September 5, 2011

MẤY NGƯỜI BẠN CŨ

                                                                                              
Hình như mọi bà mẹ quê Quảng Trị đều có chung một điều mong ước là làm sao con mình được vào học Trường Nguyễn Hoàng: vừa đỡ tốn một khoản học phí, vừa đánh giá sức học sau khi đạt số điểm qua một kỳ thi tuyển và cảm thấy có niềm hãnh diện vô hình nào đó. Điều này tôi đã làm Mẹ tôi thất vọng mặc dầu trước đó mấy hôm Bà chuẩn bị rất kỹ: mua một con gà đúng giò nhốt sẵn cho sạch chân để cúng "trửa trời", không cho tôi ăn trứng sợ bị điểm không ... sau hôm cúng ông bác tôi coi giò bảo rất tốt:"sởn sơ không một vết bầm, nội phò, ngoại giang, huyết đáo thượng trần, mọi chuyện sẽ thông suốt tốt đẹp", nhưng không hiểu sao tôi bị rớt trong kỳ thi vào Đệ Thất năm đó . Mẹ tôi âm thầm thở dài với lời tự thán an ủi " học tài thi phận ". Tôi phải vào trường Thánh Tâm một năm và năm sau trở lại quê vì lúc này ở quận bắt đầu mở trường Bán Công với hai lớp Đệ Thất và Đệ Lục.
Những năm ở Trung học, tôi cứ nghĩ là sau này mình sẽ đi ban Toán vì đây là môn tôi rất thích và thường có điểm số cao nhất: nhớ năm Đệ Lục, thầy Lê văn Quang cứ vào đầu giờ đều cho làm toán chạy với phần thưởng 3,2,1 kẹo Nougat cho 3 người nhanh nhất, lúc nào tôi cũng được 3 cái, rồi những năm sau tháng nào tôi cũng được thầy Lê văn Ni tặng cho những cuốn sách tự chọn vì tôi đã làm được hầu hết các bài toán Lý hóa trong sách của thầy Đặng Sĩ Hỹ .. Thế mà khi vào Đệ Tam Nguyễn Hoàng, tôi không được đi ban B như trong đơn thỉnh nguyện, mà phải vào ban C . Sau một thời gian ngắn, tôi mới biết là lúc này trường bắt đầu mở ban Văn chương Sinh ngữ nhưng số học sinh ghi danh quá ít, quý thầy phải giở học bạ ra rà xét tìm những người tạm có khả năng đưa vào cho đủ sĩ số ... trong học bạ của tôi, sau môn Toán, Sinh ngữ chỉ ở mực trung bình , nhưng môn Việt văn trội hơn một chút, lại quý thầy thương tình dễ dãi trong việc cho điểm: Có lần thầy Lê Hữu Thăng khi ra đề luận văn " tâm sự Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích " đã cho tôi số điểm tối đa, có lẽ đây là cái "Duyên" thầy đã gieo để gần 40 năm sau liên lạc được với nhau trên đất Mỹ, tôi phải trả "nợ", lần này thầy cũng ra một đề luận văn, khó hơn với nội dung chi tiết gạch đầu dòng, tôi cố gắng viết trong nhiều cảm xúc khác nhau, không biết thầy " cho bao nhiêu điểm", nhưng đã chọn đăng trên Kỷ yếu Quảng Trị.
            Lớp C ban Pháp văn năm đó chỉ có 37 học sinh, gần một nửa đi vào với những bước chân bất đắc dĩ, sức học trung bình hoặc dưới, trong đó có tôi, bởi thế tôi phải học hai năm Đệ Nhị để được làm quen thêm nhiều bạn khác . Mặc dầu " văn dốt, vũ nát", tôi cũng có được cái vinh dự lịch sử là một trong những học sinh ban C đầu tiên của trường Nguyễn Hoàng.
            Nhập học niên khóa 1963 - 1964, tôi lạc lõng trong mặc cảm một học sinh trường quận với bản tính trầm lặng, nhút nhát, không có bạn thân, tuy thế hai tháng sau, xảy ra vụ đảo chánh 1 - 11 với những cuộc bãi khóa xuống đường liên tục do các anh Lê Đình Cai, Thái Tăng Phương ... dẫn đầu, tôi cảm thấy dạn dĩ và gần gũi với bạn học hơn, một trong những người thân nhất và để lại trong tôi nhiều dấu ấn đẹp đến sau này là Nguyễn Ngọc Hùng . Anh có nhiều biệt danh: Hùng Bắc, Hùng La Vang, Hùng Lì ... nổi tiếng về cái nghịch ngợm của mình, là biểu hiện đúng đắn nhất ở vị trí thứ 3 sau ma và quỉ ! Trong các môn học, chỉ giỏi về văn, còn lại là mù tịt, đam mê của Hùng là tán gái và làm thơ, trong cặp sách lúc nào cũng có sẵn một hai bài thơ và thư tình, gặp cô nào hợp nhãn sau vài câu mở đề là điền tên vào và nộp bài ngày ! Anh thường công khai hóa những mối tình học trò thầm lén cho cả lớp biết, có lần đọc đâu đó mấy câu thơ của anh Thiệu gởi cho chị Lan:
"Ngập ngừng tôi gọi Lan bằng chị
Ôi đẹp làm sao chuyện chúng mình "
Anh chẳng ngại ngùng phổ biến .. Cuộc tình nhen nhúm từ lớp học đã cột chặt hai người lại với nhau cho đến bây giờ . Hiện anh chị sống rất hạnh phúc với cả đàn con thành đạt ở Dallas ...  Những kỳ thi lục cá nguyệt, cứ mỗi câu hỏi về toán anh làm một bài thơ, thế mà cô Kim Sa vẫn cho anh điểm trung bình, mỗi thầy cô anh đều đặt thêm một biệt danh: thầy Sang dạy Sử Địa là " quả lắc Faucault " , cô Kim Sa là cô 36, thầy Châm dạy Anh văn là Nez Rouge, thầy Nguyễn Đăng Ngọc dạy văn là " Tâm Vô Cầu " .. giờ đầu Công dân, thầy Quý giới thiệu: Tôi, Thái Tăng Quý, cử nhân Luật khoa . Thế là lần sau, trước khi thầy vào đã thấy Hùng lấy phấn viết lên bảng:
" Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng”        
          Có lần anh ráp nối một bài thơ Đường rồi đem hỏi thầy Ngọc: bài thơ con đọc một lần rất thích và nhớ mãi trong một tuyển tập thơ của Đỗ Phủ, Lý Bạch và Bạch Cư Dị, nhưng không rõ cụ thể là của ai, thầy có nhớ chỉ dùm con với ... một lần khác, anh không làm theo đề luận văn của thầy mà theo một đề khác do mình tự đặt, đương nhiên thầy không chấm, trong phần lời phê của giáo sư, anh mạo chữ của thầy viết: Nhất Linh viết thua anh, Khái Hưng sống lại viết bằng anh là cùng .." rồi chuyển lên khoe với cách chị Ngọc Bích, Lệ Hằng, Nguyễn thị Thanh, Nguyễn thị Liễu ...
