January 16, 2021

NHÀ VĂN DOÃN DÂN: ĐỊNH MỆNH

 

Nhà văn Quân đội Đại úy TRẦN DOÃN DÂN (1938-1972)

 

Trong một bài viết về cô giáo Trương Kim Sa dạy Toán năm Đệ Nhị, tôi có trình bày: Khi được tiếp xúc với Cô sau thời gian dò hỏi khắp nơi để tìm tin tức, tôi thật sự vui và xúc động, kể quá trình ấy ra và Cô chia sẻ: "Ước nguyện của em được hình thành bởi khi em khởi điều ấy ra với cả tấm lòng thiết tha thì cũng như đã tạo một nhân lành để hôm nay gặp quả tốt". Quả đúng vậy và "lịch sử đang lặp lại ". Lúc ngồi xuống để viết "Nhà văn Doãn Dân: Phận đời nghiệt ngã" mà ý tưởng được ấp ủ từ nhiều năm trước, tôi có mong ước là làm sao cho bạn bè ông, đặc biệt là gia đình đọc được để biết lý do ông có mặt tại Quảng Trị và đã ra đi một cách thương tâm trên Đại lộ Kinh hoàng! Bài viết được Nguyệt san KBC đăng vào số báo Tháng 8/2020. Sau đó anh Tám Tình Tang đọc trên Youtube...

Tối thứ bảy ngày 31/10/2020, tôi nhận được mails của anh Tám với nội dung: "Có người nghe bài viết về nhà văn Doãn Dân và muốn liên lạc với tác giả. Hình như là con gái của nhà văn Doãn Dân", kèm theo tin nhắn: "Xin chân thành cám ơn tác giả Lê văn Trạch và ông Tám Tình Tang đã cho đăng trên Youtube về nhà văn Trần Doãn Dân - là Cha chị em chúng tôi. Xin cho biết làm cách nào để liên lạc với quý vị. Xin cám ơn".

Tôi trả lời anh Tám và chuyển cho cô Thúy Khanh: "Cám ơn anh Tám nhiều, công việc của chúng ta đã có hiệu quả, cũng nhờ sự quan tâm của anh", kèm lời nhắn với cô Thúy Khanh: "Rất cảm kích đã nghe được bài viết của tôi. Sau đây là những cách để liên lạc với tôi....". Sau đó tôi gởi mail trực tiếp đến cô: “Thăm cô Thúy Khanh, tôi là tác giả bài viết "Nhà văn Doãn Dân: Phận đời nghiệt ngã". Hôm qua anh Tám có chuyển mail của cô với mong muốn là được liên lạc với tôi, khi trả lời anh Tám tôi có chuyển cho cô. Tôi rất vui và xúc động khi đọc mấy dòng ngắn ngủi của cô, thú thực khi viết xong tôi chuyển đến Nguyệt san KBC và anh Tám Tình Tang đã đọc trên Youtube với ước mong gia đình cùng bạn hữu nghe hoặc đọc được, hôm nay thì toại nguyện rồi. Tôi đang ở Tennessee và rất muốn tiếp xúc để nghe thêm một số điều mà mọi người chưa biết hết về nhà văn Doãn Dân. Mail chuyển đi, tôi trông từng giờ, mãi sau 24 giờ tức chiều chủ nhật mới nhận trả lời:

"Trước hết cháu xin lỗi vì máy tính của cháu chưa đánh được bằng tiếng Việt, không hiểu sao cháu không nhận được thư Bác qua Yahoo Email trong điện thoại của cháu, nhưng trong vi tính thì cháu nhận được email của Bác. Trong phone thì cháu có thể viết bằng tiếng Việt được. Bác cố gắng đọc lần này vậy ạ.

Cháu có đọc một vài comments của một số người nói về Bố cháu sau khi họ nghe bài viết của Bác, nhưng cháu không nhận ra tên của họ. Cháu có để lại một comment cho một vị tên là Hoa Hao Nguyen với ngụ ý cho tất cả những ai biết hoặc là bạn của Bố cháu. Tuy rằng cháu không biết nhiều về những sinh hoạt của Bố cháu ở đời sống bên ngoài xã hội, với anh em văn nghệ hay trong quân đội, nhưng trong gia đình thì sau này lớn lên, nghe Mẹ cháu và các cô trong họ nói kể về Bố cháu thì cháu cũng biết nhiều hơn về tâm lý và tình cảm của ông. Những gì Bác kể cũng khá chính xác về Bố cháu, một con người rất trực tính, rất nhiệt tình và tốt bụng. Và còn nhiều điều ít ai biết về Bố cháu mà nếu có dịp thuận tiện, cháu sẽ chia sẻ với Bác.

Mẹ cháu năm nay đã lớn tuổi và không còn nhớ gì nữa, có những chuyện trong quá khứ ngày xưa bà hay kể cho chúng cháu nghe nhưng bây giờ bà đã quên hết rồi.

Có một điều cháu rất mong muốn là liên lạc được với một chú lính ngày xưa đã đi cùng với Bố cháu trước khi Bố cháu bị nổ mìn. Tên chú ấy là Hoàng Huy, cháu muốn nghe lại tất cả những chi tiết trước khi Bố cháu trút hơi thở cuối cùng.

