy sau cùng, về đất đai thì không cấp loại tốt. Trong dân gian còn lưu truyền việc tranh chấp với Làng An Thái tại khu vực Tre Làng: mọi tầng lớp quần chúng đã tập trung tại mốc giới suốt ngày đêm, có lúc đã xảy ra bạo lực, sau đó phải có quan trên về phân xử. Việc tôn vinh và bảo vệ giá trị của Làng cũng đã được thể hiện ngay cả lúc chạy loạn: nhớ lại năm 1974 khi rời trại Hòa Khánh để hồi cư, dân Cam Lộ được bố trí tạm dung tại một Làng phía tây Hải Lăng, năm đó Làng này tổ chức tế, với truyền thống coi trọng lễ nghĩa các vị thân hào đã nghĩ đến việc chuẩn bị lễ để dâng cúng và bàn bạc về phẩm vật, cuối cùng đi đến quyết định là mua bộ tam sự lớn hơn bộ Làng này đang có bởi như vậy họ sẽ đặt tại vị trí trang trọng trong đền thờ.
Ý niệm về tiên linh, những bậc khai canh khai khẩn luôn luôn là sự tôn kính thiêng liêng, biết bao huyền thoại và sự thật đã xảy ra để nói đến sự linh thiêng của những nơi thờ phượng này, nhất là ở Đình Làng. Đình là một địa điểm quan trọng trong quần thể Đình - Nghè - Miễu, nơi đây thờ quý bậc có công hình thành xây dựng bảo vệ Làng chứ tuyệt đối không có một tính cách mê tín nào cả. Đình Làng Cam Lộ là một trong những di sản văn hóa của Quảng Trị còn sót lại sau chiến tranh. Khởi công xây dựng năm Gia Long thứ 12 (1813), đến năm 1841 được trùng tu lại trang nghiêm bề thế hơn. Năm 1958 để bảo đảm độ bền và có dáng vẻ hài hòa, Đình được chỉnh trang thêm một ít kiến trúc hiện đại, có la thành và cửa tam quan. Năm 1972 mặc dầu ít bị bom đạn làm hư hại nhưng qua thời gian dài không chăm sóc tu bổ, đình bị xuống cấp. Cuối thập niên 80, dân làng quyết định triệt hạ, chỉ giữ lấy hai vài giữa làm bộ chân trò, hai đầu hè xây xông, hai vài gỗ còn lại bán cho Làng Kim Đâu cũng để làm đình. Hiện nay Đình tuy không được bề thế như ngày xưa nhưng dân làng với tất cả nhiệt tâm nhiệt tình góp công của đã tôn tạo được một nơi thờ phượng trang nghiêm ấm cúng. Trước cổng tam quan còn tạc ghi bốn câu đối để mô tả, ca ngợi vị trí phong thổ của Làng:
Hữu bạn tốn phong phiêu địa trục
Tiền triều giáp bảng yết thiên môn
Hộ ngoại thuyền xa tần thấu chí
Diện triều sơn thuỷ vĩnh triều tôn
Tạm dịch :
Mạch đất tốt ở bên phải sông Hiếu chế ngự cả thế đất chung
Triều đại trước đã có người đỗ đạt nổi tiếng ở kinh đô
Ngoài cổng thuyền xe tấp nập lui tới
Trước mặt sông núi vĩnh viễn tôn nghiêm
Đình Làng Cam Lộ
Đã một thời Đình là trung tâm quyền lực quan trọng trong văn hoá Làng xã, nơi đây truyền đạt phép vua và thực hiện lệ Làng. Sân đình là vị trí diễn ra mọi sinh hoạt và cái tôn ti của đạo lý Khổng Mạnh được nhìn thấy rõ nét đặc biệt là trong các buổi lễ: thông thường là vị Trưởng Họ nhất đứng chánh tế nhưng cũng có thể là vị cao niên có uy tín, sau đó theo thứ tự, các Trưởng Họ khác vào lễ bái, các bô lão, thân hào ... đến lúc ngồi vào bàn tiệc cũng vậy. Việc Làng, việc Họ là những lúc để người nông dân thể hiện cái quyền lực tôn tộc, vai vế của mình qua việc phát biểu quan điểm ý kiến về mọi sinh hoạt mà ở ngoài xã hội họ thường là tầng lớp thấp cổ bé miệng không bày tỏ được - ở đây chức tước ngoài đời tạm thời bỏ quên mà phải sắp hàng theo thứ bậc gia đình! Tuy vậy những sinh hoạt sau luỹ tre Làng "quan hôn tang tế " ở Cam Lộ tương đối gọn nhẹ cấp tiến hơn so với những Làng chung quanh mặc dầu chỉ cách một cây cầu, con hói: đám tang không ăn uống linh đình, khách đến viếng được mời ăn trầu, uống nước, chỉ dọn ăn cho đội âm công, về đám cưới nhà trai không thết tiệc mời nhà gái khi đón dâu về ... Mọi người đến chia vui chia buồn đều kèm theo một số tiền nhỏ để phụ với gia chủ trang trải chi phí. Nghĩa cử tương trợ này thể hiện cái Tình Làng Nghĩa Xóm, một dấu ấn tốt đẹp ở nông thôn: mọi sự việc lớn nhỏ xảy ra, chỉ vài tiếng sau là cả Làng biết. Một hình thức báo động, báo nguy được lưu truyền cho đến ngày nay là "Van Làng xóm": bị thiên tai, hoạn nạn, đau ốm, ức hiếp ... chỉ cần kêu " Ơi Làng xóm cứu với " là tức tốc người người ập đến, mọi sự cố được giải quyết kịp thời.