          Về Quảng Trị, lúc đầu tôi ăn cơm tháng ở Thạch Hãn, sau anh Ngô Xuân Lưu giới thiệu đến dạy kèm cho con bà dì ở Góc Bầu, phía sau lò rèn ông Lem, cạnh nhà anh Hàm, anh Thám có cô em tên Khiểm rất dễ thương . Một lần đứng chơi trước lò rèn, chung quanh có mấy bà mẹ trẻ, anh thản nhiên sửa lời của một bài thơ tiền chiến rồi ngâm:
 Ngày mai trong đám bồng con ấy
Có kẻ theo tôi bỏ cả chồng (!)
          Sau này gần lúc thi cử tôi dọn xuống ở nhà chị Bé người cùng quê phía sau chùa Tỉnh Hội, những ngày nghỉ Hùng thường rủ tôi đi chơi, lúc nào cũng có một nắm bạc cắc " cuỗm" của bà O bán tạp hóa (?!), nhờ chị Bé đổi ra tiền giấy rồi di đá Jeton ở quán ông Mười trước rạp Đại Chúng hoặc ăn bún bò ở đường Lý Thái Tổ, thỉnh thoảng có dẫn theo Phán, học Thánh Tâm, nghịch như Hùng vậy, địa bàn hoạt động của anh là trường Nữ Theresa, Phán cũng có năng khiếu về thơ văn, sau này làm Ban Báo Chí ở TTHL/Vũng Tàu . Những khi không có tiền chúng tôi mượn " súng cóng dù bắn đạn ria" của anh Trang, chồng chị Bé, đi bắn chim sẻ hoặc dạt ở cánh đồng Hạnh Hoa, những cuối tuần lên thăm nhà, Hùng thường theo tôi và chỉ mấy lần cũng đã quen được nhiều cô .. Hùng không bao giờ xem lại bài vở ở nhà, chúng tôi đều học hai năm Đệ Nhị, kỳ thi sau anh phải nhờ một người bạn đóng vai giám thị hành lang - cũng kiếng trắng, veston, giày cuire, cặp táp, mang bài luận Pháp văn vào đứng ngay trước mặt, đợi anh chép xong rồi đi ra, không hiểu sao quý Thầy coi phòng thi chẳng có ý kiến gì cả, có bằng TTI anh nhập ngũ ngay khóa 22/TĐ ... Sau này gặp một số bạn của Hùng kể chuyện: Hùng là cứu tinh cho bạn bè thân tình ở Trung đội, nếu lỡ bị mất nút ống hơi của súng Garant M1, chỉ cần cho Hùng biết 30 giây là có ngay; thường chơi kết bạn bốn phương với nhiều người, cuối tuần hẹn lên vườn Tiếp tân của trường, chọn cô nào đẹp, chịu chơi dẫn đi . Hùng nghịch, nhưng thông minh, vui tính, nên được quý thầy và bạn bè thương ...
           Để giữ lại một kỷ niệm cho lớp, cho trường và giải bày những tâm tư học trò trong thời điểm mình có mặt, các anh chị đầu đàn trong lớp như Lê Đình Lộng Chương, Lê Hữu Ty, Đỗ Tư Nghĩa, Đoàn thị Tình, Hoàng Hữu Ly, Hoàng Mỹ, Hồ Sĩ Kỷ, Lê Mậu Thiên, Nguyễn Cư .. đã bàn bạc để ra tập san lấy tên là " DẤU CHÂN CHIM ", một tên gọi thật hay và ý nghĩa: dấu chân của những chú chim nho nhỏ ríu rít quanh quẩn bên tổ đợi mẹ mớm mồi, sau này những cánh chim bay đi khắp bốn phương trời đậu lại ở những vị trí khác nhau nhưng có lúc ngoảnh đầu nhìn lại chắc không khỏi cảm xúc bồi hồi . Trụ sở Ban Biên Tập đặt tại Thạch Hãn .. cả lớp cùng nhau hì hục làm việc: quay Roneo ở Ty Thông Tin, xếp bài, đóng sách, hơn một nửa học sinh trong lớp đều có góp bài, chừ thì chỉ nhớ lờ mờ hình bìa, còn nội dung xin chịu, ngay cả bài của mình viết, chỉ nhớ được bút hiệu Ngữ Quyên của anh Nguyễn Cư, điều thú vị là năm 95 tình cờ gặp anh tại Saigon, chúng tôi đều nói là không có đứa nào lạ cả, anh vẫn vui tính tươi cười với chiếc răng khểnh rất dễ thương ... Trước khi rời VN mấy hôm, chúng tôi có gặp nhau tại quán số 3 Lê Lai, trong đó có mấy người bạn cùng lớp: Nguyễn Cư, Nguyễn văn Tịnh, Lê Ngọc Giao, Thái Thạch. Rời trường, mỗi người trôi nổi theo những công việc khác nhau, ít khi hội ngộ, chỉ năm 72 gặp anh Lê văn Hoàn ở trại Tình Thương của TK/QT ở Mỹ Thị Đà Nẵng, hỏi tôi có cần sổ xanh, anh ta giúp, lần khác lúc đơn vị  đang tái huấn luyện tại Phú Bài, tôi chuồn vào thăm nhà ở Đà Nẵng, khi trở lại, có lệnh cấm trại và quân cảnh hỏi rất gắt, biết là một người bạn cùng lớp đang chỉ huy tại đây, không đợi xét giấy tờ, tôi hỏi một QC để gặp Trung úy Thợ anh bảo Trung úy đang ở Huế, rồi chào đi ... Năm 1974, khi bà con QT hồi cư tại Hải Lăng, nhân chuyến về thăm, tôi ghé bệnh viện và gặp Lê Mậu Thiên lúc này là bác sĩ, hứa là sẽ giúp để bà xã sớm thuyên chuyển vào Đà Nẵng .
           Tết Mậu Thân Hùng về phép và bị kẹt lại, anh được quân trấn Quảng Trị chỉ định làm trưởng toán bảo vệ trong thị xã (gồm những quân nhân xa đơn vị), anh dẫn tôi vào quán Lưu Khách, ăn uống xong không cho tôi chi, anh đến bàn bên cạnh bảo trả tiền dùm ...
          Tôi gặp lại Nguyễn Ngọc Hùng một lần nữa vào đầu năm 69 tại Saigon, lúc này tôi mới nhập ngũ còn anh đã là Trung úy Biệt Động Quân, bị thương đang ở đơn vị 3 Quản Tri, có dự định nạp đơn vào Quốc Gia Hành Chánh, tính tình vẫn thế, anh dẫn tôi đến giới thiệu với người bạn gái trong chợ Phú Nhuận - nói là sẽ cưới làm vợ - rằng tôi là người em con bà dì ruột ... Tôi mất liên lạc với Hùng từ đó !
            Cho đến giờ này tôi không hiểu sao chúng tôi lại thân nhau khi tính nết hai đứa một trời một vực, chắc anh cũng nghĩ thế . Trước khi nhập ngũ, anh có tặng tôi một tập Thơ, trình bày rất đẹp đẽ là Tao Mày, có mấy câu thơ tôi còn nhớ :
Tao nhớ ngày xưa tao mê gái
Mải miết rong chơi với bạn bè
Còn mày câm nín trong sách vở
Thế mà hai đứa mến nhau ghê ...