Gia đình Bố Mẹ cháu có 5 người con gái, Bố cháu vẫn nói với bạn bè là tụi cháu là ngũ long công chúa của ông. Cháu là con lớn nhất, sau cháu là cô em kế, tên Hạnh. Chị em cháu cùng là y tá, làm việc cho viện nghiên cứu về bệnh tiểu đường ở thành phố San Antonio, TX thuộc University of Texas, 3 người em kế thì đang ở và làm việc ở Virginia, nơi Mẹ cháu và tất cả chúng cháu đã định cư từ thuở ban đầu. Cuộc đời Mẹ cháu cũng rất gian truân sau năm 1975, nhưng nhờ Ơn Trên phù hộ, gia đình chúng cháu đã sang hết được bên này nhờ ông Bác, anh Mẹ cháu đã mang cháu và một em thứ tư sang đây trước rồi bảo lãnh gia đình sang sau. Cháu thường thì rãnh vào cuối tuần. Nếu không có gì trở ngại, cháu có thể gọi thăm Bác vào thứ bảy tuần sau được không ạ? Mong tin Bác. Cháu cám ơn Bác nhiều”.

 

Cô Trần Doãn Thúy Khanh

Một bức thư tâm huyết, xúc động, mở ra nhiều hướng tìm hiểu khác về những ràng buộc và có thể có những gút thắt chưa được mở, tôi nghĩ mình thật may mắn đã liên lạc được với cô Thúy Khanh- con đầu của nhà văn Doãn Dân và chắc sau này với cả gia đình nữa. Trong thư trả lời, tôi viết:

"Chú rất vui khi nhận thư cháu (phải gọi Chú vì Bố cháu hơn 8 tuổi). Như vậy là tâm nguyện của Chú đã thành tựu, một ước nguyện mãnh liệt như tạo một nhân tốt và gặt được quả ngay. Ý tưởng ấp ủ từ lâu nhưng phải chờ đủ duyên tức là có thêm nhiều sự kiện mới khai bút được. Một niềm vui nữa khi biết gia đình cháu đã có mặt ở Mỹ và Mẹ cháu vẫn còn khỏe, mặc dầu trí nhớ không được như xưa. Chú cảm nhận được hết nỗi đau của Mẹ cháu như đã trình bày trong bài viết và đó cũng là động lực thôi thúc Chú để viết cho được! Cám ơn cháu đã khái quát cho chú biết về gia đình cùng hoàn cảnh sống hiện tại. Chú rất muốn được nói chuyện với cháu, giờ mới biết là có anh Hoàng Huy đi theo Bố cháu và chắc còn nhiều chi tiết nữa".

Tôi trở lại trang Youtube của anh Tám Tình Tang để xem biết đâu những chiến hữu hoặc bạn văn của ông Doãn Dân nghe được có bổ sung thêm tin tức gì không, nhất là những lần thuyên chuyển hoặc có thêm những đơn vị khác như chúng ta đã biết, nhưng không có gì ngoài những biểu lộ tình cảm.

Nick Minh Hoàng viết: "Doãn Dân là một sĩ quan nhưng anh luôn sống với phong cách của một nhà văn, ngày anh rời Bộ Tư lệnh/SĐ22 tôi biết sau đó tôi nghe anh tử trận tại SĐ3, nhưng không ngờ cái chết của anh quá nghiệt ngã! Sao một sĩ quan cấp Đại úy có thể bỏ xác một mình sau khi bị thương ở Đại lộ Kinh hoàng".

Nick Hao Hoa Nguyen trả lời: "Như vậy có lẽ anh biết ít nhiều về anh Dân, riêng tôi sau khi nghe bài viết này có hỏi một anh Đại úy phục vụ tại CDEC (Trung tâm Khai thác Tài liệu hỗn hợp), cho đến ngày 30/4/75 thì anh cho biết có thể anh Dân làm việc bên CICV (Trung tâm Tình báo hỗn hợp), vì CDEC không có sĩ quan nào tên Trần Doãn Dân cả”.

Nick Minh Hoàng trả lời: "Tôi biết anh Doãn Dân qua những lần nói chuyện văn chương, chứ không liên hệ gì trong công việc cả, vì vậy sau khi anh rời BTL/SĐ22, tôi không còn liên lạc và không biết gì hơn ngoài tin anh tử trận tại Quảng Trị!".

Cô Trần Doãn Thúy Khanh nhân cơ hội này cũng lên tiếng trong niềm khao khát muốn biết thêm những gì chung quanh cuộc đời của Bố, vì lúc ông ra đi cô mới 11 tuổi và chỉ thực sự sống với Bố hơn 2 năm tại Quy Nhơn, nhưng vẫn là nỗi thất vọng, cô đang có niềm mong muốn duy nhất là liên lạc được với ông Hoàng Huy - người đã ở bên cạnh Bố trên Đại lộ Kinh hoàng và nhà văn Trần Hoài Thư - bạn thân của Bố lúc ở Quy Nhơn mà cô còn nhớ.

(Ngoài bạn văn nghệ, nhà văn Trần Hoài Thư là Đại đội trưởng Thám báo SĐ22BB, một đơn vị thường có quan hệ gắn kết với Phòng 2SĐ).

Cô Thúy Khanh viết: “Kính thưa các Chú Bác, cháu tên là Trần Doãn Thúy Khanh, là con lớn nhất của nhà văn Trần Doãn Dân.

Hôm nay thật tình cờ cô em cháu nói với cháu về video clip này về bố cháu. Và sau khi nghe xong, phải nói là tất cả 5 chị em gái của cháu rất bàng hoàng và xúc động. Không ngờ bố mình ra đi đã lâu lắm rồi, 4/1972, cháu chưa được 11 tuổi thì nghe tin bố cháu mất ở mặt trận Quảng Trị. Rồi thì tất cả mọi diễn tiến sau đó chúng cháu chỉ nhớ mang máng và theo lời mẹ cháu kể vào những năm đó thì mẹ cháu có đi tìm xác bố cháu với chú Hoàng Huy, là người đã chứng kiến cái chết của bố cháu ở mặt trận Quảng Trị. Chúng cháu rất mong muốn biết nhiều hơn về bố của mình.

