August 3, 2011

TRĂN TRỞ

Lúc về Việt Nam cũng như khi trở lại, tôi đều được nghe một câu hỏi: Anh thấy quê hương thay đổi nhiều lắm phải không? Câu hỏi thật đơn giản nhưng khó có một trả lời thống nhất. Không ai từ vị trí chủ quan hạn hẹp, đạt được cái nhìn toàn diện dưới mắt cũng như trong tâm của mình, đôi khi từ vị trí khác nhau này sinh những ý kiến mâu thuẫn.

Tôi trở lại sau 4 năm, thoạt nhìn bên ngoài có rất nhiều khác lạ nhất là trong vấn đề qui hoạch xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông: một số đường nông thôn đã được bê tông hoá, đường xuyên Á, đường Hồ chí Minh đang hình thành, địa phương lại làm thêm đường ngang, đường dọc để bán đất: đất đang là đề tài nóng bỏng, vài gia đình nông dân tự nhiên có một số tiền mà từ xưa tới nay chưa hề nghĩ tới do bồi thường hoặc bán: một nền nhà ở Đông Hà bề ngang 8 mét giá từ 1 đến 2 tỷ VN, dọc theo QL 9 lên đến Tân Lâm là 200 triệu: nhà nước khôn ra: đất không cấp, bán như trước mà đem đấu giá: một lô nhỏ đểlàm ki ốt trong chợ thị trấn giá ban đầu 70 triệu nhưng có người đấu lên đến 155 triệu. Nhà cửa được xây dựng nhiều, to, cao hơn, từ trung tâm thị xã Đông Hà, toả ra 3 phía: Bắc Nam QL 1 và QL 9. Phát triển mạnh nhất là hệ thống khách sạn, ngày xưa chỉ 1 Đông Trường Sơn bây giờ đến mấy chục ... theo giới sành điệu ăn chơi thì một phần thu nhập của những khách sạn này là cho thuê giờ, thuê buổi (Tôi tò mò đọc bản nội quy của một khách sạn ở Huế có một mục ghi: khách sạn không chịu trách nhiệm mọisự mất  mát của quí khách trong thời gian lưu tại đây), trên đường xe máy tấp nập, hình như nhà nào cũng có, kéo theo nhiều tai nạn giao thông thảm khốc ... Nhiều nhà hàng, quán nhậu hải sản, thịt rừng, gà chỉ, bia ôm, cafe ôm, karaoke ôm, mọc lên . Người ta có cảm nghĩ đây là khu vực mọi người có thu nhập cao mới có những nhu cầu sinh hoạt như thế!

Tôi trở về xóm cũ, đoạn đường lầy lội ngày xưa đã được đúc bê tông khô ráo, những khu vườn, căn nhà không có gì thay đổi, những người già khô quắt, bệnh tật, kham khổ bên những công việc chẳng có thu nhập là bao. Ông bác họ trên 80 tuổi vẫn hàng ngày còng lưng đan rổ đem ra chợ bán. Số trẻ cùng lứa với các con tôi đã vào Saigon, Thủ Đức hay qua tận Malaysia làm thuê. (Tôi nhớ cách đây 5 năm, trong bài phỏng vấn, một trí thức trẻ sau khi về VN tiếp xúc với sinh viên, học sinh đã có nhận xét: Mọi người đang đổ xô nhau học ngoại ngữ và vi tính hầu có một mớ kiến thức để chuẩn bị đi làm thuê. 

