September 5, 2011

MẤY NGƯỜI BẠN CŨ

                                                                                              
Hình như mọi bà mẹ quê Quảng Trị đều có chung một điều mong ước là làm sao con mình được vào học Trường Nguyễn Hoàng: vừa đỡ tốn một khoản học phí, vừa đánh giá sức học sau khi đạt số điểm qua một kỳ thi tuyển và cảm thấy có niềm hãnh diện vô hình nào đó. Điều này tôi đã làm Mẹ tôi thất vọng mặc dầu trước đó mấy hôm Bà chuẩn bị rất kỹ: mua một con gà đúng giò nhốt sẵn cho sạch chân để cúng "trửa trời", không cho tôi ăn trứng sợ bị điểm không ... sau hôm cúng ông bác tôi coi giò bảo rất tốt:"sởn sơ không một vết bầm, nội phò, ngoại giang, huyết đáo thượng trần, mọi chuyện sẽ thông suốt tốt đẹp", nhưng không hiểu sao tôi bị rớt trong kỳ thi vào Đệ Thất năm đó . Mẹ tôi âm thầm thở dài với lời tự thán an ủi " học tài thi phận ". Tôi phải vào trường Thánh Tâm một năm và năm sau trở lại quê vì lúc này ở quận bắt đầu mở trường Bán Công với hai lớp Đệ Thất và Đệ Lục.
Những năm ở Trung học, tôi cứ nghĩ là sau này mình sẽ đi ban Toán vì đây là môn tôi rất thích và thường có điểm số cao nhất: nhớ năm Đệ Lục, thầy Lê văn Quang cứ vào đầu giờ đều cho làm toán chạy với phần thưởng 3,2,1 kẹo Nougat cho 3 người nhanh nhất, lúc nào tôi cũng được 3 cái, rồi những năm sau tháng nào tôi cũng được thầy Lê văn Ni tặng cho những cuốn sách tự chọn vì tôi đã làm được hầu hết các bài toán Lý hóa trong sách của thầy Đặng Sĩ Hỹ .. Thế mà khi vào Đệ Tam Nguyễn Hoàng, tôi không được đi ban B như trong đơn thỉnh nguyện, mà phải vào ban C . Sau một thời gian ngắn, tôi mới biết là lúc này trường bắt đầu mở ban Văn chương Sinh ngữ nhưng số học sinh ghi danh quá ít, quý thầy phải giở học bạ ra rà xét tìm những người tạm có khả năng đưa vào cho đủ sĩ số ... trong học bạ của tôi, sau môn Toán, Sinh ngữ chỉ ở mực trung bình , nhưng môn Việt văn trội hơn một chút, lại quý thầy thương tình dễ dãi trong việc cho điểm: Có lần thầy Lê Hữu Thăng khi ra đề luận văn " tâm sự Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích " đã cho tôi số điểm tối đa, có lẽ đây là cái "Duyên" thầy đã gieo để gần 40 năm sau liên lạc được với nhau trên đất Mỹ, tôi phải trả "nợ", lần này thầy cũng ra một đề luận văn, khó hơn với nội dung chi tiết gạch đầu dòng, tôi cố gắng viết trong nhiều cảm xúc khác nhau, không biết thầy " cho bao nhiêu điểm", nhưng đã chọn đăng trên Kỷ yếu Quảng Trị.
            Lớp C ban Pháp văn năm đó chỉ có 37 học sinh, gần một nửa đi vào với những bước chân bất đắc dĩ, sức học trung bình hoặc dưới, trong đó có tôi, bởi thế tôi phải học hai năm Đệ Nhị để được làm quen thêm nhiều bạn khác . Mặc dầu " văn dốt, vũ nát", tôi cũng có được cái vinh dự lịch sử là một trong những học sinh ban C đầu tiên của trường Nguyễn Hoàng.