Vì thời buổi chiến tranh và bố cháu hay đi công tác nhiều nơi, nên chúng cháu ít biết nhiều về bố của mình. Thời gian ở Bình Định Quy Nhơn, ở Sư đoàn 22, mặc dầu là chỉ được vài năm sống với Bố. Đó là thời gian dài nhất mà chúng cháu đã được sống gần Bố. Chúng cháu lúc nào cũng khao khát được biết hơn về Bố của mình.

Nếu các bác các chú nào đã từng sống và sinh hoạt với Bố cháu mà có thể chia sẻ những kỷ niệm đó với chúng cháu thì chúng cháu rất biết ơn. Mẹ cháu năm nay cũng đã lớn tuổi, vẫn còn khỏe mạnh nhưng trí nhớ của mẹ cháu đã kém cỏi lắm rồi. Không còn nhớ những chuyện ngày xưa để có thể kể lại cho các con các cháu nghe nữa. Riêng chúng cháu, nếu có thể được mời các bác các chú đến tiểu bang Virginia để được gặp một lần, để được tâm sự và hỏi han, để khoả lấp những khoảng trống vắng trong tiềm thức về người bố mà chúng cháu còn quá nhỏ để có thể hiểu biết về ông như những người ông đã từng gặp trong cuộc đời của mình. Chúng cháu sẽ rất hân hạnh được gặp và được đón tiếp các chú các bác. Nhờ Ơn trên và cũng có thể là nhờ linh hồn của Bố cháu đã theo đuổi giúp đỡ mẹ con chúng cháu nên bây giờ cuộc sống chúng cháu cũng khá ổn định, cho dù Mẹ cháu cũng đã trải qua khá nhiều gian truân trong việc nuôi nấng các cháu nên người. Cháu xin thay mặt mẹ cháu và các em cháu cảm ơn tất cả các chú bác vẫn còn nhớ đến bố cháu mà cho cháu những giây phút cảm động khi nghe về bố mình trên diễn đàn này. Chúng cháu vẫn thầm mong nhận được tin chú Hoàng Huy để cho chúng cháu biết rõ hơn về giây phút cuối cùng của bố cháu trên Đại lộ Kinh hoàng.

Xin chân thành cảm tạ Bác Lê Văn Trạch và ông Tám Tình Tang đã cho lên cuốn video này”.

Cô cũng bày tỏ cảm xúc sau khi nghe Youtube:"Hôm thứ sáu vừa qua, khi cháu đang làm việc thì nhận được text của em Hương ở Virginia trong đó kèm theo một Video Clip, cháu thấy hình Bố cháu nên Clicked vào nghe, đây là một Clip từ một người cháu chưa nghe bao giờ. Tự nhiên cháu ứa nước mắt và ngạc nhiên quá! Chú đã phác họa hình ảnh của Mẹ cháu hồi còn trẻ bay từ Saigon ra Đà Nẵng, chuyến đi ấy đầy nguy hiểm mà Mẹ cháu suýt mất mạng…".

oOo

Nhà văn Trần Doãn Dân sinh ngày 11 tháng 7 năm 1938 tại làng Tây Phú Đông, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định trong gia đình có 5 anh em, ông là con cả cùng một em trai và 3 em gái, bây giờ chỉ còn cô em út sống tại Saigon. Thân phụ ông ảnh hưởng nặng Nho giáo và rất mộ Đạo Phật. Cụ Ông là người bảo thủ quyết đoán, khắt khe trong việc giáo dục con cái. Theo quan niệm của ông, văn chương là một thứ phù phiếm viễn vông, không thực tế, người thanh niên không nên dính vào, Cụ không muốn ông viết văn, tuy vậy ông vẫn đam mê viết ngay từ lúc còn nhỏ, đôi khi bị bắt gặp phải chịu đòn, có lúc ông trùm mền dùng đèn pin để viết! Trong lúc đó người Mẹ rất thông cảm và yểm trợ công việc của ông, bà còn biết làm thơ nữa.

Bà Doãn Dân, nhũ danh Vũ Thúy Mão


Sau khi rời ghế nhà trường, ông dạy Văn tại một trường Trung học, ở đây gặp cô Vũ Thúy Mão, cùng quê, vừa đi làm cho Hội nghị Colombo, vừa dạy tiếng Anh cho trường, hai người quen nhau và không lâu sau đó tổ chức đám cưới, lúc đó ông mới 22 tuổi. Cuộc hôn nhân bị thân phụ phản đối vì gia đình vợ ông theo đạo Công giáo. Khi sinh đứa con đầu, ông nhập ngũ, không ai biết năm nào và khóa mấy Thủ Đức, rồi thời gian mới ra trường ở đơn vị nào?! Mãi đến năm 1967 mới biết tin ông phục vụ tại Phòng 2/SĐ22 đóng tại Ba Gi, Quy Nhơn; cũng thời gian này, ông nhắn vào Saigon đang bị thương rất nặng, nên gia đình tức tốc ra Quy Nhơn, thực ra ông chả đau ốm gì, mà chỉ muốn gần vợ con, nhờ vậy các con ông mới có dịp ở cạnh Bố gần 3 năm. Lúc gia đình mới ra, trong lúc chờ đợi đơn vị xây Cư xá cho Sĩ quan, ông xin vào ở trong Tu viện Nguyên Thiều. Hòa thượng trụ trì Thích Đồng Thiện cho một căn nhà vừa đủ sinh hoạt, nhưng khuôn viên rộng, vợ ông trồng đủ các loại rau quả và các cháu rất thích thú với những bồn hoa và cây ăn quả.

