September 26, 2020

XÓM HOÀN THÀNH - LÀNG CAM LỘ (Lê văn Trạch)


Làng Cam Lộ được thành lập vào khoảng thượng bán thế kỷ 16, trước khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm vùng Thuận Hóa, đặt dinh trấn tại Ái Tử (1558), trong sách Ô Châu Cận Lục của học giả Dương văn An phát hành năm 1553 đã thấy xuất hiện tên Cam Lộ, là một trong 27 làng thuộc Tổng An Lạc. Thoạt đầu để dễ quản lý và tương trợ nhau. Làng được chia ra thành 5 xóm từ trên xuống gồm Tây Hòa, Thượng Viên, Trung Viên, Hậu Viên và Đông Định. Đến giữa thế kỷ 19, bằng tầm nhìn chiến lược để giãn dân và phát triển kinh tế về phía Bắc, ông Trưởng Sáu tức ông Thái văn Chương (Trưởng Họ Thái Thúc) đã mạo hiểm đến giữa bãi bồi của sông Hiếu và sông Lâu trồng tre và cây cổ thụ để giữ đất (trước đây còn tàng trữ một văn khế ghi việc mua đất làng Thượng Độ để đào con sông Lâu, mục đích thay đổi dòng chảy, phân thủy trong mùa lũ để các xóm Thượng Viên, Hậu Viên khỏi bị sạt lở, cũng có giai thoại cho rằng chư vị tiền bối muốn mượn con sông  đào này để đẩy trôi chùa An Thái, đang nhắm hướng vào bên hông có thể gây ra những điều gỡ cho làng; tuy nhiên, công trình này tiến hành theo cảm tính chứ không dựa trên một thiết kế kỹ thuật nào, nên một thời gian sau, sông bị lấp). Chẳng bao lâu phù sa bồi đắp, khu vực được lan rộng ra, ông vận động dân làng qua lập nghiệp, vùng này trở nên trù phú và hình thành xóm, đặt tên là xóm Bắc Bình.

Vào thời bấy giờ, Cam Lộ như là vùng biên cương của Tổ Quốc, hệ thống giao thông về phía Tây bắt đầu hình thành, bọn cướp ở Lào, nhiều bộ lạc cận kề thường qua quấy phá, năm 1622, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho rằng: "Vùng sông Hiếu, xã Cam Lộ, thuộc huyện Đăng Xương, giáp giới với đất Ai Lao, các bộ Lạc Man, Lạc Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp đều có đường thông đến đấy, bèn sai đặt Dinh, mộ dân chia làm 6 thuyền quân (?), gọi là Dinh Ai Lao. Đến năm 1672, đổi tên thành Trấn Sơn Phòng Cam Lộ để bảo vệ vùng biên giới”.

Năm 1803, sau khi đánh bại Tây Sơn lên ngôi Hoàng Đế, vua Gia Long lấy các huyện Hải Lăng, Đăng Xương, Minh Linh để lập ra Dinh Quảng Trị, phía Tây đặt Đạo Cam Lộ; năm 1831 vua Minh Mạng đổi Đạo thành Phủ, trước đó năm 1829 vua ban chiếu xây dựng thành Vĩnh Ninh ở đầu làng Cam Lộ để đặt Sơn Phòng Phủ như một cứ điểm quân sự vững chắc và điều các quan thao lược ra trấn giữ. Chính tại đây tháng 2, 1834 các tướng Lê văn Thụy, Phạm Phi, Nguyễn Hữu Đức đã đánh bại quân xâm lược Xiêm La và giết được tướng giặc. Thành được xây theo hình tứ giác bằng đất, mỗi cạnh trên 100 mét, chung quanh có hào sâu. Theo năm tháng những hào này cạn dần và trong một thời gian nào đó đã được đổ đất lấp đầy và dân chúng bắt đầu đến xây dựng nhà ở, không biết chính xác thời gian nhưng dựa theo lời kể của người đương thời thì có thể vào thập niên 20, 30 của thế kỷ trước, ban đầu chỉ một số ít gia đình, đặt tên là Xóm Mới.

Sau hiệp định Geneve, chính quyền quốc gia hình thành, cư dân đến đông hơn, được tổ chức quy củ, đặt tên là Xóm Hoàn Thành, do bác Trưởng Tán làm Trưởng xóm. Lúc này bà con ở đây dựa vào sự gần gũi thân tình với ông Quận trưởng Lê Đình Pháp, đề nghị thành lập một làng riêng, lấy tên là làng Hoàn Thành. Các thân hào nhân sĩ làng Cam Lộ không đồng thuận. Sau nhiều lần thảo luận không kết quả, trong cuộc họp cuối cùng giữa ông Quận trưởng và chính quyền thôn gồm ông Lê Thản, Thôn trưởng, ông Trần Minh thư ký cùng một số bô lão, ông Trần Minh đại diện phát biểu rằng: "Chúng tôi chấp hành theo lệnh hành chánh của Quận, nhưng nếu sau này có người qua đời thì chôn ở đây hoặc đâu đó, chứ không được chôn trên đất làng Cam Lộ!”.

Trước ý kiến khẳng khái và hợp lý, đề nghị trên không được thực hiện, từ đó bà con sống chan hòa với dân làng, hàng năm vào dịp tế lễ Xuân Thu Nhị Kỳ đều có phẩm vật dâng cúng ở Đình làng. Như vậy cho đến lúc này, ngoài 5 xóm Làng Cam Lộ có thêm hai xóm nữa là Bắc Bình và Hoàn Thành.