            Mang tiếng là bạn học thân tình, nhưng quan hệ giữa chúng tôi chỉ có chơi là chủ yếu . Một người bạn khác - Lê Ngọc Giao - Ban C Anh văn, lại rất tâm đắc với nhau trong học tập, nhất là văn học nghệ thuật . Anh trọ trên căn gác nhỏ phía bên trái chùa trên đường Lê Văn Duyệt do anh Đỗ Bá Chi tài trợ, anh thường chỉ giúp tôi thêm Anh văn, thảo luận về những đề luận trong lớp . Chúng tôi thường rủ nhau đi qua mấy hiệu sách Văn Hóa, Sáng Tạo, Tùng Sơn và cuối cùng dừng lại để mua ở quán Lương Giang; chỉ mua sách hoặc đọc báo cọp chứ không phải như anh chàng nọ sau này gặp ở Saigon nhân kể chuyện cũ đã tự thú rằng mình đến quán Lương Giang cũng giả đò lật lật sách báo nhưng thực sự để lâu lâu được nhìn đôi bàn chân nõn nà và một khoảng trắng trên mắt cá của cô Tâm con gái ông chủ thường có cái tật dùng hai tay kéo xách ống quần lên !
            Có một cuốn sách lúc đó là thời thượng, hai đứa phải để dành cả tháng với sự phụ trợ của Hùng mới mua được: " Ý thức mới trong văn nghệ và triết học " của Phạm Công Thiện, nhiều bài viết vượt quá sự hiểu biết của chúng tôi, nhưng những quan điểm và giới thiệu của Ông về thơ rất thú vị, đặc biệt hai đứa cùng mê tạp chí Văn: đây là nơi tập trung hầu hết các nhà văn của Miền Nam, đồng thời giới thiệu những trào lưu văn nghệ và những nhà văn nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi đọc rất kỹ và vui thích khi phát hiện một điều mới lạ nào đó, sau này anh vẫn còn nhắc vè chuyện tôi đã chỉ cho anh xem cách dùng chữ sáng tạo của Mai Thảo như "phiến trời" hoặc "mỡ đông" (để chỉ màu trắng của làn da phụ nữ) . Có lần hai đứa ngẩn tò te vì sau khi đọc truyện " Người đàn bà ngoại tình " của Albert Camus mà chẳng thấy bà vợ ngoại tình ở chỗ nào, mãi sau này khi đọc thêm những bài phân tích của nhà văn Trần Thiện Đạo mới vỡ lẽ . Trong một bức thư viết năm 1999 anh nhắc: "Tôi còn nhớ như in hôm nào anh và tôi ngồi ở bàn cuối lớp, anh mở tờ Nghệ thuật chỉ vào bài Tống Biệt Hành và nói rất gọn " bài này hay" hoặc một lần anh cũng bình phẩm về một truyện ngắn mà hồi anh còn ở VN tôi đã nhắc lại . Tuổi trẻ chúng ta qua đi như thế, cho đến giờ đây bài thơ vừa mang hương vị cổ phong vừa man mác mùi Đường Thi của Thâm Tâm vãn khiến ta quá đỗi ngậm ngùi:
"Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong"
Tôi có tạp chí Văn ngay từ số 1 và để vào ngăn tủ ngăn nắp tại nhà ông bác tôi
            Đầu năm 2001, trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê trên đài RFI, nhà văn Trần Thiện Đạo có nhắc đến một chi tiết làm ông phấn chấn là trong đợt về Hà Nội mới đây theo lời mời của những người mến mộ văn học, nhân buổi tiệc trà, một nhà phê bình tên tuổi đương đại đã ghé tai ông nói thầm: Tôi biết anh gần 30 năm nay, không đợi để nhà văn đương trố mắt ngạc nhiên định hỏi, ông tiếp: Vào năm 1972, theo bộ đội đóng quân vùng Quảng Trị vớ được một số sách báo xuất bản ở Saigon, tôi đọc ngấu nghiến nhiều bài văn và mấy bản dịch của anh đăng trên tờ Văn" đọc đoạn này, tôi cứ ngờ ngợ không chừng ông này đã đụng đến tủ sách của tôi, bởi thời điểm đó quê tôi còn lành lặn, là hậu cứ của quân đội Bắc Việt tiếp ứng cho chiến trường Cổ Thành
          Lê Ngọc Giao khác tôi một điểm là nói nhiều, theo một số người thì Giao " Lộng ngôn" hay "chế", có lần nói chuyện với Thái Tăng An ở Hà Lan, tôi nhắc đến anh, An hỏi có phải Giao phịa chuyện không ? Từ ngày rời trường chúng tôi không gặp nhau, chỉ biết là anh " đứng" bên lề cuộc chiến với một đời sống rất thoải mái
            Trong một lúc bất ngờ nhất vào những ngày lam lũ ở quê nhà khoảng năm 1990, tôi nhận được thư anh: anh có một lối viết rất sảng khoái, tâm sự như không bao giờ dứt, sau đó anh thường cung cấp sách báo, băng nhạc, tổng lược những thông tin văn học nghệ thuật trong và ngoài nước, cố gắng bằng mọi cách để tìm tin tức Nguyễn Ngọc Hùng nhưng không được .. Anh làm trợ lý Giám đốc cho một công ty xây dựng nước ngoài, đứa con gái đầu học ở Pháp, hai đứa sau học Đại học Saigon ... Cuộc sống cứ nghĩ sẽ bình thản êm trôi, ai ngờ đến năm 95, khi tôi vào SG cũng là lúc anh nhuốm bệnh . Một căn bệnh hiểm nghèo: ung thư thanh quản . Đêm chia tay ở Lê Lai, chúng tôi chẳng nói với nhau nhiều, trong cái xiết tay cuối cùng nhìn vào mắt anh, một thoáng buồn âu lo và ngấn lệ !
            Tôi vẫn thường xuyên liên lạc, động viên an ủi để anh có thêm chút nghị lực, nhưng bệnh tình càng trầm trọng, những trang thư bắt đầu nhuốm niềm bi lụy: Tôi không được như Mai Thảo:
"Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng"
Mà đau đớn triền miên đã hủy hoại hết thân thể và tâm trí tôi .."
            Linh cảm những điều không may sẽ xảy ra, tôi viết thư cho anh với yêu cầu trong lúc khỏe anh nên viết ra những gì về ngày tháng cũ . Anh đã trả lời: Thư viết đi chữ nghĩa chảy ra từ tấm lòng, những ẩn ức phiền muộn hoặc niềm lạc quan về một điều gì đây với tôi trong tôi đã tắt ngấm bấy lâu rồi . Vâng, giờ đây với tôi điều mong mỏi thì tôi đã bày tỏ và được anh đón nhận . Một mình lang thang trong phòng đã mấy năm nay, tôi cố sống an nhiên tự tại, mong ước về kỷ niệm xưa dẫu vui ít buồn nhiều, nhưng ít ra đó vẫn là cái phải có và phải làm trong lúc này . Tôi sẽ cố gắng theo gợi ý của anh mà viết lại những năm tháng tuổi thơ mà bối cảnh là Trường Nguyễn Hoàng, ở đấy tôi đã gặp nhiều con người có nhiều cá tính . Chắc chắn tôi sẽ nhắc đến anh ở những ngày đầm ấm đó, bản tính trầm tĩnh, ít nói, nhưng lại rất chân tình và chia sẻ của anh đã cho tôi sự cảm mến tuy âm thầm mà lại dai dẳng, nó kéo theo cho đến lúc này và mãi mãi về sau ".
