February 19, 2013

NÉT XUÂN PHỔ ĐÀ

                                                                                                                            
Sự có mặt của ngôi chùa Việt Nam tại hải ngoại ngoài chức năng làm nơi nương tựa tâm linh, hoằng dương và bảo vệ chánh pháp của hàng Phật tử, còn là một trung tâm gìn giữ và truyền thừa văn hóa dân tộc.
Tết Nguyên Đán là một lễ hội quan trọng bậc nhất trong năm, thời điểm mà tất cả các nghi lễ và phong tục tập quán truyền thống được thể hiện để mọi người có cơ hội biểu lộ lòng thành của mình, đồng thời có cảm giác như được sống chan hòa với tổ tiên huyết thống.  
Thấu hiểu ý nghĩa sâu xa và tầm mức quan trọng đó, chùa Phổ Đà thành phố Memphis tiểu bang Tennessee.đã tổ chức đón Tết mừng Xuân, trong sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa Đạo pháp và văn hóa dân tộc trên căn bản Pháp Tứ Trọng Ân và Đạo Lý Ân Nghĩa.
Một năm sinh hoạt và tu học được khép lại bằng những sự kiện nổi trội tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng người - cột mốc quan trọng qua 15 năm xây dựng và phát triển. Sự thành công đó ngoài nổ lực của Chư Tăng Ni và Phật Tử, còn là sự độ trì của Già Lam thánh chúng, sự hổ trợ của vong linh khuất mặt, cùng sự phò hộ của Đất Trời. Chùa đã thiết lễ Tất Niên bái tạ tất cả, kết hợp với lễ tiễn Chư Thiên và thí thực cô hồn.
Buổi lễ diễn ra trong không khi thật trang nghiêm và cảm động. Chư Tăng Ni Phật tử cùng nhất tâm đảnh lễ bày tỏ lòng tri ân -  qua một năm bình yên với sự tu tập tinh chuyên có nhiều chuyển biến khích lệ.
Lễ tiễn Chư Thiên mà dân gian gọi là Đưa Ông Táo về Trời là một phong tục tốt đẹp có từ ngàn xưa... Hai mươi ba tháng Chạp các vị này về Thiên đình tường trình mọi sự việc trong năm và sẽ trở lại để tiếp tục công việc sau một tuần lễ.
Lễ đón Chư Thiên được diễn ra vào chiều 30 kết hợp với Sám Hối để rủ bỏ mọi tội lỗi, đồng thời cho tâm được thanh tịnh chuẩn bị đón chào năm mới.
Sau đó, chùa duy trì truyền thống tốt đẹp hằng năm bằng một tiệc trà thân mật để mọi người bày tỏ hết những tâm tình sâu lắng còn đọng lại sau một năm tu học... Những ưu tư, những băn khoăn về phương thức sinh hoạt, những bức xúc trong giao tiếp, quan hệ, cùng những gắn bó thân thương đã được trình bày một cách thực lòng, cởi mở.... qua những nụ cười, những giọt nước mắt xúc động, cái ôm cảm thông...                                        
                                                                                 

Mọi người đều phấn chấn trong Đêm Trừ Tịch này, có diễm phúc ngồi bên nhau để được nghe và chia xẻ trong ấm cúng Đạo Tình... Những việc tưởng đơn giản, nhưng không phải ai và ở đâu cũng có được...
Buổi tiệc trà được tiếp tục bằng tiết mục vui tươi ca hát rồi trở lại Chánh điện làm lễ đón Giao Thừa. Ba hồi chuông trống Bát Nhã khởi lên đánh dấu thời điểm linh thiêng nhất, khoảnh khắc giao mùa để chuyển qua một năm dài trước mặt. Những người hiện diện vinh dự được hái lộc đầu tiên, cùng trao cho nhau những lời chúc tụng.
Sáng Mồng Một trời xối mưa tầm tả nhưng không ngăn được dòng người tấp nập về chùa. Có những người ở thật xa, có những người lần đầu tiên đến, từ cháu bé mấy tháng tuổi đến bà cụ trên 80, tất cả với khuôn mặt rạng rỡ trong trang phục nhiều sắc màu tạo nên không khí tưng bừng cho ngày hội...Chánh điện như hẹp lại bởi Phật tử ngồi san sát...
Sau nghi lễ Vía Đức Di Lặc, Thầy trụ trì thay mặt Chư Tăng Ni ban lời chúc Xuân với niềm mong ước mọi người luôn giữ Tâm được nhẹ nhàng, Thân được bình an, hàng tuần về chùa nuôi dưỡng chăm sóc hạt giống Bồ Đề ngày càng phát triển vững chắc.
                             
                              
Nét Xuân thực sự thể hiện khi mọi người tay bắt mặt mừng với nhau, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất, hình như ai nấy đều quên đi những rối rắm đời thường, đang tận hưởng những phút giây an lạc. Có lẽ điều hưng phấn nhất là được hái lộc từ cội mai vàng đặt trong Chánh điện.

                                                              
Lộc Xuân là những câu kinh- lời kệ nhắc nhở mỗi người nuôi lớn lòng Từ bi Trí tuệ sáng suốt vững chải để sớm đạt được tâm nguyện thuở ban đầu, khởi tâm đến với Chánh pháp.


Hình ảnh tạo sự chú ý và gây xúc động nhất là các cháu nhỏ với áo dài truyền thống tung tăng, nhón chân hái lộc hoặc nhận bao lì xì. Sự kiện đơn giản này mang tính giáo dục cao và để lại trong lòng các cháu dấu ấn tốt đẹp về truyền thống dân tộc để sau này khi lớn lên chính các  em nhỏ này sẽ là những người tiếp tục giữ vững nét văn hóa Việt Nam nơi xứ người.


Bên cạnh những vui chơi cho giới trẻ là bàn xin xăm trước bệ thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
     

Mỗi một người có nhu cầu cung kính quỳ xuống thành tâm cầu nguyện để có được quẻ xâm tốt, giúp họ củng cố niềm tin hoặc có phương cách bảo hộ để cá nhân và gia đình an tâm trong cuộc sống.


Ngôi chùa trong dịp Tết có một cảnh quan thật trong lành và thanh tịnh, đến đây chúng ta tận hưởng mọi hương hoa của Đạo và Đời. Thầy Trụ Trì , Quý Sư Cô và Đại chúng đều chan hòa với nhau trong đậm nét tình yêu thương, chia xẻ và dung nạp năng lượng để chế tác hạnh phúc tạo sự an nhiên cho cả năm dài lăn lộn với cuộc sống cũng là dịp nhận lấy mang về hạt giống an lạc để ươm trồng, tưới tẩm cho dù bốn mùa thay đổi ta luôn luôn có niềm hy vọng và nét Xuân trong lòng...
"Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai "
(Thiền sư Mãn Giác)

                                                                                                                  Nguyên Thọ
                                                                                                             (Xuân Quý Tỵ 2013)