Địa thế xóm dài khoảng 300 mét, chiều ngang chưa đến 100 mét, nhà cửa tập trung hai bên đường từ quán Bà Thanh (ngã tư đường 71 từ chợ Phiên lên và đường từ quốc lộ 9 vào), lên đến nhà ông Thái Tăng Ly (khúc cua lên làng An Hưng), cụ thể như sau: Quán Bà Thanh bán hàng ăn và nấu cơm tháng, có chị Hường và hai anh con nuôi, kế bên là nhà anh Chuyết, có cho chị Kết thuê đặt tiệm may. Qua đường là nhà ông Nghẹc sửa xe đạp có chị Lưu, anh Minh, kế bên trái là nhà ông Thái Thúc Viện, có tiệm thuốc Tây An Sinh, bên phải là nhà anh Hiệp, chị Rô --- Bà Quế có anh Tự, anh Thái --- ông Lượng --- ông Miễn bán tạp hóa, có anh Minh, chị Hương, sau này chuyển ra Nam Thuận, nhường lại cho chị Hồng con bác Đinh, em Mụ Tép --- Bác  Thợ Huỳnh sửa xe đạp, bác gái bán hàng ăn có chị Thu, chị Thôi, chị Ý, anh Diên, chị Lan, chị Mai, anh Dũng và chị Cúc, sau này bác dời ra Nam Thuận, nhường lại cho anh Sinh cũng sửa xe đạp  --- Ông Văn làm tùy phái trong Quận, có các anh Ngọc, Ngà  --- ông Uyển ở Ba Thung qua, có chị Bích --- bác Phó Lộng cũng ở Ba Thung qua, có anh Bình, anh Khôi và chị Lan  ---  ông Cánh --- ông Hoàng Thư có các anh Phố, Diệu, Sơn, Lâm và các chị Mỹ Công, Dung, Ngôn, Hạnh, Lý, Lan. (Trước năm 1954, đây là nhà bác Thợ Hinh có quán thuốc Bắc Đông Khê, sau dời qua xóm Bắc Bình) --- bác Trưởng Tán làm lò mổ, có chị Mùi, chị Xiêm, anh Vồ --- Chiếm khu vực rộng nằm ngay góc là trường Tiểu học Cam Lộ. Qua khỏi ngã tư là nhà ông Thái Tăng Tuệ, gồm có chị Duyên, anh Thịnh, chị Phi, anh Phụng, anh Phúc, các chị Thúy, Lai, Nhung  --- Mụ Ngại có bà Chung vợ ông Lê Hữu Trình, bà Mai vợ một ông Bộ trưởng ngoài Bắc, anh Hàm, anh Thưởng  ---  Mụ Phán, mẹ chị Hải, chị Hà; đến đây là điểm cuối xóm, qua bên kia đường là nhà của ông Thái Tăng Ly, có anh Phương, chị Nga, chị Mỹ, anh Ân, anh Ấn và chị Lan, đi lui lại là nhà Mụ Thợ Đỉnh có anh Hóa, chị An, chị Hội – Mụ Sắt, bán kẹo có anh Mạnh --- ông Quang (bác Bành Chánh Phương), có anh Long, anh Lân, anh Hòa, và chị Hiệp, chị Cam, chị Quýt, chị Chanh --- ông Doàng (bác Hàn Thuận Nguyên), có chị Cúc, chị Lan, chị Mai, anh Minh Quang, chị Hoa, chị Liễu. Các anh Việt Quang, Vinh Quang, Ngọc Quang và Triệu Quang --- Ông Lê văn Tý, chồng cô Tuyết, có chị Thu Trang và anh Toàn --- ông Thái Hanh có các anh Thiện Chánh và Mạnh Hoài, các chị Kim Quy, chị Lương và các anh Khương, Tín --- Mụ Đen có anh Nương. Đối diện với trường Tiểu học là nhà bà Hàn thị Chút có chị Anh, chị Thanh --- ông Phạm Đình Cầu, lúc đầu mở quán hớt tóc và ông Hưng, chị Sen đặt tiệm may, sau này cho ông Sơn sui gia ở và chị Lượng đặt quán may --- chị Thái thị Yến, sau đó là chị Thái thị Vân --- ông Thái Tăng Từ có chị Tâm, chị Hồng, chị Hằng, anh Quang, anh Thành --- Ông Mãn (trước đây là nhà ông Hoàng Đức Thạc) ---  ông Trần Phong Yên, cho quý Cô dạy Trung học ở trọ --- ông Khâm --- Mụ Tép -- trạm Thông tin phía phải cửa vào Quận, bên kia là trụ sở Phong trào Cách Mạng Quốc gia, trụ sở Chi Thanh Niên --- ông Bé tài xế cho Quận --- ông Cần làm ở Chi Khu --- nhà Hộ sinh của bà Thư --- kế đó lên hướng Tây nhà ông Nậu công chức Quận, có các anh Quang, Minh và các chị Cúc, Hoa, bên kia ngã tư nhà ông Kiểu thợ mộc, có tiệm hớt tóc anh Hai, kế đó là nhà ông Đối chụp hình.