Bên cạnh Đình Làng nơi thờ chính là nhà thờ các Họ: Trần Viết, Thái, Lê, Trần Văn, Phạm: một số lượng lớn so với các Làng chung quanh! Sinh hoạt ở đây thân mật hòa đồng, trong các dịp cúng kỵ - gọi là việc họ - tất cả con dân trai gái dâu rể cháu nội cháu ngoại đều về dự. Song song với "ngũ thường " của Khổng Mạnh trong sinh hoạt Làng Họ, hạnh từ bi hỷ xã của Đạo Phật cũng đã thấm nhuần sâu đậm vào lòng người, hầu hết dân làng đều theo Phật giáo và ngôi chùa ở trung tâm Làng luôn được mọi thế hệ quan tâm củng cố. Chùa Cam Lộ đã được xây dựng lại, khánh thành năm 2006, là một trong những Ngôi Chùa bề thế tại Miền Trung. Có thể do sự kết hợp bởi những đạo lý nêu trên nên đã gieo cấy vào lòng người những dáng nét đầy nhân tính và Phật tính bởi thế trong đợt tháp tùng vua Bảo Đại ra thăm Cam Lộ vào năm 1932 nhà báo Henrile Grauclaude đã viết : " ... phong thổ ở đây rất hiền hậu, người dân chất phác, thuần lương, chuộng kiệm ước, ít xa hoa ".
Bên cạnh các yếu tố đã nêu trên, có một địa điểm làm nổi danh Làng Cam Lộ là Chợ Phiên. Chợ nằm ở cuối Làng, cách Sông Hiếu (Cầu Đuồi) khoảng 300 mét, vào thập niên 30 có vài thế lực, cường hào trong làng muốn dời chợ lên Trào Ba cách nửa cây số về phía tây, triều đình phải cử các quan ra phân xử, quyết định để lại vị trí cũ :
Giang Sơn thổ võ cũng linh
Bộ tư ra tỉnh chợ đình như xưa
Có thể chợ đã được hình thành vào thời Nguyễn Hoàng - Nguyễn Phúc Nguyên, lúc đầu chỉ là chợ địa phương, nhưng do ngày càng phát triển và để thuận tiện cho khách thương từ các tỉnh Bắc - Nam đến mua bán nên được quy định nhóm vào các ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hăm ba, hăm tám âm lịch. Chợ nằm ngay trước đình làng với những tán cây sanh, bàng, nhãn, ngô đồng che mát tạo nên một cảnh quan rất thông thoáng, ba phía khác là dãy phố khang trang bán vải vóc, tạp hóa, đường 71 đi ngang phía trước chợ.
Theo sử liệu thì từ rất sớm các chúa Nguyễn đã có một tầm nhìn chiến lược về kinh tế, thương nghiệp, nhà Chúa đã cho mở một loạt chợ như chợ Kênh, chợ Cạn, chợ Ngô Xá, chợ Sải, chợ Sòng, chợ Cầu, chợ Huyện, chợ Phiên ... và cảng Cửa Việt được mở để đón tàu buôn Trung Hoa, Bồ Đào Nha và Nhật. Riêng chợ Phiên Cam Lộ, nằm ở vị trí đặc biệt ở phía Tây, như Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục đã ghi lại rất chi tiết về địa thế và sự giao lưu buôn bán với hầu hết các bộ lạc : " ... người buôn các xã thường mang mắm muối, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến ... đến đất người Man đổi lấy nếp gạo, gà trâu, gai, sáp, mây, dó, vải, màn, thuê voi chở về chợ Phiên Cam Lộ để bán", nên có thể xem đây là một thị trường sầm uất về lâm đặc sản, nông sản và súc vật. Tuyến buôn bán Cam Lộ - Cửa Việt đã một thời thuyền bè tấp nập đi lại. Có một vị trí nhỏ ít ai nhắc đến nằm trong hệ thống với chợ Phiên là chợ Bến Đuồi, được nhóm trước chợ Phiên một ngày: ở đây chủ yếu bán gia súc gia cầm, vật liệu xây dựng, nông cụ, than củi ... những hàng này sau khi mua được sắp xếp gọn vào thuyền bè trong đêm, đến sáng thương nhân mới lên chợ Phiên để mua bán những mặt hàng gọn nhẹ.