            Nhập học niên khóa 1963 - 1964, tôi lạc lõng trong mặc cảm một học sinh trường quận với bản tính trầm lặng, nhút nhát, không có bạn thân, tuy thế hai tháng sau, xảy ra vụ đảo chánh 1 - 11 với những cuộc bãi khóa xuống đường liên tục do các anh Lê Đình Cai, Thái Tăng Phương ... dẫn đầu, tôi cảm thấy dạn dĩ và gần gũi với bạn học hơn, một trong những người thân nhất và để lại trong tôi nhiều dấu ấn đẹp đến sau này là Nguyễn Ngọc Hùng . Anh có nhiều biệt danh: Hùng Bắc, Hùng La Vang, Hùng Lì ... nổi tiếng về cái nghịch ngợm của mình, là biểu hiện đúng đắn nhất ở vị trí thứ 3 sau ma và quỉ ! Trong các môn học, chỉ giỏi về văn, còn lại là mù tịt, đam mê của Hùng là tán gái và làm thơ, trong cặp sách lúc nào cũng có sẵn một hai bài thơ và thư tình, gặp cô nào hợp nhãn sau vài câu mở đề là điền tên vào và nộp bài ngày ! Anh thường công khai hóa những mối tình học trò thầm lén cho cả lớp biết, có lần đọc đâu đó mấy câu thơ của anh Thiệu gởi cho chị Lan:
"Ngập ngừng tôi gọi Lan bằng chị
Ôi đẹp làm sao chuyện chúng mình "
Anh chẳng ngại ngùng phổ biến .. Cuộc tình nhen nhúm từ lớp học đã cột chặt hai người lại với nhau cho đến bây giờ . Hiện anh chị sống rất hạnh phúc với cả đàn con thành đạt ở Dallas ...  Những kỳ thi lục cá nguyệt, cứ mỗi câu hỏi về toán anh làm một bài thơ, thế mà cô Kim Sa vẫn cho anh điểm trung bình, mỗi thầy cô anh đều đặt thêm một biệt danh: thầy Sang dạy Sử Địa là " quả lắc Faucault " , cô Kim Sa là cô 36, thầy Châm dạy Anh văn là Nez Rouge, thầy Nguyễn Đăng Ngọc dạy văn là " Tâm Vô Cầu " .. giờ đầu Công dân, thầy Quý giới thiệu: Tôi, Thái Tăng Quý, cử nhân Luật khoa . Thế là lần sau, trước khi thầy vào đã thấy Hùng lấy phấn viết lên bảng:
" Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng”        
          Có lần anh ráp nối một bài thơ Đường rồi đem hỏi thầy Ngọc: bài thơ con đọc một lần rất thích và nhớ mãi trong một tuyển tập thơ của Đỗ Phủ, Lý Bạch và Bạch Cư Dị, nhưng không rõ cụ thể là của ai, thầy có nhớ chỉ dùm con với ... một lần khác, anh không làm theo đề luận văn của thầy mà theo một đề khác do mình tự đặt, đương nhiên thầy không chấm, trong phần lời phê của giáo sư, anh mạo chữ của thầy viết: Nhất Linh viết thua anh, Khái Hưng sống lại viết bằng anh là cùng .." rồi chuyển lên khoe với cách chị Ngọc Bích, Lệ Hằng, Nguyễn thị Thanh, Nguyễn thị Liễu ...
          Về Quảng Trị, lúc đầu tôi ăn cơm tháng ở Thạch Hãn, sau anh Ngô Xuân Lưu giới thiệu đến dạy kèm cho con bà dì ở Góc Bầu, phía sau lò rèn ông Lem, cạnh nhà anh Hàm, anh Thám có cô em tên Khiểm rất dễ thương . Một lần đứng chơi trước lò rèn, chung quanh có mấy bà mẹ trẻ, anh thản nhiên sửa lời của một bài thơ tiền chiến rồi ngâm:
 Ngày mai trong đám bồng con ấy
Có kẻ theo tôi bỏ cả chồng (!)