Cư dân xóm Hoàn Thành bao quanh hai phía thành Vĩnh Ninh, giữa văn phòng Phong trào Cách mạng Quốc gia và Trạm Thông tin là cổng vào thành, qua các thời kỳ nơi đây là quận lỵ Cam Lộ đặt các cơ quan hành chánh của quận. Chỉ là một thành nhỏ, nguyên gốc như một cứ điểm biên phòng, nhưng thành Vĩnh Ninh vinh dự được các vì vua ghé đến:

+ Rạng sáng 5/7/1885 Quan Phụ chính Đại thần Tôn thất Thuyết và Nguyễn văn Tường khởi binh tấn công tòa Khâm sứ Pháp ở mạn Nam sông Hương và đồn Mang Cá thất bại, triều đình đưa vua Hàm Nghi rời hoàng thành, chiều 6/7/1885 đến Quảng Trị.

Ngày 8/7/1885 các quan Đại thần họp quyết định các Thái giám, cung tần mỹ nữ cùng một số binh lính ốm yếu trở lại Huế.

Ngày 9/7/1885 vua lên đường đi Tân Sở và đêm đó ngủ lại thành Vĩnh Ninh. Nhận thấy thành Tân Sở không thuận lợi cho kháng chiến lâu dài, nên ngày 19/7/1885 Tôn thất Thuyết quyết định đưa vua ra Quảng Bình và nghỉ lại tại thành Vĩnh Ninh trước khi tiếp tục.

+ Tháng 11/1932, vua Bảo Đại trên đường kinh lý đã ghé thăm vị trí này.

+ Năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm lên Cùa thăm đồn điền của ông Tỉnh trưởng Nguyễn văn Đông cũng đi ngang thành Vĩnh Ninh.

+ Năm 1973, nơi đây được chọn là Thủ đô của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (bây giờ là Khu Di tích của chính phủ đó)

Vị Tri Huyện cuối cùng là ông Lê trọng Đàn (thân phụ thầy Lê Trọng Ấn, giáo sư trường Nguyễn Hoàng). Sau khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945 rồi người Pháp trở lại, họ đảm trách luôn mọi công việc hành chánh, ông Tri Huyện rời nhiệm sở, mãi đến năm 1954, chính quyền quốc gia mới thành lập và kiện toàn tổ chức các cấp, Quận trưởng đầu tiên là ông Lê Đình Pháp (đầu thập niên 1970 làm Chỉ huy trưởng cảnh sát huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên); kế đó là ông Ngô Đình Hoàng, ông Lê Đình Giáo và ông Nguyễn Tri Kiệt. Thời điểm này (1960), chiến tranh bắt đầu lan rộng, trường Đại học Quốc gia Hành Chánh đã có các khóa đầu tiên ra trường nên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa quyết định Tiểu khu trưởng và Chi khu trưởng kiêm luôn Tỉnh trưởng và Quận trưởng, các Đốc sự sẽ đảm nhận chức vụ Phó để điều hành công việc hành chánh. Chi khu Cam Lộ đặt phía Bắc quốc lộ 9, cạnh trường Trung học. Các vị Quận trưởng quân sự lần lượt gồm có: Đại úy Phạm Kỳ Nam, Đại úy Phạm Hữu Mân, Thiếu tá Nguyễn Đức Nhiễm, Đại úy Phan Đình Cáo, Thiếu tá Vũ Ngọc Tùng và Đại úy Nguyễn văn Rao (1972).

Tuyệt đại đa số bà con ở đây đều từ nhiều nơi đến như Thừa Thiên, Cùa hoặc các làng lân cận, làm nhiều công việc khác nhau: Công chức, buôn bán tạp hóa, tiệm thuốc Tây, thuốc Bắc, lò mổ, sửa xe đạp, quán ăn, quán may, hớt tóc, chụp hình, làm bánh kẹo...

Thừa hưởng chung yếu tố phong thổ địa lý của làng: Phía sau là chỗ dựa lưng hiền hòa mát dịu sông Hiếu, cùng tầm nhìn ngút ngàn trước mặt với quốc lộ 9. Xa xa nhấp nhô trùng điệp những mõm núi của Trường Sơn, tạo nên một cảnh sơn thủy hữu tình.

Xóm Hoàn Thành tọa lạc đầu làng được hưởng trọn vẹn những yếu tố đó và mặc dầu là một bộ phận của làng quê, nhưng bà con không "chân lấm tay bùn", con cái họ chỉ làm công việc nhẹ nhàng, cho nên các cô gái ở đây có dáng nét thong dong và rất đẹp, nức tiếng trong vùng cho đến ngày nay, không những đẹp người mà còn đẹp nết, công dung ngôn hạnh vẹn toàn. Đây là nơi đặt quận lỵ, có nhiều công chức, quân nhân, giáo chức đến làm việc và rồi mến cảnh, say tình, bén duyên ở lại, hầu hết các cô gái ở đây đều kết tóc se tơ với những khách phương xa ấy, theo từng giai đoạn và tùy theo sự phát triển của xã hội đã ảnh hưởng đến việc kết duyên này: Thế hệ đầu là công chức, như chị Cúc (con bác Doàng), với anh Lê Đình Châu (em ruột ông Quận trưởng Lê Đình Pháp), chị Cam (con bác Quang) với anh Nam, chị Lưu với anh Bách. Thế hệ kế tiếp là giáo viên: Chị Hải với thầy Niệm, chị Quýt con bác Quang với thầy Phú, chị Lượng với thầy Sum và chị Mùi với thầy Khanh. Thế hệ sau cùng (đến 1972) là quân nhân đông nhất tuyệt đại đa số là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa: chị Duyên (bác Tuệ) với anh Công, chị Vân (bác Trợ Liên) với anh Dục, chị Lương (cháu chị Lượng) với anh Thức, chị Tâm (bác Từ) với anh Quy, chị Hồng với anh Thức, chị Mỹ Công với anh Quang, chị Lan (bác Phó Lộng) (?), chị Bích (Ba Thung) với anh Tôn Thất Quỳnh Ngọ, chị Mai (bác Thợ Huỳnh) với anh Sáu, chị Lan với anh Tuyền, chị Chiêm với thầy Cổn (nhưng sau này cũng là sĩ quan). Chỉ có hai người lấy chồng tại địa phương là chị Hàn Thị Hoa với anh Lâm và chị Anh (bà Chút) với anh Thạc. Riêng chị Hằng Nga với tâm nguyện xiển dương Giáo pháp Phật Đà đã phát tâm xuất gia nay là Sư cô Liên  Cầu đang trú xứ tại một ngôi chùa ở Long Khánh và chị Thái Thanh Mỹ chắc là có duyên với thế hệ trẻ, nên sau một thời gian làm cô giáo, bây giờ đang là thiện nguyện viên chăm sóc các cháu thiếu may mắn tại "Trung tâm Phục hồi Chức năng và Nuôi dạy trẻ khuyết tật Cam Lộ ".