 

Nhà văn Doãn Dân và người lính Đại Hàn (đeo kính)

 

Năm 1993, con gái đầu của ông, cô Thúy Khanh, trong chuyến về Việt Nam có ghé Tu viện, Hòa thượng trụ trì đã hơn 90 tuổi và còn khang kiện, cô kể lại tất cả những chuyện của gần 30 năm trước, Hòa thượng vẫn còn nhớ và rất cảm động.

Đầu năm 1970, như trong bài trước, tôi có dẫn lời nhà văn Văn Nguyên Dưỡng, lúc đó là Trưởng phòng 2/SĐ22, đã ký Sự vụ lệnh để ông về Trung tâm Khai thác Tài liệu Hỗn hợp, nhưng qua lời xác minh của Thiếu tá Đức và một vị khác trên Youtube, ở Trung tâm này không có ai mang tên đó cả, trong lúc vợ ông được thu nhận vào làm tại đây và cả MACV nữa. Theo lời cô con gái đầu kể lại, trong thời gian gia đình ở Saigon, thỉnh thoảng thấy ông về nhà và nghe nhắc đến Sư đoàn 5, trong một bài viết của ông Định Nguyên có ghi lại lời tâm sự của nhà văn:"Ra ngoài đó, dù sao cũng thoải mái hơn Bình Dương" (nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh/SĐ5). Một thắc mắc khác đặt ra là đầu năm 1972, Thiếu tá Dưỡng về làm Trưởng phòng 2/SĐ5, không có Trung úy Dân ở đó, hay là ông đã rời đi trước khi Thiếu tá Dưỡng đến?! Có thể suy đoán rằng lúc từ SĐ22 về Saigon trình diện P2/TTM, thay vì qua CDEC, ông xin về SĐ5?

Ông Cụ thân sinh là người bảo thủ, sống theo nguyên tắc đạo lý Khổng Mạnh, ngay từ đầu Cụ ông đã phản đối chuyện viết văn và không chấp nhận cuộc hôn nhân khác tôn giáo, Cụ bấm số tử vi cho hai anh em ông, được biết cả hai người đều mệnh yểu, cho nên năm 1968 khi người em Trần Doãn Hiền qua đời, trong lúc đó vợ chồng ông chỉ sinh 5 gái, như thế là gia đình ông không có người nối dõi, nên sự buồn giận càng dâng cao, dẫn đến sự không hòa hợp! Trong lúc đó Cụ Bà rất thông cảm và thương ông nhưng không giải quyết được gì! Sau khi ông mất một thời gian, bao nhiêu nỗi buồn ập đến, Bà sinh bệnh rồi qua đời!

Ông được cả hai Mẹ thương quý, chính bà ngoại các cháu được ông về báo mộng thấy một người mặc đồ trận nói với bà:" Con đã chết trên đồi cát ở Hải Lăng, Quảng Trị", bà tưởng đó là con trai, một sĩ quan cấp Tá đang ở đơn vị tác chiến, không ngờ đó là ông!

Một số người đọc kỹ văn ông, nhận xét rằng những khó khăn trong gia đình đã ảnh hưởng phần nào trong việc sáng tác, qua đó tỏ lộ tâm tình phản kháng, đối đầu với thực tại, với hoàn cảnh vây quanh, văn ông thiên về tâm lý với những phân tích nội tâm, những độc thoại, những thăng trầm biến đổi của tâm trạng nhân vật, đa số là người đương thời, những người có quan hệ với ông, bên cạnh là những tâm sự, những bế tắc nào đó trong công việc đã từng làm ông bất bình. Nói chung tất cả những điều đó đã giằng xé tâm can ông để rồi được dàn trải trên từng trang viết.

 

Gia đình Đại úy Trần Doãn Dân đầu năm 1972

 

Ông từ Saigon ra Đà Nẵng một mình chứ không đem theo gia đình, cho nên khi người lính mang túi xách của ông từ Đại lộ Kinh hoàng về Quân đoàn, vợ ông được cấp báo để ra nhận di vật. Bà ra Huế gặp quý Sơ trong một tu viện Dòng Kín để tĩnh tâm sau mới vào Đà Nẵng trong một buổi sáng, mà tôi tình cờ được thấy, để hình ảnh sầu thảm đó cứ đeo đẳng đến hôm nay. Di vật gồm một chiếc ví màu nâu nhạt vẫn còn vết máu, một cây bút Pilot, một chiếc đồng hồ, có một tập bản thảo nhưng khi lội qua sông Mỹ Chánh bị sũng nước rả hết, đành bỏ lại!

Ông Hoàng Huy, người đồng hành cùng nhà văn Doãn Dân kể rằng:"Lúc ở thành Đinh Công Tráng thấy tình hình rất nguy ngập, quân Bắc Việt đã áp sát bên kia bờ sông Thạch Hãn, nên hai người cùng bàn bạc để ra đi (có thể là ngày 30/4/1972), nhưng khi đến đoạn Cầu Dài, pháo rát quá nên xuống đi bộ, với qui ước là di chuyển cách xa nhau, để nếu lỡ có gì xảy ra thì có thể giúp nhau. Vừa đi được một lát, ông Hoàng Huy nghe tiếng nổ lớn phía sau, nhìn lui thấy ông Doãn Dân bị thương gục xuống, máu ra nhiều. Ông đến bên cạnh chăm sóc, nhưng biết tình trạng sức khỏe đã trầm trọng không thể di chuyển, nên nhà văn Doãn Dân lấy một số vật dụng trong ba lô nhờ ông Hoàng Huy mang về P2/Quân đoàn để trao lại cho vợ ông!”