          Sau này gần lúc thi cử tôi dọn xuống ở nhà chị Bé người cùng quê phía sau chùa Tỉnh Hội, những ngày nghỉ Hùng thường rủ tôi đi chơi, lúc nào cũng có một nắm bạc cắc " cuỗm" của bà O bán tạp hóa (?!), nhờ chị Bé đổi ra tiền giấy rồi di đá Jeton ở quán ông Mười trước rạp Đại Chúng hoặc ăn bún bò ở đường Lý Thái Tổ, thỉnh thoảng có dẫn theo Phán, học Thánh Tâm, nghịch như Hùng vậy, địa bàn hoạt động của anh là trường Nữ Theresa, Phán cũng có năng khiếu về thơ văn, sau này làm Ban Báo Chí ở TTHL/Vũng Tàu . Những khi không có tiền chúng tôi mượn " súng cóng dù bắn đạn ria" của anh Trang, chồng chị Bé, đi bắn chim sẻ hoặc dạt ở cánh đồng Hạnh Hoa, những cuối tuần lên thăm nhà, Hùng thường theo tôi và chỉ mấy lần cũng đã quen được nhiều cô .. Hùng không bao giờ xem lại bài vở ở nhà, chúng tôi đều học hai năm Đệ Nhị, kỳ thi sau anh phải nhờ một người bạn đóng vai giám thị hành lang - cũng kiếng trắng, veston, giày cuire, cặp táp, mang bài luận Pháp văn vào đứng ngay trước mặt, đợi anh chép xong rồi đi ra, không hiểu sao quý Thầy coi phòng thi chẳng có ý kiến gì cả, có bằng TTI anh nhập ngũ ngay khóa 22/TĐ ... Sau này gặp một số bạn của Hùng kể chuyện: Hùng là cứu tinh cho bạn bè thân tình ở Trung đội, nếu lỡ bị mất nút ống hơi của súng Garant M1, chỉ cần cho Hùng biết 30 giây là có ngay; thường chơi kết bạn bốn phương với nhiều người, cuối tuần hẹn lên vườn Tiếp tân của trường, chọn cô nào đẹp, chịu chơi dẫn đi . Hùng nghịch, nhưng thông minh, vui tính, nên được quý thầy và bạn bè thương ...
           Để giữ lại một kỷ niệm cho lớp, cho trường và giải bày những tâm tư học trò trong thời điểm mình có mặt, các anh chị đầu đàn trong lớp như Lê Đình Lộng Chương, Lê Hữu Ty, Đỗ Tư Nghĩa, Đoàn thị Tình, Hoàng Hữu Ly, Hoàng Mỹ, Hồ Sĩ Kỷ, Lê Mậu Thiên, Nguyễn Cư .. đã bàn bạc để ra tập san lấy tên là " DẤU CHÂN CHIM ", một tên gọi thật hay và ý nghĩa: dấu chân của những chú chim nho nhỏ ríu rít quanh quẩn bên tổ đợi mẹ mớm mồi, sau này những cánh chim bay đi khắp bốn phương trời đậu lại ở những vị trí khác nhau nhưng có lúc ngoảnh đầu nhìn lại chắc không khỏi cảm xúc bồi hồi . Trụ sở Ban Biên Tập đặt tại Thạch Hãn .. cả lớp cùng nhau hì hục làm việc: quay Roneo ở Ty Thông Tin, xếp bài, đóng sách, hơn một nửa học sinh trong lớp đều có góp bài, chừ thì chỉ nhớ lờ mờ hình bìa, còn nội dung xin chịu, ngay cả bài của mình viết, chỉ nhớ được bút hiệu Ngữ Quyên của anh Nguyễn Cư, điều thú vị là năm 95 tình cờ gặp anh tại Saigon, chúng tôi đều nói là không có đứa nào lạ cả, anh vẫn vui tính tươi cười với chiếc răng khểnh rất dễ thương ... Trước khi rời VN mấy hôm, chúng tôi có gặp nhau tại quán số 3 Lê Lai, trong đó có mấy người bạn cùng lớp: Nguyễn Cư, Nguyễn văn Tịnh, Lê Ngọc Giao, Thái Thạch. Rời trường, mỗi người trôi nổi theo những công việc khác nhau, ít khi hội ngộ, chỉ năm 72 gặp anh Lê văn Hoàn ở trại Tình Thương của TK/QT ở Mỹ Thị Đà Nẵng, hỏi tôi có cần sổ xanh, anh ta giúp, lần khác lúc đơn vị  đang tái huấn luyện tại Phú Bài, tôi chuồn vào thăm nhà ở Đà Nẵng, khi trở lại, có lệnh cấm trại và quân cảnh hỏi rất gắt, biết là một người bạn cùng lớp đang chỉ huy tại đây, không đợi xét giấy tờ, tôi hỏi một QC để gặp Trung úy Thợ anh bảo Trung úy đang ở Huế, rồi chào đi ... Năm 1974, khi bà con QT hồi cư tại Hải Lăng, nhân chuyến về thăm, tôi ghé bệnh viện và gặp Lê Mậu Thiên lúc này là bác sĩ, hứa là sẽ giúp để bà xã sớm thuyên chuyển vào Đà Nẵng .