Trên đây chỉ nêu những trường hợp trước năm 1972. Sau này khi di tản vào Đà Nẵng rồi định cư tại các tỉnh phía Nam, các cô gái ra đi từ xóm Hoàn Thành vẫn giữ bản sắc và truyền thống tốt đẹp đó kiến tạo nên những gia đình thành đạt, hạnh phúc.

Lần đầu tiên tôi lên xóm Hoàn Thành là vào tháng 9 năm 1954, lúc đó chúng tôi đang học với thầy Thái Tăng Liệt tại nhà ông Lê Bạn, cạnh đường 71 xóm Thượng Viên, bất ngờ thấy ngoài đường có một thanh niên vào nói với thầy Liệt: "Giờ này mà còn học hành gì nữa, đi lẹ lên, đi tranh đấu", thế là thầy trò chúng tôi xếp bút vở cùng đi...

Đến trước nhà bác Thái Tăng Liên (thân phụ thầy Thái Mộng Hùng) đã thấy đông người và một số còn tiếp tục kéo tới... Đến xế trưa thì thấy có nhiều người mặc đồ đen tay cầm dùi xông vào đánh đập... một vài người chết, một số bị thương và cuộc biểu tình giải tán. Lúc đó tôi mới 8 tuổi, chẳng hiểu gì cả, sau này qua lời kể của người lớn mới rõ ngọn nguồn sự việc: Trong thời Pháp thuộc, một khu chợ sầm uất gọi là chợ Cam Thủy nhóm tại đình làng Tam Hiệp cách Cầu Đuồi khoảng gần một cây số về phía Đông, chợ này trước đây do Việt Minh kiểm soát, sau hiệp định Geneve, chính quyền quốc gia muốn dẹp bỏ để tập trung đông ở Chợ Phiên, dân trong vùng phản đối, thế là ông Quận trưởng cho lính Bảo An Đoàn về dẹp, bắt một người và làm bị thương một số người khác. Các cán bộ Việt Minh còn ở lại đã tập trung dân chúng tại Miếu Cồn Nậy làng An Mỹ cùng kéo lên quận phản đối. Chính quyền quận lúc đó do ông Lê Đình Pháp đứng đầu và mướn nhà ông Thái Tăng Liên làm trụ sở. Mục đích của nhóm biểu tình là phản đối chính quyền đàn áp, khôi phục chợ Cam Thủy, thả người bị bắt và bồi thường cho những người bị thương... Có một quân nhân người Pháp đến, nói với người biểu tình hãy bình tâm, lát nữa sẽ có nhân viên của Hội nghị Trung Giải lên giải quyết ổn thỏa mọi yêu cầu (có ông Trần Từ người làng Cam Lộ làm thông dịch).

Khoảng thời gian ngắn sau, nhân viên đâu không thấy mà từ ba hướng: Quốc lộ 9 vào, An Hưng xuống và Tây Hòa lên, những người lính Nghĩa Dũng Đoàn mặc đồ đen trang bị dùi cui và dây xích xông vào tấn công những người đang tập trung giữa sân rất dã man, dân chúng chạy tán loạn, có hai người chết, ba người bị bắt và rất nhiều người bị thương! Bọn trẻ chúng tôi chạy trối chết, sân vườn nhà bác Trợ Liên tan hoang như bãi chiến trường!

Một địa điểm đặc biệt quan trọng ghi dấu kỷ niệm của nhiều thế hệ là trường Tiểu học Cam Lộ, tại ngã tư đường từ ngoài thành vào và từ Xóm Tây Hòa lên. Trước năm 1946 trường Tiểu học Cam Lộ tọa lạc tại ngã ba quốc lộ 9 và đường vào thành Vĩnh Ninh, do ông Hoàng Xuân Lãm làm Hiệu trưởng, trường của huyện nên tập trung nhiều học sinh từ các xã, nhất là vùng chung quanh huyện lỵ, đây là cái nôi giáo dục, đầu cầu phát triển trí năng để tiến bước vào đời của con em Cam Lộ. Tuy nhiên, khi quân Nhật thua trận và người Pháp trở lại, phong trào Việt Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chiến tranh bùng nổ, niên khóa 1946-1947 là niên khóa cuối cùng, học sinh lớp Nhất của niên khóa này gồm các ông Thái Tăng Huy, Thái Tăng Bình, Thái văn Hải, Trần Đình Lan, Trần văn Ngự, Phạm Đình Trung, Nguyễn Công Bá, Thái Tăng Thám, Phạm văn Thìn, Thái Tăng Minh, Trần Phương, Lê Đình Thúc, Thái Tăng Liệt, Thái Tăng Quảng, Thái Minh Kỳ. Sau đó trường bị quân đội Pháp trưng dụng làm căn cứ quân sự. Việc học vẫn tiếp tục, nhưng phải mượn nhà dân tại các xóm Tây Hòa và Thượng Viên. Tình trạng này kéo dài đến năm 1954. Khi hòa bình lập lại, việc giáo dục được quan tâm hàng đầu và sắp xếp quy củ. Trong lúc đợi trường học hoàn thành, học sinh phải học tại nhà dân (Mụ Kiềng và ông Trưởng Quýnh xóm Tây Hòa). Đa số học sinh trước đó học rải rác nhiều nơi kể cả ở vùng kháng chiến trình độ khác nhau, cho nên trường đã mở một khóa sát hạch, để xét khả năng học sinh mà xếp lớp và năm 1956 trường mới xây xong.