Photo: Cầu Đuồi - Quảng Trị
Chợ Phiên Cam Lộ là một thị trường rất đa dạng, về lâm đặc sản có gỗ, mây, giang, trầm, dó (làm giấy), rẹc (bện dây), gai, mốc (chằm nón), măng, nấm, gạc nai, mu rùa, sáp, mật ong, lá nón ... các thương nhân miệt dưới bán vải vóc, quần áo, giày dép, xà phòng, dầu hỏa, giấy vở, nón mũ, các loại thực phẩm, hải sản, bún bánh .. dân địa phương thì có rau quả, nông sản ... chợ Phiên được xem như ngày hội của dân trong vùng, ngoài các nơi xa đến bằng đò xe, cư dân trong vòng bán kính 7 - 10 cây số thường gánh gồng đi bộ . Dân địa phương hầu như nhà nào cũng đi, đôi lúc chỉ vài xấp lá, nải chuối, mụt măng .
Luồng buôn bán mạnh mẽ hai miền xuôi ngược qua chợ Phiên đã tạo nên sự giao lưu văn hóa, tiếp nhận sớm những văn minh tiến bộ từ các phố thị , đồng thời tạo nên sự đồng cảm dân sinh giữa người Việt, dân tộc thiểu số và các bộ lạc Lào. Sự phồn thịnh của chợ Phiên đã kéo theo những phát triển hài hòa các mặt khác, tạo cho Cam Lộ có một khuôn dáng rất đặc biệt so với các vùng quê Quảng Trị, bởi thế nhà thơ dân gian Lê Cặn, trong thập niên 30 đã mạnh miệng bảo rằng:
Cam Lộ là tiểu Trường An
Thượng thành, hạ thị, thương gia, học đường
Gần đây một nhà nghiên cứu xã hội nhân văn, có lẽ qua phong thổ địa lý kết hợp với yếu tố nhân sinh và những thực tế xảy ra đã cho rằng dải đất từ Quật Xá về Bích Giang là khu vực "địa linh sinh nhân kiệt " mà trung tâm điểm là Làng Cam Lộ! Chuyện này để người ngoài thẩm định, có điều nơi đây đã sản sinh ra một nhà nhân chủng học quốc tế, cũng là người Việt Nam đầu tiên có tên trong Hàn Lâm Viện Hải Ngoại Pháp (ông Trần Minh Tiết), một vị khác là tiến sĩ khoa học, kỹ sư thổ nhưỡng đầu tiên của Việt Nam, từng là viên chức cao cấp trong Bộ Canh Nông, dạy hầu hết các trường Đại Học tại miền Nam, nằm trong Uỷ Ban khai thác sông Mekong rồi cơ quan FAO của Liên Hiệp Quốc (ông Thái Công Tụng), gần gũi với chúng ta hơn là vị Hiệu Trưởng khả kính của trường Nguyễn Hoàng (Thầy Thái Mộng Hùng) đã nắm giữ chức vụ này gần 20 năm ! (Có thể đây là trường hợp độc nhất của nền giáo dục miền Nam trước 75).
Ai cũng trân quý, tự hào và lưu luyến về quê hương mình. Một nhà báo trẻ người Làng Cam Lộ chỉ đi ra ngoài tỉnh mà đã nao nao một nỗi niềm riêng: "Không biết vì sao những chạng vạng chiều nơi xứ lạ quê người khắc khoải trong tôi nỗi nhớ Làng da diết đến thế. Đăm đắm một cái gì khó gọi thành tên ... có một miền ký ức đã thành "hương hỏa" đấy là quê nhà. Quê nhà, của hương hỏa .. " (Lê Đức Dục). Đúng là không thể nói lên một cái gì đó để gợi nhớ về Làng, nó bàng bạc thấm sâu trong tận cùng của niềm đau nỗi nhớ. Càng đi xa, càng về già, niềm cảm xúc ấy thấm thía hơn. Nỗi nhớ không tên gọi, đan xen trộn lẫn trước sau: thuở học trò, thời chinh chiến, bến sông, sân đình, mẹ già, cháu nhỏ !
Làng Cam Lộ thân thương và gần gũi biết bao khi nghe ai đó gọi tên. Làm sao ghi hết được mọi diễn biến thăng trầm của một miền đất qua hằng bao thế kỷ với những con người chơn chất nhưng nặng một biển tình! Làm sao diễn đạt hết được lòng tri ân cảm phục đối với bao thế hệ tiền nhân đã xây dựng và vun bồi cội phúc - ở xa chỉ biết hướng về với một tấm lòng chân tình khắc khoải. Ai cũng muốn soi bóng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm nơi chốn một thời gắn bó và văng vẳng đâu đây một lời vẫy gọi, lời mời gọi không hẳn chỉ đối với những đứa con quê hương lưu lạc mà ngay cả khách phương xa đã từng đi qua cũng muốn một lần trở lại, như anh bạn tôi, một nhà thơ xứ Kim Đâu đã mong ước :
Mùa xuân nào mình về thăm Cam Lộ
Ghé chợ Phiên đầy bắp, đậu, sắn, khoai
Đường nhà em có hoa vàng nở rộ
Mít ổi trong vườn mận chín cho ai ?
SÁCH THAM KHẢO:
- Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn
- Tạp chí Cửa Việt, Văn Hóa Quảng Trị
- Các chi tiết trong Ô Châu Cận Lục và Phủ Biên Tạp Lục đều được trích lại từ các tạp chí trên
********