Sau này Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trên đường tái chiếm Thành Cổ, khu vực Đại lộ Kinh hoàng được giải tỏa, chính quyền, các tổ chức thiện nguyện và nhật báo Sóng Thần đã tiến hành gom xác để đưa đi mai táng. Dịp này Thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu, nguyên Tư lệnh SĐ22/BB đã cấp phương tiện quân sự cho vợ ông cùng 5 người lính có ông Hoàng Huy dẫn đường ra Đại lộ Kinh hoàng. Khi đến nơi đã thấy khoảng 400 quan tài, bà đến nhận diện tất cả nhưng không thấy ông Doãn Dân, đành ngậm ngùi ra về!

Những vấn đề ông băn khoăn, phản đối việc Tổng cục Chiến tranh chính trị không quan tâm đến giới văn nghệ sĩ trong quân đội- một nguồn tài nguyên giá trị của đất nước - đã không đặt đúng vị trí chức năng của họ, nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường! (Những điều ông đã chia sẻ với Trung tá Lê Huy Linh Vũ và tôi lúc ở Thành Cổ). Ý nghĩ này cuối cùng đã vận vào ông. Tạp chí Thư quán Bản thảo số 82, tháng 01/2019 đã có số đặc biệt Tưởng niệm 10 Văn nghệ sĩ đã hy sinh ngoài chiến trường gồm: Trầm Kha, Y Uyên, Phạm Huy Mộng, Nghiêm Sỹ Tuân, Trần Như Liên Phượng, Dzũng Chinh, Hoài Lữ, Doãn Dân, Nguyễn Phương Loan và Song Linh.

Sự ra đi của Đại úy Trần Doãn Dân như cơn bão ập xuống gia đình, một mất mát quá lớn, tạo sự hụt hẫng trống vắng trong lòng mọi người, nhất là với các con của ông, không có một bờ vai vững chắc để nương tựa. Mẹ và 5 cô con gái còn rất nhỏ, cháu lớn mới 11 và cháu út mới lên 3!!! Tại sao Thượng Đế không cho một đứa con trai để có sự mạnh mẽ vững chắc khi giao tiếp với cuộc sống?!

Khi lớn hơn một chút, cô gái trưởng - Thúy Khanh đã cảm nhận sâu sắc sự thiếu vắng của Bố, đôi khi thấy tủi thân! Có lần vào năm học Đệ ngũ, cô bạn Nguyễn thị Minh Thuận (con nhà văn nằm vùng Vũ Hạnh) bảo là miền Nam không làm được một bài Quốc ca, mà phải mượn của một nhạc sĩ miền Bắc, tức tối quá không biết sao tranh cãi, giá như còn Bố để hỏi, để có sự giải thích cụ thể! Những điều ấm ức và phản ứng ngầm cứ đeo đẳng trong những năm tiếp theo ở Trung học.

Trước khi ký Hiệp định Paris, xếp của Bà Vũ Thúy Mão ở MACV biết tình hình sẽ xấu đi, nên gợi ý đưa gia đình Bà sang Mỹ, nhưng bên ngoại nghĩ một mình với 5 con nhỏ sẽ gặp khó khăn khi đến vùng đất mới, nên đã khuyên ở lại, lúc này các cơ quan của người Mỹ nơi Bà làm việc cũng rút về nước, nên qua làm cho Công ty Xăng dầu Nhà Bè. Sau năm 1975, nhờ dấu kỹ lý lịch Bà không phải đi "cải tạo" và được lưu dụng một thời gian ngắn rồi bị cho nghỉ việc, Bà mở một quán nhỏ ở nhà bà ngoại cho đến năm 1986.

Năm 1981, Thúy Khanh và Thúy Uyên (thứ tư) được người cậu dẫn đi vượt biên đến đảo Galang an toàn, khi phỏng vấn, cô khai Bố là Cố Thiếu tá Quân Báo, phục vụ tại KBC 4061(?) và 4109 (BTL/QĐI), nên phái đoàn nhận ngay và được một cậu khác qua Mỹ trước bảo trợ về thành phố Memphis, tiểu bang Tennessee, nhưng ở đây vấn đề học hành có trở ngại nên đã chuyển qua bang Virginia ở với bà dì để tiện việc đi học. Đến năm 1986 bà ngoại, Mẹ và 3 đứa em cũng được dì bảo lãnh, như thế là đại gia đình đoàn tụ trọn vẹn. Bây giờ thì cả 5 chị em đều đã thành hôn và có cuộc sống ổn định.

Bà Vũ Thúy Mão đến Hoa Kỳ năm 1986

 

Mặc dầu nhà văn Doãn Dân không còn trên cõi đời này, nhưng các con ông có cảm nhận sâu sắc về sự "truyền thông" từ hai phía. Ông luôn "có mặt" bên cạnh đế giúp các con khi gặp những bất trắc hay các vấn đề khó giải quyết. Chính nhà văn Trần Hoài Thư cũng xác nhận sự hiển linh này đã cứu ông thoát nạn khi xe quay vòng rồi đâm vào ụ tuyết trên đường đi đến thư viện Cornell để tìm bài viết "Bàn tay cho Yến" và một người giúp ông sửa lỗi chính tả bài này cũng đã kể rằng:"Em định emails hỏi anh vì thấy thiếu một đoạn của nhà văn Doãn Dân ở trang 127. Em Copied và Pasted để hỏi anh thì những dòng chữ này hiện ra, thật là một điều huyền diệu"!