Cá nhân tôi năm 1954 qua Bắc Bình học lớp vỡ lòng với ông Trần Đình Lan, sau đó về làng học với thầy Thái Tăng Liệt và sau buổi sát hạch được xếp vào lớp Ba, niên khóa 1956-1957 với thầy Lê văn Phục, lớp Nhì cô Trần thị Huế, lớp Nhất thầy Trần Hữu Khanh, tốt nghiệp Tiểu học năm 1959. Bạn cùng lớp gồm có Hoàng Viện, Hoàng văn Ngự, Hoàng thị Bích (Ba Thung), Phạm Anh, Trần Đức, Bùi văn An (Quật Xá), Lê văn Sỏi, Lê Minh Hồ (Tân Mỹ), Nguyễn Đắc Thành, Nguyễn Định, Nguyễn Minh, Nguyễn Ước, Nguyễn thị Mùi, Lê thị Thu (An Hưng, Tân Định), Thái Thiện Chánh, Thái Tăng Ánh, Thái Hằng Nga, Phạm Tiêu, Phạm Linh, Trương Thái, Hoàng Hữu, Lê văn Vân, Thái văn Việt, Lê thị Thiện (Cam Lộ), Mai Sắt, Trần Thí, Hoàng Sự (Cam Hiếu). Hiệu trưởng đầu tiên là thầy Lê Đình Khởi, kế đến là thầy Tôn Thất Linh, thầy Trần Phụng, thầy Lê văn Niệm, thầy Trần Hữu Khanh. Trong các vị Hiệu trưởng, thầy Khởi nghiêm khắc nhất, những học sinh nghịch ngợm luôn được thầy chiếu cố như Thái Tăng Hưu, Hoàng Hiệp Phố với những hình phạt độc đáo. Có lần thầy Trần Phụng về Ty họp, thầy Khởi hỏi đã xóa những hình được vẽ trên các trụ trong phòng học chưa, thầy Phụng trả lời: "Những bức hình đẹp như thế sao lại xóa?". Thầy Khởi bảo là lên xóa đi, trong một khoảnh khắc không được bình tâm, tôi đã cho vẽ cảnh người dân tộc cùi những a chói đầy CAM với hàm ý là dân Cam Lộ như "Cà Lơ", vì trong thời gian dạy ở đó không bao giờ có phụ huynh đến thăm viếng!!! (Phụ huynh lam lũ với công việc chắc cũng ngại đến thăm!).

Khoảng năm 1961 trường cũ ngoài quốc lộ 9 chỉnh trang xong, các lớp Nhì, Nhất được chuyển ra trước, rồi mấy năm sau các lớp nhỏ mới hoàn tất.

Nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy tại địa phương, bác Thái Tăng Liên lúc đó làm việc tại Ty Tiểu Học, được sự chấp thuận của ông Trưởng ty Tôn Thất Dương Thanh đã hướng dẫn giúp đỡ một số người có bằng Tiểu Học thụ huấn Khóa Sư phạm Cấp tốc, rồi trở thành giáo viên như các ông Thái Tăng Minh, Thái Tăng Tráng, Trần văn Ngự, Trần Phương.

Không khí sinh hoạt tại Xóm Hoàn Thành khá nhộn nhịp, chính quyền và dân các xã thường lên Quận để giải quyết công việc; nơi đây lại tập trung quán xá và các dịch vụ, nên thường xuyên có nhiều người lui tới. Mọi chuyện diễn ra rất hiền hòa, vui vẻ, tình cảm cho đến đầu thập niên 1960, có một sự kiện chấn động gây xôn xao, lo lắng cho bà con, đó là việc "thần linh" nhập vào hai ông Nguyễn Đắc Hồng và Phạm Đình Long, rồi hộ lên. Sự việc xảy ra sau hôm đám tang thân sinh ông Nguyễn Đắc Hồng, bị các ngài quở vì quan tài đi ngang đền thờ Hội đồng mà không dừng lại, khi hộ lên, ông Hồng xưng quan Văn, anh Long là quan Võ, Tả Tướng Quân.

Mục đích khi các vị lên là muốn xây dựng lại Đền thờ Hội Đồng từ lâu để hoang phế. Có một lần "Tả Tướng Quân" đã phán: "Các ngươi được ăn ngon, ngủ kỹ, nhà cao cửa rộng, trong lúc ta không có nơi nương thân, không có một chỗ để cắm nhang, âm không siêu thì làm sao dương thái được".