            Tháng 6/2000 về lại VN, nghỉ ngơi mấy tiếng, tôi đến thăm anh ngay, không ngờ anh thay đổi nhiều đến thế, tiếng nói không còn rõ nữa, hai đứa vừa ôm nhau vừa khóc . Chúng tôi giữ sự im lặng thật lâu ... Tôi mang về nhiều sách báo trong đó có cuốn Nghìn Thương Đất Mẹ của Vũ Hối: một nhà thơ, một nhà thư họa mà trước đây anh rất cảm mến . Sau này tình cờ được tiếp chuyện với nhà thơ Vũ Hối trên điện thoại (tại nhà anh Phan Khâm) để cám ơn anh đã phóng bút bài thơ của anh Khâm trên một bức tranh làm quà đám cưới con gái tôi, tôi kể chuyện này nhà thư họa ngạc nhiên bảo có lẽ đây là cuốn độc nhất lọt về VN . Anh vẫn ở chỗ cũ, một căn hộ tầng trệt của khu H, cư xá Thanh Đa . Tôi trở lại một lần nữa khi ở quê vào để chuẩn bị qua Mỹ, lần này bình tĩnh hơn, chúng tôi nhắc nhiều chuyện, có những chi tiết dễ thương từ thời xa xăm, anh nói là đã viết được một ít về ký ức Nguyễn Hoàng, chừng nào xong sẽ gởi qua . Tôi kể với anh chuyến đi Atlanta có ghé thăm Hồ Dân Thính lúc anh ấy bị stroke
            Trở lại Mỹ 2 tuần tôi nhận được thư anh, tinh thần có phần sáng sủa hơn một chút: " Nếu có dịp trở lại Atlanta thăm Thính, anh cho tôi gởi lời thăm anh ấy, đồng bệnh tương thân mà ! Tôi hiểu sâu sắc nỗi đau nhiều mặt của người bệnh . Phần tôi, sau bao năm, hầu như đã ngộ ra cái triết lý To Be or Not To Be đã rèn cho tôi cái ý chí và tôi cũng suy gẫm về một câu nói rất chí lý của một nhà văn Anh: Ta nhìn vào cuộc đời như ta nhìn vào tấm gương . Ta cười với nó thì nó cười với ta, ta nhăn với nó thì nó cũng nhăn với ta tức khắc và tâm nguyên là lẽ đời của mình ". Không ngờ đó là bức thư cuối cùng . Một tháng sau Thái Thạch viết thư báo tin anh đã ra đi vào ngày  2 tháng 9 năm 2000 . Dù biết trước sau sự việc ấy cũng sẽ xảy đến, nhưng tôi cảm thấy hụt hẫng choáng váng, tôi xem lại một đoạn phim ghi hình ảnh hai đứa vào ngày 12 - 7 - 2000
            Định mệnh quái ác đã làm anh thất hứa với tôi, những trang ký ức viết dở chẳng bao giờ nhận được . Tôi viết thư chia buồn với gia đình và có nhắc đến điều này, nhưng không có hồi âm ! Dù sao thì tôi cũng có một chút mãn nguyện là được gặp lại, chia sẻ với anh một đôi điều trong những ngày cuối đời . Đi bên anh  đến nơi an nghỉ có Thái Thạch đại diện cho nhóm bạn thân tình ở xa và đông đảo anh em cựu học sinh Nguyễn Hoàng ở Saigon .. Lần này chắc chắn anh đã được như Mai Thảo:
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
            Một người không học cùng lớp, không quen lắm lúc ở Nguyễn Hoàng, nhưng sau này qua cái duyên văn nghệ đã có sự liên lạc rất chân tình . Dân Quảng Trị có rất nhiều người thành danh trong văn học nghệ thuật . Nhưng cựu nữ sinh Nguyễn Hoàng có thơ xuất bản, theo chỗ tôi biết chỉ có một.
          Những ngày bức bách tăm tối sau khi ở tù ra tôi có cái may là liên lạc được với Lê Ngọc Giao và chị để tâm trí mình mở ra thế giới bên ngoài . Chị sống nhiều với nội tâm với hoài niệm về ngày tháng cũ, tôi hiểu vá chia sẻ với chị những điều ấy, đôi lúc làm chị ngạc nhiên.
          Tập thơ Giăng Sợi Tơ Tình của Nguyễn thị Kim Cúc được nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc phát hành năm 1998 tại VN do nhà văn Võ Hồng viết đề tựa, ông nhận xét: "Thơ không uốn mình theo thể, không theo niêm luật vần điệu, cứ ngắt câu ra từng đoạn, từng khổ nhỏ uốn theo tình huống gây sự ngạc nhiên, rồi êm em trôi theo dòng thơ êm ái quen thuộc của tình buồn . Phong thái độc lập, tự lập .. tập thơ có 23 bài mang chung một chủ đề tình yêu và chỉ nói về tình yêu nơi người đàn bà: đó là những phụ nữ có thật, những nhân vật lịch sử, những nhân vật trong văn chương, những nhân vật huyền thoại" . Nhà văn đọc rất kỹ, thấy hết những điều tác giả nói, nhưng không cảm nhận được cái tâm sự lắng đọng đâu đó trong tâm thức:
Nay chỉ còn một cái cốc cuối này thôi
Hãy để mình em uống cho tình đẹp
Tuy thế nhà thơ vẫn hoài vọng vớt một mong manh hạnh phúc:
Như lá trầu xanh
Hòa cau vôi đỏ thắm
Đã hóa thân còn quấn quít không rời
Đã hóa thân
Vẫn còn làm sứ giả
Giăng sợi tơ tình
Thắm thiết mãi không thôi
            Tôi gởi tập thơ đến các Ban Biên Tập Đặc San Quảng Trị Washington DC, Atlanta và đã được chọn đăng trong dịp Xuân Tân Tỵ, nhận được tin này chị rất đỗi vui mừng:"Chị rất cám ơn về những hoạt động và nhận xét của T với sợi tơ giăng, phải nói chỉ có T mới làm được những việc ấy cho chị . Lời cám ơn chắc không đủ nói hết lòng mình, ngoài cuộc sống lắm khi tìm được ở bạn bè những điều mà khó có người thân nào giúp được, bên này chị không chủ trương phổ biến rộng rãi ... Tơ cứ giăng, sương cứ rơi, ngày tháng vẫn qua, vui buồn ta cứ một mình ta ..."
          Ở trong Nam, lâu lâu chị lại ra thăm quê: " Chị về Quảng Trị gặp mấy ngày mưa không kịp vuốt mặt thành ra chỉ kịp vòng một vòng qua trường Nguyễn Hoàng cũ, đường Duy Tân, Lê văn Duyệt, ra bờ sông vào một chặp hửng nắng cuối ngày . Hôm sau lại tất tả vào lại . Quê nhà - nhớ lắm, thương lắm, muốn về nhưng chỉ kịp ngoái lại rồi đi, cuộc sống chắc luôn là như thế
Nơi này một thuở xưa kia
Cùng người nắng sớt, mưa chia bao mùa ..