           Tết Mậu Thân Hùng về phép và bị kẹt lại, anh được quân trấn Quảng Trị chỉ định làm trưởng toán bảo vệ trong thị xã (gồm những quân nhân xa đơn vị), anh dẫn tôi vào quán Lưu Khách, ăn uống xong không cho tôi chi, anh đến bàn bên cạnh bảo trả tiền dùm ...
          Tôi gặp lại Nguyễn Ngọc Hùng một lần nữa vào đầu năm 69 tại Saigon, lúc này tôi mới nhập ngũ còn anh đã là Trung úy Biệt Động Quân, bị thương đang ở đơn vị 3 Quản Tri, có dự định nạp đơn vào Quốc Gia Hành Chánh, tính tình vẫn thế, anh dẫn tôi đến giới thiệu với người bạn gái trong chợ Phú Nhuận - nói là sẽ cưới làm vợ - rằng tôi là người em con bà dì ruột ... Tôi mất liên lạc với Hùng từ đó !
            Cho đến giờ này tôi không hiểu sao chúng tôi lại thân nhau khi tính nết hai đứa một trời một vực, chắc anh cũng nghĩ thế . Trước khi nhập ngũ, anh có tặng tôi một tập Thơ, trình bày rất đẹp đẽ là Tao Mày, có mấy câu thơ tôi còn nhớ :
Tao nhớ ngày xưa tao mê gái
Mải miết rong chơi với bạn bè
Còn mày câm nín trong sách vở
Thế mà hai đứa mến nhau ghê ...
            Mang tiếng là bạn học thân tình, nhưng quan hệ giữa chúng tôi chỉ có chơi là chủ yếu . Một người bạn khác - Lê Ngọc Giao - Ban C Anh văn, lại rất tâm đắc với nhau trong học tập, nhất là văn học nghệ thuật . Anh trọ trên căn gác nhỏ phía bên trái chùa trên đường Lê Văn Duyệt do anh Đỗ Bá Chi tài trợ, anh thường chỉ giúp tôi thêm Anh văn, thảo luận về những đề luận trong lớp . Chúng tôi thường rủ nhau đi qua mấy hiệu sách Văn Hóa, Sáng Tạo, Tùng Sơn và cuối cùng dừng lại để mua ở quán Lương Giang; chỉ mua sách hoặc đọc báo cọp chứ không phải như anh chàng nọ sau này gặp ở Saigon nhân kể chuyện cũ đã tự thú rằng mình đến quán Lương Giang cũng giả đò lật lật sách báo nhưng thực sự để lâu lâu được nhìn đôi bàn chân nõn nà và một khoảng trắng trên mắt cá của cô Tâm con gái ông chủ thường có cái tật dùng hai tay kéo xách ống quần lên !
            Có một cuốn sách lúc đó là thời thượng, hai đứa phải để dành cả tháng với sự phụ trợ của Hùng mới mua được: " Ý thức mới trong văn nghệ và triết học " của Phạm Công Thiện, nhiều bài viết vượt quá sự hiểu biết của chúng tôi, nhưng những quan điểm và giới thiệu của Ông về thơ rất thú vị, đặc biệt hai đứa cùng mê tạp chí Văn: đây là nơi tập trung hầu hết các nhà văn của Miền Nam, đồng thời giới thiệu những trào lưu văn nghệ và những nhà văn nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi đọc rất kỹ và vui thích khi phát hiện một điều mới lạ nào đó, sau này anh vẫn còn nhắc vè chuyện tôi đã chỉ cho anh xem cách dùng chữ sáng tạo của Mai Thảo như "phiến trời" hoặc "mỡ đông" (để chỉ màu trắng của làn da phụ nữ) . Có lần hai đứa ngẩn tò te vì sau khi đọc truyện " Người đàn bà ngoại tình " của Albert Camus mà chẳng thấy bà vợ ngoại tình ở chỗ nào, mãi sau này khi đọc thêm những bài phân tích của nhà văn Trần Thiện Đạo mới vỡ lẽ . Trong một bức thư viết năm 1999 anh nhắc: "Tôi còn nhớ như in hôm nào anh và tôi ngồi ở bàn cuối lớp, anh mở tờ Nghệ thuật chỉ vào bài Tống Biệt Hành và nói rất gọn " bài này hay" hoặc một lần anh cũng bình phẩm về một truyện ngắn mà hồi anh còn ở VN tôi đã nhắc lại . Tuổi trẻ chúng ta qua đi như thế, cho đến giờ đây bài thơ vừa mang hương vị cổ phong vừa man mác mùi Đường Thi của Thâm Tâm vãn khiến ta quá đỗi ngậm ngùi:
"Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong"
Tôi có tạp chí Văn ngay từ số 1 và để vào ngăn tủ ngăn nắp tại nhà ông bác tôi
            Đầu năm 2001, trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê trên đài RFI, nhà văn Trần Thiện Đạo có nhắc đến một chi tiết làm ông phấn chấn là trong đợt về Hà Nội mới đây theo lời mời của những người mến mộ văn học, nhân buổi tiệc trà, một nhà phê bình tên tuổi đương đại đã ghé tai ông nói thầm: Tôi biết anh gần 30 năm nay, không đợi để nhà văn đương trố mắt ngạc nhiên định hỏi, ông tiếp: Vào năm 1972, theo bộ đội đóng quân vùng Quảng Trị vớ được một số sách báo xuất bản ở Saigon, tôi đọc ngấu nghiến nhiều bài văn và mấy bản dịch của anh đăng trên tờ Văn" đọc đoạn này, tôi cứ ngờ ngợ không chừng ông này đã đụng đến tủ sách của tôi, bởi thời điểm đó quê tôi còn lành lặn, là hậu cứ của quân đội Bắc Việt tiếp ứng cho chiến trường Cổ Thành
          Lê Ngọc Giao khác tôi một điểm là nói nhiều, theo một số người thì Giao " Lộng ngôn" hay "chế", có lần nói chuyện với Thái Tăng An ở Hà Lan, tôi nhắc đến anh, An hỏi có phải Giao phịa chuyện không ? Từ ngày rời trường chúng tôi không gặp nhau, chỉ biết là anh " đứng" bên lề cuộc chiến với một đời sống rất thoải mái
            Trong một lúc bất ngờ nhất vào những ngày lam lũ ở quê nhà khoảng năm 1990, tôi nhận được thư anh: anh có một lối viết rất sảng khoái, tâm sự như không bao giờ dứt, sau đó anh thường cung cấp sách báo, băng nhạc, tổng lược những thông tin văn học nghệ thuật trong và ngoài nước, cố gắng bằng mọi cách để tìm tin tức Nguyễn Ngọc Hùng nhưng không được .. Anh làm trợ lý Giám đốc cho một công ty xây dựng nước ngoài, đứa con gái đầu học ở Pháp, hai đứa sau học Đại học Saigon ... Cuộc sống cứ nghĩ sẽ bình thản êm trôi, ai ngờ đến năm 95, khi tôi vào SG cũng là lúc anh nhuốm bệnh . Một căn bệnh hiểm nghèo: ung thư thanh quản . Đêm chia tay ở Lê Lai, chúng tôi chẳng nói với nhau nhiều, trong cái xiết tay cuối cùng nhìn vào mắt anh, một thoáng buồn âu lo và ngấn lệ !
            Tôi vẫn thường xuyên liên lạc, động viên an ủi để anh có thêm chút nghị lực, nhưng bệnh tình càng trầm trọng, những trang thư bắt đầu nhuốm niềm bi lụy: Tôi không được như Mai Thảo:
"Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng"
Mà đau đớn triền miên đã hủy hoại hết thân thể và tâm trí tôi .."
            Linh cảm những điều không may sẽ xảy ra, tôi viết thư cho anh với yêu cầu trong lúc khỏe anh nên viết ra những gì về ngày tháng cũ . Anh đã trả lời: Thư viết đi chữ nghĩa chảy ra từ tấm lòng, những ẩn ức phiền muộn hoặc niềm lạc quan về một điều gì đây với tôi trong tôi đã tắt ngấm bấy lâu rồi . Vâng, giờ đây với tôi điều mong mỏi thì tôi đã bày tỏ và được anh đón nhận . Một mình lang thang trong phòng đã mấy năm nay, tôi cố sống an nhiên tự tại, mong ước về kỷ niệm xưa dẫu vui ít buồn nhiều, nhưng ít ra đó vẫn là cái phải có và phải làm trong lúc này . Tôi sẽ cố gắng theo gợi ý của anh mà viết lại những năm tháng tuổi thơ mà bối cảnh là Trường Nguyễn Hoàng, ở đấy tôi đã gặp nhiều con người có nhiều cá tính . Chắc chắn tôi sẽ nhắc đến anh ở những ngày đầm ấm đó, bản tính trầm tĩnh, ít nói, nhưng lại rất chân tình và chia sẻ của anh đã cho tôi sự cảm mến tuy âm thầm mà lại dai dẳng, nó kéo theo cho đến lúc này và mãi mãi về sau ".