Sau đó ông Trần Hữu Triếp, Xã trưởng Cam Hưng và ông Lê văn Xâng, Xã trưởng Cam Thái cùng các bô lão vận động bà con đóng góp xây dựng. Đền thờ được khánh thành năm 1962 trên nền cũ trang nghiêm, bề thế, các đời Quận trưởng tỏ ra cung kính, tin tưởng, tổ chức cúng bái nghiêm túc, có năm mời cả ông Tỉnh trưởng Tôn Thất Khiên lên dự. Cứ mỗi lần như thế, "Tả Tướng quân" đều có mặt lên ngồi trên bệ thờ, được thiết lễ hoa quả hương đèn, nhưng không mảy may lay động. Không cứ là dịp cúng tế, thỉnh thoảng “Ngài” cũng hộ lên, tay cầm dao phay đi từ nhà ở bờ sông, qua Xóm Hoàn Thành đến nền Âm Hồn trước trường Trung học rồi lên Đền, cây dao này gia đình dấu rất kỹ, nhưng “Ngài” vẫn tìm ra... dáng đi nhanh, rất oai phong lẫm liệt, mỗi lần như thế, nhóm trẻ con vừa sợ, nhưng cũng tò mò chạy theo, người lớn thì lo không yên tâm! Có hôm anh Hoàng Hiệp Phố nói hỗn, “Ngài” phán trong 3 ngày sẽ chết, gia đình phải thiết lễ cầu mới được tha!. “Ngài” tiếp tục hộ như thế cho đến cuối năm 1971.

Ngôi Đền thờ Hội Đồng rất linh thiêng: Năm 1904 người Pháp làm quốc lộ 9, từ Đông Hà đi Savannakhet, khi qua đoạn này, các phương tiện cơ giới đều ngưng hoạt động, phải nhờ quý bô lão trong vùng khấn vái mới tiếp tục tiến hành được.

Sau năm 1975, Công ty vận tải Việt Lào xử dụng nơi đây làm bãi đậu xe, họ sinh hoạt bừa bãi và không tin chuyện tâm linh, nên trong vòng một năm đã có 17 người chết. Về phần anh Phạm Đình Long, có lẽ nhờ sự phù hộ che chở của Thần Linh, nên khi làm việc tại Chi Khu Cam Lộ đã hai lần thoát chết: Một lần do đạn súng cối của đơn vị khi bắn bị hụt tầm và một lần pháo kích, anh đều rời khỏi phòng ngủ trước khi đạn nổ, làm một số cộng sự bị tử thương. Sau khi khu vực này được quy hoạch trở thành Chợ Ngô Đồng, không thấy có sự kiện nào xảy ra nữa. Theo một nhà ngoại cảm thì các “Ngài” đã lên ngự ở Chóp Đá Bụt.

Nhân đây cũng nên tìm hiểu để biết rõ thêm về ngôi đền này: Sau khi lên ngôi (1820), vua Minh Mạng rất quan tâm đến vùng biên cương của đất nước thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm 1829, vua cho xây thành Vĩnh Ninh tăng cường thêm quân lính để trấn giữ khu vực trọng yếu này. Sau đó Ngài ban chiếu chỉ cho các quan ở đây quy tập mộ chí các tử sĩ đã hy sinh từ sơn đầu đến hải khấu về táng tại Cam Lộ trên một khu vực rộng lớn phía Nam Quốc lộ 9, phía Tây Khe Bổ Ra, lên khoảng hơn 500 mét, tổng số có khoảng 7000 ngôi mộ, xây nền âm hồn ở giữa và lập Đền thờ như đã trình bày ở trên.

Năm 1960, Chi khu Cam Lộ mở đường vòng trước mặt nhằm giữ sự an toàn cho doanh trại và quy hoạch để hình thành Xóm Nam Thuận, nên nghĩa trang này phải giải tỏa, di dời lên trên phía Tây đường vào Cùa, đến năm 1967, khu vực này được làm nơi định cư của bà con quận Hướng Hóa và Trung Lương, nên phải cất bốc thêm lần nữa, hiện nay còn khoảng 300 ngôi phía Tây Nam khu vực cũ, cạnh nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Công là họ của các quan Đại Thần gốc Phong Điền được triều đình phái ra trấn nhậm khu vực Sơn Phòng Cam Lộ.