            Tôi rời trường cuối năm 66, thỉnh thoảng trong những dịp về phép, đi ngang ghé lại nhìn trường cũ, những đoàn học sinh vui chơi với bao điều xao xuyến
          Sáng 1 tháng 5 năm 1972, trên chiếc M13 rời cổ thành Đinh Công Tráng rẽ phải vào Lê văn Duyệt, Duy Tân, rẽ trái về Trí Bưu, Quy Thiện ... Trong lúc đổi thế ngồi, trường Nguyễn Hoàng hiện ra trước mặt rất rõ . Không ngờ đó là hình ảnh cuối cùng ...
            Cuộc đời như giòng sông tùy theo địa thế chung quanh mà nắn giòng để cuối cùng ra biển, rác rưới sẽ được bỏ lại, có mang theo chăng chỉ là những hạt cát óng ánh bám sát tâm mình . Tôi đã đọc đâu đó một câu thật hay:" Bạn cũ là thứ đồ cổ quý giá nhất " . Các bạn có thể đang lưu lạc đâu đó hoặc biến mất khỏi cuộc đời này, nhưng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm nào . Tuy trong " giờ ra chơi lịch sử này" không có các anh tham dự, tôi vẫn thấy thật gần - sự có mặt của các anh - và thấm thía với mấy giòng thơ của một Thiền sư:
Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng băn khoăn
Bước chân "anh" hãy về thanh thản
Không tròn, không khuyết một vầng trăng

                                                                                                                    

August 3, 2011

PHÚT CUỐI TÂN LÂM


Thiếu tá TÔN THẤT MÃN
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/56/SĐ3/BB

Sau mấy tháng hành quân yểm trợ công tác bình định và trấn giữ một số căn cứ vùng Gio Linh, vào hạ tuần tháng 3/72, Tiểu đoàn 1/56 được về dưỡng quân và làm trừ bị cho Trung đoàn tại căn cứ Ái Tử - nơi đặt bản doanh BTL/ SĐ3 BB. Sau khi sắp xếp bố trí mọi công việc cho đơn vị, chiều 29/3/1972 Thiếu tá Tôn thất Mãn, Tiểu đoàn trưởng vào thăm nhà ở Huế để nhìn mặt đứa con gái vừa sinh mấy tháng.
            Đêm 30/3, vừa chợp mắt một lúc, nghe tiếng điện thoại reo, đầu dây là giọng của Trung tá Đính - Trung đoàn trưởng, ra lệnh phải ra gấp Ái Tử để đưa Tiểu đoàn lên căn cứ Tân Lâm.
Sáng 31/3/1972, đơn vị được xe chở đến Chi Khu Cam Lộ và từ đây, hành quân bộ lên căn cứ. Áp lực địch lúc này rất nặng, một vành đai lửa dậy lên từ căn cứ C1 ở phía Bắc, đến căn cứ Phượng Hoàng ở Tây Nam, nhiều tiền đồn đã phải di tản, địch đang dồn hỏa lực để đập nát Tân Lâm ... Tiểu đoàn được lệnh bố trí quân tại ngọn đồi phía Bắc để cùng với Tiểu đoàn 3/56 đang trấn giữ Khe Gió hình thành một tuyến phòng ngự trên Quốc Lộ 9, sau khi căn cứ Fuller bị tràn ngập.
Ngày 1/4, Thiếu tá Mãn lại nhận được lệnh dẫn BCH Tiểu đoàn và một Trung đội vào ngay Trung tâm để bảo vệ BCH Trung đoàn. Tân Lâm lúc này như một biển lửa, Thiếu tá Mãn,  bàn giao công việc cho Đại úy Đỗ Triền - Tiểu đoàn phó - vất vả lắm, đến 3 giờ chiều toán quân này mới đến được vị trí quy định. Trung tá Đính cho anh biết sơ qua tình hình: Hỏa lực cơ hữu tại đây rất hùng hậu, nhưng không hoạt động được vì bị pháo địch kềm chế, hỏa lực yểm trợ không có, đặc biệt là không quân.
Sáng mồng 2/4, Trung tá Đính triệu tập cuộc họp Ban Chỉ huy Trung đoàn và các Đơn vị trưởng tăng phái gồm có:
- Trung tá Phạm văn Đính - Trung đoàn trưởng
- Trung tá Vĩnh Phong - Trung đoàn phó
- Thiếu tá Thuế - Pháo Binh, phụ tá hỏa lực
- Thiếu tá Tôn Thất Mãn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/56
- Đại úy Hoàng Quốc Thoại - Trưởng ban 3
-  Đại úy Nhơn - Trưởng ban 2
-  Đại úy Hoàng Trọng Bôi - Pháo đội trưởng 175
- Đại úy Nguyễn văn Tâm - Pháo đội trưởng TĐ1/PB/TQLC.
- Trung úy Lê Văn Kiểu - Pháo đội 105
- Thiếu úy Thái Thanh Bình - Chi đội trưởng Thiết Giáp
-  …………….
Sau khi nêu tình hình nguy ngập của căn cứ sau 3 ngày bị pháo hủy diệt, mặc dầu chưa có bộ binh địch tấn công, nhưng khả năng của đơn vị trú phòng không thể cầm cự lâu dài, viện binh, không yểm không có, ông Đính đã trình với Tướng Giai và được trả lời toàn quyền quyết định, tiếp đó ông đưa ra 3 hướng giải quyết để mọi người lựa chọn:
1. Tử thủ, chiến đấu đến giây phút cuối cùng
2. Mở đường máu để rời khỏi căn cứ
3. Đầu hàng
Bên ngoài pháo địch bắn liên hồi, nhưng trong phòng họp im phăng phắc. Mọi người đang chờ đợi một quyết định lịch sử, bỗng người ta nghe một giọng nói vang lên - Chậm, rõ ràng nhưng cương quyết:
- Tôi chọn một trong 2 điều trước và bác bỏ điều thứ 3. Tôi không chấp nhận đầu hàng.
Mọi người cùng nhìn về phía phát ra tiếng nói ấy: Thiếu tá Tôn Thất Mãn. Nhưng ý kiến của anh như tiếng vọng giữa sa mạc, chẳng ai quan tâm như trong hồi ký của Đại Tá Turkley - Cố Vấn Sư Đoàn TQLC - có kể rằng khi vị Cố vấn đề nghị sử dụng Chi đội  M - 41 làm mũi tấn công mở đường máu, thì ông Đính trả lời: “Tất cả sĩ quan đã đồng thuận đầu hàng!” Thiếu tá Mãn đâu biết rằng ngay đêm trước ông Đính đã tìm cách liên lạc với Chỉ huy Trung đoàn Pháo Bông Lau để trình bày ý định của mình. Vị Tiểu đoàn trưởng gọi máy thông báo sự việc và chia tay với Đại úy Triền, đồng thời để ông tùy nghi giải quyết !
Ngay từ giây phút ấy, cuộc đời binh nghiệp oai hùng của anh khép lại để bước vào một giai đoạn trầm luân khổ ải và chính câu nói khẳng khái ấy đã là nguyên nhân để anh bị đày đọa gần 12 năm trong các trại tù từ Bắc chí Nam !