Có thể ông ra đi vào giờ thiêng, nên thần thức rất linh, như ông đã về báo mộng cho gia đình khi nằm xuống ở Đại lộ Kinh hoàng! Nhà văn Trần Hoài Thư cũng nghiệm ra những hiển linh ấy qua lời tiên tri trong tác phẩm của ông khi nói đến những cái chết trong chiến tranh (mà ông đã gặp phải) và liên tưởng đến ngày trở về làng xưa với những đổi thay ngoài sức tưởng tượng! “Đến khi tới nơi làng xưa đã tiêu tan mất, nơi đó bây giờ mọc lên hàng trăm, hàng ngàn building cao nghệu, những con đường tráng nhựa bóng loáng thênh thang, xe pháo qua lại rộn ràng, tấp nập". Đoản văn được viết năm 1968 khi vùng quê miền Bắc còn rất nghèo khổ và sau này bị bom đạn tàn phá nặng nề nữa…!

oOo

Là một sĩ quan Tham mưu Tình báo, ông không phải di chuyển đến nhiều đơn vị như thế, tính ra ông đã phục vụ cả ba vùng chiến thuật, từ Vùng 2 vô Vùng 3 rồi ra Vùng 1! Gia đình bên vợ có một số sĩ quan cao cấp làm việc tại Tổng Tham mưu, có thể xin cho ông thuyên chuyển về Saigon, nhưng với bản tính cương trực, không muốn quỵ lụy nhờ vả, nên ông không bao giờ mở lời với ai cả, bởi vậy mọi người rất ngạc nhiên khi biết lúc ở Quảng Trị, ông đã nhờ nhà văn Lê Huy Linh Vũ chuyển thư đến nhà văn Đặng văn Huân để nhờ can thiệp về Cục Tâm lý chiến, Tổng Cục Chiến tranh Chính trị! Có lẽ lúc trực tiếp đối diện với bom đạn ngoài chiến trường thấy cuộc sống mong manh quá hoặc linh cảm có điều gì sắp xảy ra, nên đã quyết định như vậy chăng?

Bên cạnh đó mục đích chính của ông là để có thì giờ viết ra những câu chuyện, những hoàn cảnh ông đã trải nghiệm hoặc ấp ủ từ lâu, đồng thời ở Saigon sẽ có điều kiện thuận lợi cho in ấn những tác phẩm của mình; phần khác, quan trọng hơn cả là có thì giờ chăm sóc và dạy dỗ các con của mình mà từ lâu ít có dịp gần gũi, duy nhất chỉ có mấy năm ở Quy Nhơn! Chính thời gian này đã gieo ấn tượng sâu sắc trong lòng những đứa con bé nhỏ của ông để bây giờ nhớ lại những kỷ niệm hiếm quý ấy, từ đó nhìn rộng ra và liên tưởng đến những vấn đề khác chung quanh cuộc đời của Bố mình. Có duyên lành được tá túc ở tu viện Nguyên Thiều, trong không gian tĩnh lặng, bình yên, với lòng từ bi của Thầy Trụ trì, một cách gián tiếp các con ông đã được gieo cấy những hạt giống lành, sau này lan tỏa trong tâm thức để có cung cách hành thiện với đời!

Trong những đêm rằm, mười sáu, quây quần giữa sân chùa chơi đùa, Bố chỉ lên mặt trăng, hỏi các con có thấy Chú Cuội đang ngồi dưới gốc cây đa?! Trong một dịp Trung thu ở tu viện Nguyên Thiều, ông đã bỏ nhiều thời gian để làm chiếc đèn kéo quân bằng tre và giấy màu rất đẹp, lúc gần xong, một người bạn đến trầm trồ khen, thế là ông biếu luôn, làm các con của ông tiếc ngẩn ngơ!

Cô gái đầu Thúy Khanh thỉnh thoảng được Bố dẫn lên chiêm bái tôn tượng Đức Phật trên ngọn đồi thấp cạnh chùa, không có bất cứ ý niệm gì về Đạo Phật, nhưng được đứng cạnh Bố, nhìn Đức Phật với nụ cười hiền hòa, an lạc, cô cảm thấy rất hạnh phúc! Đó như là một chủng tử được gieo cấy vào tâm thức để sau này có điều kiện tiếp xúc với thông tin về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, những cảnh quan miền Bắc hoặc tình cờ nghe được pháp thoại của Quý Sư, cô cảm thấy gắn bó và gần gũi như có mình trong đó, đồng thời liên tưởng đến thời gian ông bà và Bố mình đã sống và sinh hoạt với những bối cảnh của môi trường và những ràng buộc, nên mặc dầu là người ngoại đạo, cô bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo, ở đó một thời những người ruột thịt mình đã đặt hết niềm tin, tu tập và phụng thờ.

Đây không phải là điều bất ngờ bởi cô là sự tiếp nối của Tổ tiên huyết thống và Tổ tiên Tâm linh, hạt giống theo năm tháng giờ đủ duyên để nẩy mầm, nên được tiếp thu nhanh để hiểu rõ phần nào căn bản triết lý Đạo Phật về những chướng duyên và nghiệp lực đã xảy đến cho gia đình mà ngộ ra rằng, đó là điều tất yếu, lẽ vô thường của thế gian! Cũng có thể nghiệm ra một điều nữa bằng cuộc sống tâm linh lành mạnh được dẫn dắt bởi những điều thiên, lòng từ bi và quan hoài đến những người chung quanh của Tổ tiên, đặc biệt, Bố là một nhà văn, như là sứ giả của Thượng Đế được phái xuống trần gian với thiên chức nghe, nhìn, cảm nhận những gì ẩn sâu trong tâm thức con người, rồi diễn bày ra qua ngôn ngữ kết hợp với nhịp điệu cá biệt của mình để chia sẻ với mọi người...