So với các xóm của làng Cam Lộ, Hoàn Thành khiêm tốn cả về diện tích lẫn dân số, với chỉ khoảng 6 mẫu đất và 40 nóc nhà, nhưng đây là bộ mặt của làng như một xã hội thu nhỏ với nhiều thành phần và những nét biểu trưng văn hóa, giáo dục. Cũng có người ví von vùng đất này là "Địa linh nhân kiệt", vì ít ra đã có hai vị Quận trưởng (Bác Thái Hanh và bác Hoàng Đức Thạc), một Phái viên Hành chánh (bác Hoàng Thư Phái viên Hành chánh Cùa, đảm trách xây dựng tuyến giao thông Xoa - Ba Lòng), những người đầu tiên trong làng tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam (Anh Trần Đạo Hàm, khóa 17) và Liên trường Võ khoa Thủ Đức (Anh Thái Tăng Phương, khóa 18), các Binh chủng lớn của QL/VNCH: Không quân (anh Hàn Minh Quang), Hải quân (anh Hoàng Hiệp Phố), một số là thầy giáo cấp 3, cùng nhiều trai thanh gái lịch. Với bọn trẻ chúng tôi, ngoài việc hàng ngày cắp sách đến trường, đây là nơi được tiếp xúc với nhiều điều mới lạ: Ở trong thành, ngoài các phòng, ban của Quận Hành chánh, phía bên phải có rạp Đại Chúng, thỉnh thoảng trình diễn các loại hình nghệ thuật (sau này rạp được triệt hạ để lập Khu Dân cư). Thời đó ít có những đoàn ca nhạc, ông Quận trưởng Nguyễn Tri Kiệt là người mê hát bội, nên thỉnh thoảng mời về diễn và ông ngồi đánh trống chầu, chúng tôi không có tiền mua vé, phải đợi diễn nửa buổi, mở cửa mới vào xem hoặc lòn qua cửa sổ (cửa chớp), có đứa nhanh và khỏe dành được một chân gánh trống vào rạp (người thường xuyên được ưu tiên là anh Thái Đằng, sau này anh bị đuối nước). Các vở tuồng thường dựa vào những chuyện lịch sử như Thạch Sanh, Lý Thông, Lê Lai cứu chúa, Phạm Công Cúc Hoa hoặc có tính xã hội. Tôi còn nhớ một vở nội dung là: Bên vệ đường có tảng đá lớn, một người đi ngang dừng lại, tạc thành một cô gái rất đẹp, người thứ hai thấy vậy khoác cho cô chiếc áo và xâu chuỗi, người thứ ba dạy cô nói và tập bước đi... lúc đó thì ba người đều dành phần mình với những lập luận hợp lý. Cuối cùng phải nhờ đến quan xử và được phán rằng: Người tạo ra hình hài là Cha, người tập nói, tập đi là Thầy và người sắm áo và nữ trang là Chồng!

Ngoài ra cũng có những buổi hò đối đáp do những danh hò từ Triệu Phong, Hải Lăng lên, một thể loại thú vị, được nghe những làn điệu và lời qua tiếng lại rất lôi cuốn, cũng là lần đầu chúng tôi được xem phim: Bộ phim "Chúng tôi muốn sống" quá hấp dẫn, thấy được cảnh đấu tố trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc. Những sinh hoạt văn hóa như thế mang đậm nét giáo dục quần chúng, khắc sâu vào đầu óc non nớt của chúng tôi, có thể đó là duyên khởi để sau này tôi say mê tìm tòi những câu hò đối đáp, văn học dân gian..

Một nơi thú vị khác là tiệm xe đạp của bác Thợ Huỳnh, ngoài việc sửa chữa và bán phụ tùng xe, bác còn có dịch vụ cho thuê, cứ một giờ hai đồng, chúng tôi thường thuê xe để tập, hai đứa một chiếc rồi kiếm những vồng khoai ở khu vực Khóa Vuông xóm Tây Hòa để tập, đạp xe giữa hai vồng khoai bảo đảm không bao giờ bị ngã. Một niềm vui khác, cứ đến ngày Chợ Phiên, sau buổi học sáng, rủ nhau tập trung trước quán ăn Bà Thanh, chờ Ô Tô Ca của "Eng Đa, Eng Mới" lên đón khách, dừng lại cho bọn tôi lên, ngồi trên xe nhìn mấy đứa đi bộ, tay ngoắt ngoắt rất oai, chẳng cảm thấy mệt khi phải đi bộ từ chợ lên nhà!

Một khu vực lưu dấu nhiều kỷ niệm là Nghè Ông, cạnh trường ở đây thoáng mát, nhiều cây cao, tán rộng là nơi các chú bán cà rem, kẹo kéo đứng đợi trong giờ ra chơi hoặc trước giờ học buổi chiều, bàn kẹo kéo có gắn tấm bảng tròn ghi từ số 0 đến số 9 và mũi tên để quay, cứ trúng số bao nhiêu thì được bấy nhiêu khúc kẹo, vẫn biết cũng từ một khúc kéo dài ra, nhưng rất thú vị khi ngắm tay chú ngắt từng khúc thật điêu luyện, chỗ này cũng có cây hạt dót, trái to bằng hạt sầu đông, màu vàng rất ngọt, số nữ sinh thường đi quanh gốc để lượm.

Khoảng cách từ nhà lên trường không xa lắm, buổi trưa về nhà ăn nghỉ rồi đi học lại thoải mái, nhưng một số nam sinh cũng như nữ sinh, xin Ba Mạ bới cơm ở lại... Con trai rủ nhau qua chùa An Thái hái xoài, loại xoài cơm trái nhỏ không ngọt lắm, nhưng chủ yếu lấy hạt làm đồ chơi! Thỉnh thoảng có đứa nghịch ngợm dộng chuông, mấy đứa trên cây tụt xuống chạy không kịp thở. Trong chùa trước Chánh điện có hai bức tượng, một ông mập không mặc áo phô chiếc bụng bự, một ông ốm tong teo, khoác áo sặc sỡ, bọn tôi nói một ông nhịn ăn mà mặc, một ông nhịn mặc mà ăn! Nhóm con gái thì qua nhà bạn bên kia sông để kiếm các loại trái cây theo mùa hoặc cùng nhau lên Phước Tuyền xem đúc đồng!

Đa số học sinh từ các xóm phía dưới hoặc các làng thuộc xã Cam Thái, Cam Hưng, Cam Hiếu, gia đình nông nghiệp, kinh tế khó khăn, nhưng khi đi học chơi chung với các bạn ở xóm Hoàn Thành rất thân tình hòa nhã, cuối tuần các bạn ở đây còn rủ nhau qua An Mỹ hái dâu tiên nữa! Một số cùng sinh hoạt trong Gia Đình Phật tử, nên càng gắn bó hơn.

Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, cùng lớn lên tạo nên không khí rộn ràng năng động và như những chú chim đã đủ lông đủ cánh bay đi theo đường riêng của mình. Xóm nhỏ không đông nhưng sinh sản nhiều khuôn mặt với nhiều đặc trưng rất đa dạng, mỗi người một vẻ. Hoài bão cho một ngày mai ai cũng giữ kín trong lòng và sau này khi đã bay nhảy vào đời mới vỡ lẽ! Tuy nhiên, không phải khung trời nào cũng êm ả! Chiến tranh đã tác động toàn diện vào đời sống người dân, những tưởng chỉ quân nhân ngày đêm đối mặt với hiểm nguy của chiến trận, người dân cũng đã gánh chịu tai ương bom đạn ập xuống.

Tết Mậu Thân 1968, Chi khu Cam Lộ bị tấn công, hàng loạt đạn pháo rơi vào Xóm Hoàn Thành, trúng nhà chị Thái thị Yến, làm em ruột chị là TTV bị thương nặng, phải đưa ra hạm đội điều trị giải phẩu, cuối cùng bị thương tật.. Cứ nghĩ như vậy đã được giải nghiệp, không ngờ câu chuyện "Thiếu phụ Nam Xương" tái hiện, lúc tuổi đời còn rất trẻ, chị phải ra đi trong oan nghiệt thảm khốc! Rồi như quy luật muôn đời "hồng nhan đa truân", người đẹp trôi lăn theo dòng đời với tình duyên khập khiễng: HMC có mối tình lãng mạn và chân thành cùng một chàng trai trong làng, nhưng dưới quan niệm thực dụng của gia đình, nên phải kết hôn với một người mình không yêu thương, mang tâm trạng của TTKH! Sau 1975, người chồng vượt biên, người yêu bị đi tù, không thể chống chọi giữa muôn vàn khó khăn, MC phải tìm một bờ vai để nương tựa.. Người yêu ra tù tìm đến như muốn chắp lại duyên xưa, nhưng đã muộn, đành phải tự đi xây dựng cuộc sống cho mình. Mùa Xuân năm 2009, tôi đã sắp xếp để hai người có cuộc gặp gỡ nhân lễ đính hôn của con trai tôi ở Saigon. Thoáng bất ngờ, không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của họ như thế nào! Rồi ai cũng phải trở về thực tại với gia đình... Ngày 17/7/2017, nhận tin TVT qua đời, tôi gọi về thông báo, MC thảng thốt cảm động và kể: “Khuya nay trong giấc ngủ chập chờn Em đã hai lần nghe Anh ấy gọi tên Em!”.

Cuối năm 2019 trong lần về quê, ngày 23 tháng 11 tôi được dịp dự đám tang HMC, tang lễ đơn giản mà ấm cúng, trong lần nói chuyện lúc đã trở bệnh nặng, MC chia sẻ có niềm an ủi là đã lo cho các con học hành đến nơi đến chốn và cả 4 đứa con gái đều yên bề gia thất, chỉ có một ngậm ngùi tiếc nuối là không được một lần trở lại quê, nơi đó biết bao là kỷ niệm! Buổi chiều sau đám tang, tôi qua Quận 2 thắp hương cho TVT, câu đầu tiên thím Xuyên hỏi tôi là anh có biết cô MC bây giờ đang ở đâu không, tôi trình bày lại mọi chuyện hồi sáng, rồi thím kể: "Anh V không dấu tôi bất cứ chuyện gì, còn cho tôi xem hình ảnh chụp chung hôm đám hỏi con Anh. Tôi biết Anh ấy luôn yêu thương MC".

Bây giờ thì cả hai đều thanh thản ra đi để lại mối tình đẹp trong lòng mọi người! Biết rằng cuộc đời là vô thường, nhưng để chấp nhận nó một cách bình thường thật là khó!

Năm 1972 chịu chung số phận của toàn miền, xóm Hoàn Thành đã tan tác, mỗi người một hướng khắp miền Nam, sau này ra hải ngoại nữa!  Khi hòa bình lập lại, chỉ độc nhất gia đình chị Thanh Mỹ trở về, tên xóm cũng mất luôn, không ai nhắc đến nữa! Có lẽ vì sự mất mát đó nên những người trong xóm dù ở phương trời nào cũng cảm thấy gần gũi, gắn bó với nhau!

Từ khi hình thành đến lúc biến mất, xóm không có bất cứ tài liệu nào, mọi chuyện được ghi lại hôm nay qua nhân chứng sống thuộc nhiều thế hệ với một cố gắng tập hợp được chừng nào hay chừng đó, những sự kiện như là một lưu dấu kỷ niệm cho những người đã từng sinh sống trên mảnh đất này và những thế hệ sau biết rằng đã một thời tổ tiên mình đã hiện hữu nơi đây với những ràng buộc sinh hoạt như thế.

(Chú thích: Bài viết được hoàn thành nhờ sự góp ý và cung cấp dữ kiện của nhiều người: Ông Thái Phồn, ông Trần Minh, ông Nguyễn Công Bá, ông Phạm văn Trung, anh Phạm Đình Long, anh Hàn Minh Quang, anh Bành Phi Lân, anh Thái Thịnh, chị Phùng thị Kiều, chị Thái thị Thanh Mỹ... Xin cám ơn tất cả)

Lê văn Trạch

(26 tháng 9, 2020)

.