Mới đây trong một báo cáo của Bộ Lao Động Hà Nội cũng có nêu thành tích trong việc ký thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu lao động qua Malaysia, Nam Hàn, Nhật ... trên chuyến bay Saigon-Huế, một hành khách người Bắc cầm đọc tờ báo Công An bàn về chuyện lấy chồng Đài Loan đã hóm hỉnh nói với tôi: đây là một kỹnghệ xuất khẩu vốn tự có). Số thanh niên còn lại nhờ đà phát triển xây dựng đều tập trung làm thợ nề hoặc đúc táp lô, trung bình một ngày công từ 30 đến 35 ngàn. Tuy thế, nếp sống ở quê đã quen vất vả, chịu đựng, dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh. Khi đời sống kinh tế đã tạm ổn định, người ta nghĩ đến việctôn tạo nơi thờ phụng tổ tiên: các nhà thờ Họ đều được xây dựng khang trang hơn, đình miếu cũng được sửa sang và hàng năm hương khói tế lễ đàng hoàng. Các nhân sĩ trong làng đang cố gắng tìm về cộinguồn, viết lịch sử để lưu lại cho đời sau. Quan hệ tình cảm với bè bạn cũng được nâng lên một bước, số trung niên thành lập quỹ tương trợ để giúp đỡ nhau lúc hữu sự, số trẻ hơn hàng năm tổ chức họp lớp để ôn lại những kỷ niệm tuổi học trò. Tuy nhiên sự phát triển nhu cầu sinh hoạt bên ngoài quá nhanh, người dân không theo kịp, đó là nỗi khổ tâm đang dày vò mọi người nhất là trong các dịp cưới hỏi tiệc tùng. Việc học hành được quan tâm đúng mức, ai cũng ước ao con mình đậu vào đại học (theo một số người thì vấn đề thi cử lúc này tương đối công bằng, có tiền hoặc chức quyền cũng không thể chạy được.

Một bác sĩ ở bệnh viện tỉnh cho biết, con của Giám đốc Sở Y tế chỉ thiếu nửa điểm mà bị rớt). Rất nhiều trường hợp con em của các gia đình nghèo khó được vào đại học nhưng chi phí ăn học là một gánh nặng nan giải: những bà mẹ hàng ngày gom góp từng đồng tiền bán được qua những chiếc bánh sắn, lá gai, những người cha còng lưng đúc táp lô, đi xe thồ khó khăn lắm một năm mới dành dụm đôi ba triệu cho con. Những vấn đề gay gắt hơn là sau khi ra trường, lúc này chỉ có tiền bạc và quyền thế mới quyết định!

Tôi có dịp nhiều lần vào bệnh viện tỉnh. Số lượng bệnh nhân qua nhiều, 2 người nằm một giường là chuyện phổ biến, điều kiện vệ sinh không được tốt lắm, phương tiện điều trị quá thô sơ, ngay cả trong phòng cấp cứu. Thuốc men cho bệnh nhân cũng có sự phân biệt âm thầm nào đó, những người nghèo, cơ sở bảo hiểm theo một tiêu chuẩn thấp hơn, trước các ca mỗ đều có giá và nếu không có đủ tiền...tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp rất thương tâm! Mỗi buổi sáng thứ bảy có một tổ chức từ thiện nào đó vào phát cháo cho bệnh nhân, người nhà sắp hàng dài để nhận.

Tôi cũng đã vào thăm trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật ở Phường 3, thị xã Đông Hà. Được biết trên toàn tỉnh hiện có 5.700 trường hợp, nhưng mới chỉ 131 em được thâu nhận, lúc tôi đến một số tương đối mạnh khoẻ (phần nhiều là câm, điếc ...) nhập trường, nhìn các em quây quần bên mâm cơm đạm bạc chỉ có rau và tàu hủ, thật quá tội nghiệp. Bên cạnh đó hàng ngày trong các quán nhậu vẫn đông đảo khách với chi phí đôi ba triệu một lần là chuyện thường. Có đứa em họ là giám đốc một công ty tư doanh tâm sự: nỗi khổ tâm nhất của em lúc này là phải tiếp khách để nhậu, sợ đến một lúc nào đó mang bệnh mà chết, thành ra em phải phân công thêm cho phó giám đốc và kế toán trưởng. 