            Tháng 6/2000 về lại VN, nghỉ ngơi mấy tiếng, tôi đến thăm anh ngay, không ngờ anh thay đổi nhiều đến thế, tiếng nói không còn rõ nữa, hai đứa vừa ôm nhau vừa khóc . Chúng tôi giữ sự im lặng thật lâu ... Tôi mang về nhiều sách báo trong đó có cuốn Nghìn Thương Đất Mẹ của Vũ Hối: một nhà thơ, một nhà thư họa mà trước đây anh rất cảm mến . Sau này tình cờ được tiếp chuyện với nhà thơ Vũ Hối trên điện thoại (tại nhà anh Phan Khâm) để cám ơn anh đã phóng bút bài thơ của anh Khâm trên một bức tranh làm quà đám cưới con gái tôi, tôi kể chuyện này nhà thư họa ngạc nhiên bảo có lẽ đây là cuốn độc nhất lọt về VN . Anh vẫn ở chỗ cũ, một căn hộ tầng trệt của khu H, cư xá Thanh Đa . Tôi trở lại một lần nữa khi ở quê vào để chuẩn bị qua Mỹ, lần này bình tĩnh hơn, chúng tôi nhắc nhiều chuyện, có những chi tiết dễ thương từ thời xa xăm, anh nói là đã viết được một ít về ký ức Nguyễn Hoàng, chừng nào xong sẽ gởi qua . Tôi kể với anh chuyến đi Atlanta có ghé thăm Hồ Dân Thính lúc anh ấy bị stroke
            Trở lại Mỹ 2 tuần tôi nhận được thư anh, tinh thần có phần sáng sủa hơn một chút: " Nếu có dịp trở lại Atlanta thăm Thính, anh cho tôi gởi lời thăm anh ấy, đồng bệnh tương thân mà ! Tôi hiểu sâu sắc nỗi đau nhiều mặt của người bệnh . Phần tôi, sau bao năm, hầu như đã ngộ ra cái triết lý To Be or Not To Be đã rèn cho tôi cái ý chí và tôi cũng suy gẫm về một câu nói rất chí lý của một nhà văn Anh: Ta nhìn vào cuộc đời như ta nhìn vào tấm gương . Ta cười với nó thì nó cười với ta, ta nhăn với nó thì nó cũng nhăn với ta tức khắc và tâm nguyên là lẽ đời của mình ". Không ngờ đó là bức thư cuối cùng . Một tháng sau Thái Thạch viết thư báo tin anh đã ra đi vào ngày  2 tháng 9 năm 2000 . Dù biết trước sau sự việc ấy cũng sẽ xảy đến, nhưng tôi cảm thấy hụt hẫng choáng váng, tôi xem lại một đoạn phim ghi hình ảnh hai đứa vào ngày 12 - 7 - 2000
            Định mệnh quái ác đã làm anh thất hứa với tôi, những trang ký ức viết dở chẳng bao giờ nhận được . Tôi viết thư chia buồn với gia đình và có nhắc đến điều này, nhưng không có hồi âm ! Dù sao thì tôi cũng có một chút mãn nguyện là được gặp lại, chia sẻ với anh một đôi điều trong những ngày cuối đời . Đi bên anh  đến nơi an nghỉ có Thái Thạch đại diện cho nhóm bạn thân tình ở xa và đông đảo anh em cựu học sinh Nguyễn Hoàng ở Saigon .. Lần này chắc chắn anh đã được như Mai Thảo:
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
            Một người không học cùng lớp, không quen lắm lúc ở Nguyễn Hoàng, nhưng sau này qua cái duyên văn nghệ đã có sự liên lạc rất chân tình . Dân Quảng Trị có rất nhiều người thành danh trong văn học nghệ thuật . Nhưng cựu nữ sinh Nguyễn Hoàng có thơ xuất bản, theo chỗ tôi biết chỉ có một.
          Những ngày bức bách tăm tối sau khi ở tù ra tôi có cái may là liên lạc được với Lê Ngọc Giao và chị để tâm trí mình mở ra thế giới bên ngoài . Chị sống nhiều với nội tâm với hoài niệm về ngày tháng cũ, tôi hiểu vá chia sẻ với chị những điều ấy, đôi lúc làm chị ngạc nhiên.