 

Đại gia đình Đại úy Trần Doãn Dân

 

Tất cả tạo nên phước lớn để bây giờ các con được hưởng, gặp rất nhiều thuận lợi và may mắn trong cuộc sống, chưa nói đến những hiển linh đã trình bày! Chính cảm nhận đó giúp cô quán chiếu được rằng mình đã có sự hiện hữu của tổ tiên về những đức tính quý báu, đó là sự quyết đoán, biết nhận ra những điều phải trái theo nhận thức của mình, để có những quyết định đúng đắn mà không chịu áp lực nào. Bên cạnh đó, hào khí của người lính từ Bố cũng đã truyền vào huyết quản để có ý thức vững vàng, dứt khoát về quan điểm chính trị xứng đáng là Hậu duệ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những điều ấy khi hành xử trong đời thường có thể đã gặp những khó khăn, nhưng cô đã vượt qua vì đó là cách thể hiện mình. Lòng cô lúc nào cũng thiết tha khao khát được biết rõ hơn cuộc đời chinh chiến của Bố mà lúc sinh thời do sự vô tư của tuổi nhỏ, các con không quan tâm đến! Những bạn văn của Bố cũng chỉ liên hệ qua tác phẩm và một ít kỷ niệm…

 

Tạp chí Văn, cơ sở văn học mà ông thường xuyên cộng tác, để tưởng nhớ sự ra đi bất ngờ và đau thương của ông, nhân ngày giỗ đầu đã thực hiện một số báo đặc biệt để tưởng niệm: Số 13, phát hành ngày 17/4/1973 gồm bài viết của những nhà văn mà sinh thời có quan hệ thân tình với ông như: Võ Hồng, Nguyễn Xuân Hoàng, Định Nguyên, Du Tử Lê, Huy Uyên, Đinh Vũ, Nguyễn Quang Bằng, trong đó còn có bức thư nhà văn Doãn Dân gởi cho ông Nguyễn Xuân Hoàng từ Đà Nẵng đề ngày 3/3/1972, tuy nhiên cũng như một số báo tưởng niệm sau này, không có đến một tấm ảnh...mà phải dùng bức chân dung do họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi vẽ!

Trung tá Nguyễn văn Dưỡng, cấp chỉ huy trực tiếp cũng chỉ cung cấp vài thông tin trong một năm cùng phục vụ tại Phòng 2/SĐ22, rồi khi bài viết "Nhà văn Doãn Dân: Phận đời nghiệt ngã" được đọc trên Youtube, nhiều người nghe nhưng cũng không ai cung cấp thêm điều gì mới lạ cả! Trong lần nói chuyện đầu tiên vào ngày 7 tháng 11 năm 2020, cô Thúy Khanh muốn biết những gì đã xảy ra trong thời gian Bố mình có mặt ở thành Đinh Công Tráng.



Thực ra chúng tôi chỉ ở với nhau chưa đến một tuần lễ và có mấy lần nói chuyện về chiến cuộc, thân phận văn nghệ sĩ trong quân đội, chứ không nhắc gì về cuộc đời binh nghiệp!

Cô thắc mắc tại sao Bố không đợi di tản cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 BB vào ngày 1/5/1972 và ai là người đã đưa ông từ Saigon ra Đà Nẵng, rồi ra Quảng Trị? Và tại sao?

Vào dịp tình cờ, tôi thấy tên ông Đào Trường Phúc trong thông báo tang lễ nhà văn Hoàng Hải Thủy ở Washington DC, người mà ở bài viết Doãn Dân Cát Bụi, nhà văn Định Nguyên có nhắc dịp Tết năm 1972 đã cùng nhà văn Doãn Dân đến thăm gia đình ở Thị Nghè, rồi sau đó gặp nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tôi đã liên lạc được và qua điện thư, nhà văn Đào Trường Phúc cho biết vào 1960-1969, ông rất thân với gia đình ông Doãn Dân, tôi hớn hở cứ nghĩ là mình sắp gặp một nhân chứng sống, sẽ cung cấp thêm tin tức mà trong quá trình tìm kiếm đang bỏ ngỏ.

Ngày 18/12/2020, khi trực tiếp nói chuyện với ông Đào Trường Phúc, tôi hỏi về thời gian từ khi ra trường Thủ Đức đến khi phục vụ Phòng 2, Sư đoàn 22 và hai năm về Saigon (1970-1972), nhà văn Doãn Dân ở đơn vị nào thì ông không biết hoặc không nhớ!

Đầu tháng 12/2020, cô Thúy Khanh chia sẻ 3 tuần nữa sẽ về Virginia để mừng Giáng sinh với gia đình, tôi có gợi ý nhờ kiếm thêm một số tư liệu và sắp xếp để được nói chuyện với Mẹ cô. Thúy Khanh trả lời là có nhiều công việc phải làm, chẳng biết có thực hiện được yêu cầu của tôi không, gặp Mẹ thì có thể, nhưng phải sau lễ... Ngày thứ bảy 26/12/2020, tôi nhận được tin nhắn là chiều chủ nhật 27/12 sau 2 giờ chiều, nhưng đến 4 giờ mới nghe điện thoại reo:

- Alo, xin chào chị. Chị có nghe rõ không?

- Tôi nghe được ông ạ.