Tôi cũng có dịp ngồi uống với một số bạn bè Nguyễn Hoàng, sứa lên cũng ngâm thơ, hát nhạc tiền chiến và phát biểu trên trời dưới đất.. nhưng khi đem chuyện này kể với một người bạn học khác thì được ra dấu im với một lời nói thầm“tai vách mạch rừng”, một người bạn hóm hỉnh: sự thành công của doanh nghiệp được lượng giá trên số hóa đơn thanh toán ở ... quán nhậu . Nhìn chung vấn đề thủ tục tương đối cởi mở, người ta ít gây khó khăn hoặc vòi vĩnh, tuy nhiên trong cách tiếp xúc vẫn còn sự dè dặt nhất là những người có chức quyền, không ai dám đụng chạm đến những khu vực tế nhị, bởi vì vấn đề lý lịch vẫn còn nặng nề lắm... Chưa thấy có hướng phát triển cụ thể nào để đem đến một nền kinh tế ổn định tại địa phương, mọi chuyện đều là tự phát, người dân mò mẫm lấy với rất nhiều phiền toái ở đàng sau . Vấn đề phúc lợi xã hội cũng chưa được quan tâm, phần nhiều do tài trợ từ bên ngoài mà bà con Quảng Trị ở Mỹ đã góp phần không nhỏ:Hội đồng hương ở Colorado đã có những chương trình giúp thương phế binh, quả phụ và đang tiến hành việc mỗ cườm, Philadelphia tài trợ cho người mù ở Đông Hà và Triệu Phong các máy làm tăm, Washington DC đã có bữa cơm tình thương giúp bà con khó khăn, bệnh tật. Đặc biệt là Hội Đồng HươngQuảng Trị Nam Cali xem việc giúp đỡ những đối tượng xã hội ở quê nhà là một mục tiêu chính của sinh hoạt hàng năm, rất nhiều trường hợp thương phế binh, quả phụ, những người bị bệnh hiểm nghèo khôngcó tiền đi bệnh viện, những người nghèo khó, tàn tật đều đã nhận được trợ giúp, quý hơn nữa là cấp học bổng cho các trường cấp 3 trên toàn tỉnh, chưa kể đến một vài cá nhân như anh Nguyễn Khắc Giỏ, Lê Trọng Lộc, ca sĩ Phương Dung, cô Lyna Nguyễn đã có những hổ trợ rất thực tế, nhân đây cũng xin nêu một ý mà tôi đã có suy nghĩ từ lâu và định bàn bạc với quý Anh Chị Nguyễn Hoàng về việc cấp học bổng cho Trường cũ mà một số nhóm hoặc cá nhân đã từng làm đối với trường cấp ba Triệu Hải: Tên trường Nguyễn Hoàng đã không còn, ngay vị trí trường cũ bây giờ là một khu tập thể của cán bộ, còn trường mới được dời xuống cho MACV, Ty Khí tượng, trường Triệu Hải cũng không còn mang tính chất trường tỉnh như Nguyễn Hoàng mà bây giờ các quận đều có trường cấp ba riêng, ở đó con cháu của bạn bè chúng ta ngày xưa đang theo học, do đó nếu có điều kiện giúp đỡ nên quan tâm đến các trường ở xa như Nam Cali đang làm. 

Việc trợ giúp này cũng đang gây tranh cãi trong cộng đồng người Việt hải ngoại kể cả bà con Quảng Trị chúng ta . Một số người xem đó là việc của nhà nước, đợi khi nào Cộng Sản ở Việt Nam sụp đổ ta mới thực hiện, không nên tiếp tay, làm đẹp mặt chế độ. Cách đây mấy năm báo Ngày Nay ở Houston có đăng trường hợp cô Hoàng Lan ở Florida sau khi tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ về Việt Nam làm công tác từ thiện đã trả lời phê phán đó như sau: Quý vị trong cuộc sống dư thừa tiện nghi ở đây có thể đợi, nhưng những đồng bào thượng bị cùi ở Tây Nguyên, các trẻ em khuyết tật, nghèo đói, thất học, những bà mẹ sinh con thiếu sữa không thể đợi! Đầu tháng 9 trở lại Mỹ, tôi nhận được cuốn video tape của một người bạn trẻ vừa về làm công tác từ thiện ở VN gởi tặng có tựa đề: “Từ Nam ra Bắc, Nỗi Niềm Quê Hương Tôi”. Cuốn băng ghi lại các hoạt động của nhóm này trong việcgiúp xây các trường học, làm cầu ở miền Đông và Tây Nam bộ, phục vụ bữa ăn cho bệnh nhân ở Bệnh viện Bài Lao Saigon, bệnh viện tâm thần ở Thủ Đức, Phước Tường Đà Nẵng. Đặc biệt là buổi cấp phátxe lăn cho các cháu nạn nhân chất độc màu da cam ở Quảng Trị, thăm và tặng quà một bản thượng ở Lao Bảo ... Chị là vợ của một bác sĩ đang phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ, người có mặt trên chiến hạm vừa ghé Đà Nẵng hồi cuối tháng 7 vừa qua . Lúc còn ở cùng thành phố với tôi, Anh Chị này với sự trợ giúp của Hội Văn Hóa Khoa Học Houston tổ chức đêm Thơ Nhạc gây quỹ giúp trẻ em mù ở VN, liền bị gán cho là Cộng sản. Một vị trong nhóm chống đối đã nói với tôi: tôi vừa nhận được một cú điện thoại cho biết chị này là cán bộ tuyên vận. Những người quá khích này tìm mọi cách để cô lập, bôi nhọ ngay cả trong ngôi chùa anh chị sinh hoạt.