Như bao chàng trai cùng thời, người con xứ Kim Long hiền hòa cũng đã " xếp bút nghiên theo việc kiếm cung ", theo học Khóa 12 tại trường Bộ binh Thủ Đức Tháng 10/62, mãn khóa, phân bổ về Sư đoàn 25 Bộ binh. Cuối năm 1963, về Huế cưới vợ - người tình của tuổi học trò năm nào, lúc chàng học Bán Công, nàng học Bồ Đề.
Sau 3 năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam, năm 1965, anh xin thuyên chuyển về nguyên quán, lúc này anh chị có đứa con đầu lòng. Phục vụ tại Trung đoàn 54/ SĐ1/ BB với cấp bậc Trung úy Đại Đội trưởng hoạt động vùng La Sơn, Tây Nam Huế.
Tháng 6/1967, qua làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2/3, Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Phạm văn Đính, phụ trách khu vực Phong Điền, Quảng Điền, ông Đính kiêm luôn Chi khu trưởng Quảng Điền.
Ngày 30 Tết Mậu Thân, anh về nhà nhưng buổi chiều vô lại đơn vị. Đêm hôm đó Cộng quân xâm nhập thành phố, cứ tưởng anh còn trong nhà, chúng ra lệnh cho mẹ và vợ anh đi tìm để giao nạp, nếu không sẽ bị giết. Cộng quân vào nhà không thấy anh, chúng dẫn chị đến nơi hành quyết, nhưng hai đứa con khóc quá, đành cho về. Lúc đó TĐ 2/3 đang ở Xước Dủ, Hương Trà, được lệnh hành quân về thành phố để bảo vệ BTL/SĐ, đơn vị được tàu Hải quân vận chuyển từ Trường Kiểu Mẫu, men theo Cồn Hến vào Cửa Trài, Mang Cá và từ đó xuyên qua Thành Nội đánh ra cửa Thượng Tứ. Chính TĐ này có vinh dự hạ cờ VC và kéo cờ vàng lên tại cột cờ Phú Văn Lâu, cụ thể là do binh sĩ Đại đội 3/2/3 của Đại úy Huỳnh Quang Tuân.
Sau chiến thắng này, anh được Quân Đội Hoa Kỳ gắn Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng. Do thành quả của những chiến công đã đạt được và để tạo điều kiện trau dồi thêm khả năng chỉ huy và tiến thân, đầu năm 1970, anh được cử đi học Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Đà Lạt, giữa năm được thăng cấp Thiếu tá.  Đầu năm 71, tham dự hành quân Lam Sơn 719 là đơn vị dự bị cho Trung đoàn giữ an ninh khu vực Tà Cơn, Lao Bảo. Sau đó, anh được đưa ra Trung đoàn 2, làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5/2.

**********

Sau hành quân Lam Sơn 719, Bộ Tổng Tham Mưu xét thấy tình hình chiến sự tại Vùng I ngày càng sôi động, có nhiều chỉ dấu Cộng quân gia tăng áp lực để có những hoạt động qui mô trong tương lai và để giữ những khu vực mà quân đội Mỹ bàn giao lại, do đó đã trình Bộ Quốc Phòng để thành lập riêng vùng Hỏa tuyến Quảng Trị, một đơn vị cấp Sư đoàn nhằm hình thành  phòng tuyến  bảo vệ vững chắc khu vực chiến lược quan trọng này, đồng thời tạo vòng đai an toàn để các đơn vị địa phương làm tốt công tác Bình Định Nông Thôn.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1/10/1971, Sư đoàn 3 được thành lập, đặt Bộ Tư Lệnh tại căn cứ Ái Tử, cạnh chùa Sắc Tứ nơi mà 413 năm trước Chúa Tiên Nguyễn Hoàng từ Thăng Long vào dừng lại đặt bản doanh gọi là Dinh Cát làm đầu cầu mở mang bờ cõi vào phía Nam sau này.
Trung đoàn 2 của SĐ1 đang có mặt thường xuyên tại khu vực hỏa tuyến được giữ lại làm nồng cốt, chủ lực cùng với 2 Trung đoàn Tân Lập 56 và 57 Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 2 được tách ra, làm căn bản để thành lập Trung đoàn 56, như thế, đơn vị và chức vụ của Thiếu tá Tôn Thất Mãn bây giờ là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/56/SĐ3 BB.


Sáng 2/4/1972, sau khi Trung tá Đính thông báo lệnh đầu hàng, ngoài Thiếu tá Tôn Thất Mãn, còn 2 sĩ quan khác chống lại (sau khi trở về đơn vị của mình), đó là Đại úy Nguyễn văn Tâm - Pháo đội trưởng B/TĐ1/PB/TQLC và Thiếu úy Thái Thanh Bình - Chi đội trưởng Thiết đoàn 11 Kỵ Binh. Ngay giờ phút ấy, Cố vấn Trung đoàn liên lạc được với trực thăng đang tiếp tế cho căn cứ Mai Lộc đã đáp xuống để bốc 2 vị này, một số chiến sĩ VNCH lên theo, trong đó có Thiếu úy Bình.
Lúc này Trung tá Đính ra lệnh Đại úy Nhơn - Trưởng ban 2, cởi chiếc áo lót màu trắng ra treo trước cổng để làm tín hiệu chấp nhận đầu hàng (chuyện cờ trắng như vừa trình bày là do Thiếu tá Mãn kể, nhưng theo Thiếu tá Hà Thúc Mẫn được Đại úy Hoàng Quốc Thoại - Trưởng Ban 3 thuật lại lúc cùng nhau ở trong tù thì Trung tá Đính lệnh cho Trung sĩ Sừng xé tấm drap trải giường làm đôi. Trong một bài tùy bút của Nguyễn Thắng - phóng viên chiến trường Quân Đội BV cũng viết như thế: “Sau khi sai lính lấy tấm vải trắng trải giường nằm, kéo lên cột cờ, anh Đính đã gọi cho chúng tôi : Alô, Bông Lau đâu, đã trông thấy cờ trắng chưa ?”).
Làm đúng theo điều kiện của cấp chỉ huy Trung đoàn 38, Pháo Bông Lau, mọi người đi theo hàng đôi ra hướng Quốc Lộ 9 theo thứ tự cấp bậc Tá - Úy - Hạ Sĩ Quan ..., bốn vị cấp Tá được tách riêng để khai thác và tuyên truyền.
Sáng 3/4, tất cả bị áp tải ra Bắc, chiều tối, lúc đến Bến Than, Bến Tắt chuẩn bị vượt sông Bến Hải thì anh Mãn cùng một số khác đã tìm cách bỏ trốn, tuy nhiên lúc này địch quân đã tràn ngập khắp nơi và có lẽ đã được báo động để lùng sục, nên sau 5 ngày đào thoát, anh bị bắt lại ... Riêng Đại úy Nhơn - Trưởng ban 2 trốn được, lần tìm về khu vực Ái Tử, có hành động gì đó làm cho các chiến sĩ TQLC nghi ngờ, tạm giữ rồi chuyển giao cho Sư Đoàn, sau đó đưa vào Sở 1 An Ninh Quân Đội tại Đà Nẵng, có những ẩn khuất nào đó không ai biết hay do anh Nhơn là người cầm cờ trắng ra trước cổng căn cứ Tân Lâm để làm tín hiệu chấp nhận đầu hàng ?