          Tập thơ Giăng Sợi Tơ Tình của Nguyễn thị Kim Cúc được nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc phát hành năm 1998 tại VN do nhà văn Võ Hồng viết đề tựa, ông nhận xét: "Thơ không uốn mình theo thể, không theo niêm luật vần điệu, cứ ngắt câu ra từng đoạn, từng khổ nhỏ uốn theo tình huống gây sự ngạc nhiên, rồi êm em trôi theo dòng thơ êm ái quen thuộc của tình buồn . Phong thái độc lập, tự lập .. tập thơ có 23 bài mang chung một chủ đề tình yêu và chỉ nói về tình yêu nơi người đàn bà: đó là những phụ nữ có thật, những nhân vật lịch sử, những nhân vật trong văn chương, những nhân vật huyền thoại" . Nhà văn đọc rất kỹ, thấy hết những điều tác giả nói, nhưng không cảm nhận được cái tâm sự lắng đọng đâu đó trong tâm thức:
Nay chỉ còn một cái cốc cuối này thôi
Hãy để mình em uống cho tình đẹp
Tuy thế nhà thơ vẫn hoài vọng vớt một mong manh hạnh phúc:
Như lá trầu xanh
Hòa cau vôi đỏ thắm
Đã hóa thân còn quấn quít không rời
Đã hóa thân
Vẫn còn làm sứ giả
Giăng sợi tơ tình
Thắm thiết mãi không thôi
            Tôi gởi tập thơ đến các Ban Biên Tập Đặc San Quảng Trị Washington DC, Atlanta và đã được chọn đăng trong dịp Xuân Tân Tỵ, nhận được tin này chị rất đỗi vui mừng:"Chị rất cám ơn về những hoạt động và nhận xét của T với sợi tơ giăng, phải nói chỉ có T mới làm được những việc ấy cho chị . Lời cám ơn chắc không đủ nói hết lòng mình, ngoài cuộc sống lắm khi tìm được ở bạn bè những điều mà khó có người thân nào giúp được, bên này chị không chủ trương phổ biến rộng rãi ... Tơ cứ giăng, sương cứ rơi, ngày tháng vẫn qua, vui buồn ta cứ một mình ta ..."
          Ở trong Nam, lâu lâu chị lại ra thăm quê: " Chị về Quảng Trị gặp mấy ngày mưa không kịp vuốt mặt thành ra chỉ kịp vòng một vòng qua trường Nguyễn Hoàng cũ, đường Duy Tân, Lê văn Duyệt, ra bờ sông vào một chặp hửng nắng cuối ngày . Hôm sau lại tất tả vào lại . Quê nhà - nhớ lắm, thương lắm, muốn về nhưng chỉ kịp ngoái lại rồi đi, cuộc sống chắc luôn là như thế
Nơi này một thuở xưa kia
Cùng người nắng sớt, mưa chia bao mùa ..
            Tôi rời trường cuối năm 66, thỉnh thoảng trong những dịp về phép, đi ngang ghé lại nhìn trường cũ, những đoàn học sinh vui chơi với bao điều xao xuyến
          Sáng 1 tháng 5 năm 1972, trên chiếc M13 rời cổ thành Đinh Công Tráng rẽ phải vào Lê văn Duyệt, Duy Tân, rẽ trái về Trí Bưu, Quy Thiện ... Trong lúc đổi thế ngồi, trường Nguyễn Hoàng hiện ra trước mặt rất rõ . Không ngờ đó là hình ảnh cuối cùng ...
            Cuộc đời như giòng sông tùy theo địa thế chung quanh mà nắn giòng để cuối cùng ra biển, rác rưới sẽ được bỏ lại, có mang theo chăng chỉ là những hạt cát óng ánh bám sát tâm mình . Tôi đã đọc đâu đó một câu thật hay:" Bạn cũ là thứ đồ cổ quý giá nhất " . Các bạn có thể đang lưu lạc đâu đó hoặc biến mất khỏi cuộc đời này, nhưng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm nào . Tuy trong " giờ ra chơi lịch sử này" không có các anh tham dự, tôi vẫn thấy thật gần - sự có mặt của các anh - và thấm thía với mấy giòng thơ của một Thiền sư:
Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng băn khoăn
Bước chân "anh" hãy về thanh thản
Không tròn, không khuyết một vầng trăng