Bà Vũ Thúy Mão đang nói chuyện với tác giả

 

- Dạ, tôi là người đã gặp Chị vào đầu tháng 5/1972, lúc đó tôi ở Quảng Trị vào, sau một tuần đến Phòng 2/Bộ Tư lệnh/ Quân đoàn I, tình cờ thấy Chị từ trong một văn phòng bước ra, vừa đi vừa khóc, trên tay ôm một túi xách, mấy người bạn giải thích đó là vợ Đại úy Trần Doãn Dân, hình ảnh ấy cứ đeo bám tôi hoài để vừa rồi tôi viết bài "Nhà văn Doãn Dân: Phận đời nghiệt ngã"

- Vậy à ông, quý hóa quá! Tôi cám ơn ông nhiều

- Tôi rất vui và bất ngờ khi các cháu đã nghe được bài viết và tìm cách liên lạc với tôi để hôm nay có cuộc tiếp xúc này

- Vâng, mầu nhiệm quá, ông à!

- Thưa Chị, Chị còn nhớ những gì trong dịp Tết năm 1972, trước khi ông ra Đà Nẵng không, lúc đó ông ở đơn vị nào?

- Xin lỗi ông, tôi không nhớ gì cả!

- Thưa Chị, thật quá bất ngờ để có ngày hôm nay được nói chuyện với Chị, mặc dầu không nhớ gì nhiều, nhưng được nghe tiếng nói biết Chị còn khỏe và sống chan hòa bên con cháu là thực sự tôi rất vui. Tôi nghĩ sự việc này không phải tự nhiên mà chắc là có sự dẫn dắt của Ông vì Ông rất hiển linh!

- Tôi cũng nghĩ vậy, quả thật là có duyên lành đó ông. Tôi cám ơn ông đã có bài viết về nhà tôi và đã gọi hôm nay. Trong mùa Giáng Sinh và năm mới 2021, thân chúc ông và các cháu dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn.

- Tôi cũng xin thành thật cám ơn Chị. Kính chúc Chị cùng đại gia đình năm mới vui khỏe, gặp nhiều thuận lợi và bình an trong cuộc sống….!

oOo

Khởi đi từ một sự kiện chỉ xảy ra trong thoáng chốc, theo thời gian với bao biến động xảy đến tưởng đã đi vào quên lãng! Tuy nhiên hình ảnh hiếm hoi được giữ lại trong tàng thức, như phiến than hồng nằm yên dưới lớp tro tàn, rồi lúc này, lúc khác, đâu đó, một vài chi tiết rải rác xuất hiện như làn gió nhẹ thổi vào cho đốm lửa sáng lên, soi rọi mọi chuyện.

Một hành trình suýt soát năm mười năm, vẫn còn vài khoảng trống nhưng trên đời này có gì tuyệt đối đâu! Vòng tròn đã được khép kín, quả thật trong mơ tôi cũng không hình dung ra có ngày được tiếp xúc với gia đình ông để hiểu rõ mọi tình tự diễn biến chung quanh những người ruột thịt và nhất là một phần đằng sau cuộc sống đời thường của một Nhà Văn, một Sĩ quan Quân báo, đặc biệt là được nói chuyện với Chị, mặc dầu không còn nhớ gì nhiều, nhưng sau lời trình bày của tôi, Chị đã nhận ra và qua âm hưởng của giọng nói, tôi cảm nhận được sự xúc động của Chị.

Sự nghiệt ngã trong phận đời của một nhà văn, một người lính có thể được chi phối bởi nghiệp lực, xem đó như Định Mệnh đã an bài bởi số Tử vi mà ngay từ đầu đời thân phụ ông đã nhận diện được!

Thân Tứ Đại của ông đã trở về hòa tan với cát bụi nhưng những gì ông tạo ra, để lại vẫn còn đó, được truyền thừa qua từng người con và trong lòng độc giả - những gởi gắm qua từng nhân vật, hoàn cảnh và thân phận như một thông điệp cho người đời chiêm nghiệm và rút tỉa hầu có những hành xử đúng đắn và có cộng đồng trách nhiệm với xã hội mà họ đang có vinh dự sống và cộng hưởng, mặc dầu như nhà văn Đào Trường Phúc chia sẻ:" Lúc nào nghĩ đến anh Doãn Dân, chúng ta đều có cảm giác cay đắng trộn lẫn ngậm ngùi!"

Tôi thực sự may mắn, vốn không có bất cứ quan hệ gì với ông từ trước, mà chỉ sống với ông mấy hôm tại chiến trường bão lửa Quảng Trị trong Thành Cổ vào cuối tháng 4 năm 1972 và sau đó thoáng thấy Chị đầu tháng 5 năm 1972 tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn I. Chính từ các gặp gỡ ấy, rồi những bất ngờ xảy ra lúc này, lúc khác, tạo sự kết nối để được biết rất nhiều về ông, xâu chuỗi cuộc đời ông cuối cùng được kết lại cho mọi người có được cái nhìn cụ thể hơn về Nhà Văn Doãn Dân!

Xin chân thành cám ơn tất cả, đặc biệt là cô Trần Doãn Thúy Khanh, đã rất nhiệt tình cung cấp tư liệu và hình ảnh để bài viết này được hoàn chỉnh.

 

LÊ VĂN TRẠCH

Phòng 2/SĐ3BB

(Viết xong ngày 10 Tháng 1, 2021)

 

 NHÀ VĂN DOÃN DÂN: PHẬN ĐỜI NGHIỆT NGÃ

 https://trachcamlo.blogspot.com/2020/04/nha-van-doan-dan-phan-oi-nghiet-nga.html

 

0O0