Thỉnh thoảng chuyện trò với bạn bè tôi thường ví von: đã trên 30 năm rồi nhưng chúng ta chắc ai cũng nhớ bài học địa hình căn bản ở quân trường: Anh phải luôn luôn xác định được Điểm Đứng trên bản đồ. Việc đầu tiên là nó sẽ cứu anh vì như thế anh mới xác định được vị trí của đối phương để khi hữu sự cóthể nhờ đơn vị bạn hoặc hoả lực yểm trợ, việc này cũng có thể áp dụng trong cuộc sống đời thường: hiện tại chúng ta đang đứng trên nhiều điểm khác nhau: trước hết là vị trí của người Việt tha hương, cựu tù Cộng sản, hàng ngày khi ở nhà là chủ gia đình, khi vào hãng xưởng là công nhân, ra đường là một công dân, vào chùa, nhà thờ là Phật tử, Con Chiên ... nếu lầm lẫn vị trí ta sẽ mang tai họa. Nhưng còn có một điểm nằm ngoài, nằm trên tất cả, không bị ràng buộc, hệ luỵ bởi những cái kia đó là vị trí con người đầy đủ nhân tính với cả tấm lòng độ lượng. Shakespear nói rằng: chỉ có súc vật mới quay lưng với đồng loại để làm đẹp bộ lông của mình, trước những kẻ khổ đau cần cứu rỗi, Chúa hay Phật cũng không tra hỏi lý lịch! Việc trợ giúp bà con ở quê nhà là một vấn đề tế nhị, một cách chia sẻ nỗi đớn đau, khổ cực nhiều người đang gánh chịu tuỳ theo quan niệm và hoàn cảnh của từng cá nhân, không nên nặng nề với nhau lắm. Chẳng có ai ưa thích gì chế độ đã từng giày xéo nhân phẩm và thể xác chúng ta, nhưng tôi cảm thấy nao lòng khi nhớ lại hình ảnh các cháu tật nguyền bên thau canh chẳng có chất bổ dưỡng dưới ngôi trường do nhà nước quản lý

Mở đầu Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: “Việc trị nước cốt để An Dân” đó là sách lược, là châm ngôn, kim chỉ nam... cho tất cả mọi cơ cấu điều hành đất nước dù ở bất cứ thời đại nào, bởi vì Dânkhông An sẽ nảy sinh nhiều phức tạp, ảnh hưởng đến cơ cấu lãnh đạo. Thực ra đồng bào quần chúng chỉ cầu mong một cuộc sống giản dị đầy đủ cơm ăn áo mặc, con cái được học hành, có công ăn việc làm để phục vụ lại gia đình, xã hội với những phúc lợi tối thiểu, chứ họ chẳng cần những xa hoa phù phiếm bên ngoài đôi khi làm băng hoại đến cả nét văn hóa tốt đẹp đã được gìn giữ nhiều đời. Tôi thường tâm sự với bằng hữu, đến thăm bà con ở quê, chủ yếu nhìn vào “thùng gạo” của họ, buồn thay cho đến giờ phút này vẫn chưa đầy lắm và đang là nỗi lo canh cánh bên lòng, thường nhật. Sự phát triển, thay đổi là điều cần thiết, đánh dấu mức đi lên của xã hội, nhưng làm sao được đồng bộ, hài hòa, tạo sự cân bằng cả “tâm lẫn tướng” đôi khi Tâm được An rồi thì Tướng sẽ tốt đẹp. Đó là việc khó thực hiện nhưng nó đánh giá tài năng và sự tồn tại của những người đang trị nước.

 

.