Đoàn tù và hàng binh đi bộ 10 ngày đến Quảng Bình, tại đây có xe đưa ra Thanh Hóa và lên tàu đến trại giam Bất Bạt, Sơn Tây, thời gian này liên tục bị hỏi cung, viết bản tự khai, kiểm điểm. Đặc biệt là công an bắt tất cả những sĩ quan có đi du học Mỹ phải tường trình đầy đủ những gì đã lãnh hội được và giao cho ông Đính tổng hợp trình lên chúng.
Trong khoảng thời gian này, lãnh đạo trại giam mở đợt vận động tuyên truyền, kêu gọi tất cả sĩ quan đứng lên tự giác từ bỏ lý lịch căn cước QL/VNCH để trở về với Quân Đội Nhân Dân. Thiếu tá Tôn Thất Mãn đã khí khái quyết liệt phản đối chiêu bài này. Khi được trực tiếp đặt vấn đề, anh nói với tên Thiếu tá phản gián Nguyễn Phương: “ Ngay từ lúc ở căn cứ Tân Lâm, tôi đã chống lại việc đầu hàng của Trung đoàn trưởng, mặc dầu mọi người đều im lặng, nhưng lúc đó tôi không nghĩ đến sự an nguy của tính mạng mình và đã chống đối đến cùng. Đời lính thắng bại là chuyện thường tình, bây giờ tôi sa cơ thất thế bị các ông bắt, hãy xem tôi như là một tù binh chiến tranh, tôi hoàn toàn chấp nhận vị trí ấy, tôi luôn luôn trung thành với lý tưởng mà tôi đã phụng thờ : TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM, đồng thời tôi không phản bội những chiến hữu dưới quyền đã hy sinh”.
Tên Thiếu tá lên tiếng: “ Tôi được phân công xuống giúp đỡ anh, tạo điêu kiện cho anh trở về với cách mạng, phục vụ nhân dân, lập công chuộc tội, nhưng anh vẫn ngoan cố, đó là quyền của anh, có gì đừng ân hận. Tôi sẽ báo cáo với trên”.
Sau hôm ấy, anh bị đưa đi giam riêng, được một thời gian, chúng chuyển anh xuống Hỏa Lò Hà Nội, nhốt vào xà lim.
Trong lúc thân phận anh như thế, ở bên ngoài, CSBV tổ chức một buổi lễ rầm rộ cho ông Phạm văn Đính và ông Vĩnh Phong đăng đàn, nêu lên những tội ác và sai lầm khi theo " Đế quốc Mỹ " dày xéo đất nước và nay thấy rõ đường lối chính đáng của Cách mạng nên đã đem Trung đoàn về với nhân dân, xin được đứng trong hàng ngũ Quân Đội Nhân Dân để chống lại kẻ thù xâm lược !
Cả hai ông Đính và Phong đều được giữ nguyên cấp bậc Trung tá và hưởng lương từ tháng 4/1972. Theo chỉ thị của chính quyền CS, ông Đính viết lịch sử miền Nam, phân tích nghệ thuật và hình thái tác chiến của QL/VNCH. Ngoài ra, còn có những ký sự để tuyên truyền  xuyên tạc và ca ngợi chính quyền miền Bắc như : “ Saigon - Phủ Đầu Rồng ", " Cây Đa Bến Cũ ", " Một cái gì mới " . Tháng 4/1994, cả hai ông ra Hà Nội để được gắn lon Thượng tá và Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất !


Những ngày tháng nằm trong xà lim, anh không đau đớn cho thân xác bởi cực hình và thiếu đói, mà xót xa nhiều điều: Mười năm lính, lúc ở Sư đoàn 25 BB, tình hình tương đối yên tĩnh, chủ yếu là lo công tác an ninh, bảo vệ dân chúng an tâm làm ăn trong những vùng xa thường bị địch quân về quấy rối ... Nhưng khi được trở về chiến đấu trên quê hương Trị Thiên là thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất ... Bước chân anh đã đi qua mọi miền từ Lăng Cô, Bạch Mã đến Gio Linh, từ đồng bằng ven biển đến biên giới Lào Việt, kể cả những lúc tác chiến trong thành phố.
Có những thời khắc, mạng sống như nghìn cân treo sợi tóc, phải chiến đấu để chiếm từng thước đất, ngọn đồi, từng bờ tường, con phố, nhưng bằng mưu trí và sự can trường, anh đã dẫn đơn vị đi qua và chiến thắng, đôi khi có những tình huống hết sức nghiệt ngã! Thế mà đến đầu tháng 4/1972, đó chưa phải là giờ thứ 25 của cuộc chiến, tại một căn cứ hỏa lực hùng hậu, có ưu thế phòng thủ với trên 1000 tay súng và một Ban Chỉ huy dày dạn chiến trường …. và anh, một người chỉ huy tác chiến … Tất cả chưa bắn một phát súng nào, chưa có đơn vị bộ binh nào của địch xuất hiện, cũng không có lời kêu gọi áp đảo tinh thần, mà chỉ mới là những quả đạn pháo binh được bắn vào căn cứ liên tục, đồng ý là địch có ưu thế hỏa lực, áp dụng chiến thuật phong lôi, cả một Trung đoàn Pháo cùng lúc bắn vào mục tiêu, nhưng như thế chưa phải là hoàn toàn bế tắc, để không thể tổ chức chiến đấu, thế mà chúng tôi đã phải buộc lòng quy giáp đầu hàng.
Đầu hàng ! Tại sao lại như thế. Động cơ nào? Đó là câu hỏi nhức nhối dày xéo tâm can anh! Anh cũng đã thẳng thắn nói ra những ý nghĩ ấy cho đối phương là Nguyễn Quý Hải, tác giả của hồi ký Mùa Hè Cháy, nguyên Tiểu đoàn trưởng Pháo Binh thuộc Trung đoàn Bông Lau, đơn vị trực tiếp gây áp lực buộc Trung đoàn 56 đầu hàng. Trong quyển sách này, tác giả kể lại cảm nghĩ của Thiếu tá Mãn về sự thất bại của Trung đoàn 56 trước sức tấn công như vũ bão của Trung đoàn 38 Pháo Bông Lau, Thiếu tá Mãn đã trả lời: “ Tôi hết sức ngạc nhiên, không thể tin nổi là số phận của một căn cứ hỏa lực mạnh nhất Quân Đoàn đã được quyết định chỉ trong vòng năm phút !” Hôm nay anh vẫn xác nhận như thế và trình bày thêm: “Sau khi tuyên bố 3 hướng giải quyết, ông Đính đã không có sự thảo luận với tất cả sĩ quan có mặt và sau lời phản đối của anh Mãn, ông Đính liền ra lệnh Đại úy Nhơn cởi áo lót làm tín hiệu ...”.
Quả thật lúc này chúng ta mới biết 3 cách giải quyết được đưa ra như là một thông báo, chứ không phải để bàn bạc, bởi vì mọi chuyện đã được quyết định và Trung tá Đính không có thì giờ !


Trong bài viết: " N+3 Một Ngày Oanh Liệt ", Đại tá Cao Sơn - Trung đoàn trưởng Pháo binh Bông Lau ghi lại cuộc nói chuyện và những điều kiện ông ra lệnh cho Tr. Tá Đính: " ... Yêu cầu tuân thủ nghiêm những quy định sau :
1. Kéo cờ trắng lên
2. Bắt hai tên Cố Vấn Mỹ cùng ra hàng
3. Để nguyên vũ khí, phương tiện chiến đấu tại chỗ. Cả chỉ huy và binh sĩ đứng trên mặt đất, xếp hàng đôi đi theo con đường duy nhất tới Đầu Mầu, sẽ có người đón. CHÚNG TÔI NGỪNG BẮN 30 PHÚT ĐỂ CÁC ANH CHẤP HÀNH NHỮNG QUY ĐỊNH TRÊN " .


  Hình Th.T Mãn tại căn cứ Tân Lâm trong ngày 2-4-1972 
  (người đội nón sắt chụp chính diện)

Anh kể chuyện tôi nghe, trong bao năm cận kề chiến đấu, vào sinh ra tử bên nhau với Trung đoàn trưởng, anh đã có sự liên hệ thân tình, kính mến. Phút cuối ở Tân Lâm, có thể có những lý do thầm kín nào đó để ông Đính đưa đến quyết định tai hại ấy! Lòng anh có đôi chút thông cảm, tuy nhiên, qua những việc ông cư xử với anh em trong trại tù, cũng như sự hăng say hợp tác với đối phương sau này làm anh thất vọng, bao nhiêu niềm tin và sự kính phục đã không còn nữa!
Khi còn ở trong tù năm 1973, mọi người được biết về Hiệp Định Ngưng Bắn, trao trả tù binh, riêng cá nhân anh và Thiếu tá Thuế Pháo Binh không được nằm trong danh sách ! Các anh đặt vấn đề với cán bộ trại, được trả lời là sẽ đề đạt lên cấp trên giải quyết, nhưng chẳng bao giờ nhận được câu trả lời ! Cho đến năm 1975, khi nghe tin miền Nam mất, tất cả đều nghẹn ngào, chua xót, cùng bảo với nhau: Thế là hết ... đất nước mất, Quân Đội mất, chúng ta không còn gì để nương tựa, để trở về !
Cuối năm 1975, từ Bất Bạt Sơn Tây, anh bị đưa lên giam tại Cao Bằng, năm sau lại chuyển qua Sơn La, lúc này Bắc Việt cũng đã ồ ạt đưa những sĩ quan QL/VNCH từ miền Nam ra Bắc - đây là những trại tù khổ sai khủng khiếp đã được nhiều người nhắc đến.
Đầu năm 1979, trước khi Trung Cộng mở đợt tấn công qua biên giới, chúng lại chuyển các anh về trại Đầm Đùn Sơn Tây.
Ở đây cho đến năm 1981, được đưa về Nam, giam tại trại Z30D cho đến cuối năm 1983, anh mới được trả về với gia đình !
Tính từ tháng 4/1972 đến lúc ấy, thân xác anh bị đày đọa gần 12 năm trong những trại tù nổi tiếng ác độc nhất.  Công bằng mà thấy, sau 30/4/1975, một vị Tiểu đoàn trưởng bị giam khoảng 10 năm, nhưng Thiếu tá Mãn - Tiểu đoàn trưởng TD 1/56/SĐ3/BB đã phải trải qua thời gian trong lao lý dài như thế, chỉ vì một câu nói bất khuất !
Khi trở về, anh phải tạm trú với mẹ ở Kim Long bởi vì sau 1975, vợ anh bỏ căn nhà thuê ở Huế, về nương náu quê ngoại tại Long Thọ. Cô nữ sinh năm nào bây giờ chân lấm tay bùn với đồng ruộng !
Những tưởng đất nước đã thống nhất, hòa bình lập lại, các anh sẽ được đối xử công bằng sau thời gian " đền tội " trong tinh thần hòa hợp dân tộc như đã được nghe cán bộ tuyên bố trước lúc ra trại . Nhưng không, trong mấy tháng đầu, hàng đêm chúng bắt anh phải đến Trạm Công an xã để ngủ và sau đó anh được " biên chế " vào tổ khai thác đót (một nguyên liệu để làm chổi ) tại núi rừng Tây Thừa Thiên với chỉ tiêu MỘT TẤN mỗi ngày ! Không chịu nổi sự kham khổ cực nhọc, đày đọa đủ điều, tháng 7/1984, anh trốn vào Nam, xin đi làm thuê tại một Công Ty Cao su ở Đồng Nai tại ấp Cấp Ráng ... Cũng tưởng là sẽ được bình yên ở vùng đất xa lạ này, nhưng lam sơn chướng khí và những loài rắn độc đã ngày đêm đe dọa, tấm thân ốm yếu bây giờ thêm còm cõi !
Bà chị ruột cầm lòng không đậu trước hoàn cảnh bi thương ấy, đã cưu mang anh đem về Saigon, chăm sóc, bồi dưỡng và hàng ngày phụ với đứa cháu có nghề sửa xe ... anh sống âm thầm, lặng lẽ như thế giữa Saigon náo nhiệt, cứ nghĩ mình là kẻ sống ngoài lề và bị xã hội bỏ quên !
Nhưng niềm vui lại đến khi nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ cho những tù nhân chiến tranh bị CS giam giữ. Một lần nữa, bà chị của anh lại phải chạy đôn chạy đáo tốn kém tiền bạc để lo cho anh đầy đủ giấy tờ hợp lệ để được định cư tại Mỹ. Hồ sơ HO 29 của anh đã được phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xét duyệt đôn lên HO 22 và anh đến Mỹ năm 1994.
Anh Mãn tâm sự: Tôi tuổi Mậu Dần, cầm tinh con Cọp, mà con cọp thì bao giờ cũng chỉ đi một mình, có khi nó là chúa sơn lâm. Ngẫm nghĩ lại, cuộc đời tôi cũng thế, lúc nào cũng cô đơn, mặc dầu ở chỗ đông người ! Tôi không có cái vinh quang của con cọp, mà đơn độc trong những tình huống đôi khi quá oan nghiệt, ngay cả lúc đứng giữa những người gọi là chiến hữu ! Tôi cũng đã ở trong rừng, nhưng không phải để " cất vang tiếng thét " mà bị dẫn đi từ trại tù đến một căn chòi lá vào lúc 1,2 giờ sáng, dưới ngọn đèn leo lét, mặt đối mặt với tên công an thẩm vấn ! Cũng thế, với cây rựa trong tay, một mình cùng rừng đót ngút ngàn hoặc với những cây cao su ngang dọc thẳng tắp ! Tưởng chừng như Con Cọp Cầm Tinh mệnh số của anh chẳng bao giờ thét, nhưng thật ra anh đã dùng ý chí để nói với Tổ Quốc và bạn bè chiến đấu anh dũng bên cạnh anh rằng: Anh đã nghĩ đúng và làm đúng những gì anh nghĩ để không thẹn lòng và thẹn với non sông. Chẳng có điều gì làm anh ân hận, cho đến bây giờ, anh vẫn nhớ và thực hành đúng bài học địa hình căn bản ở Trường Bộ Binh Thủ Đức 47 năm trước: Luôn luôn phải xác định điểm đứng. Phải xác định vị trí mình đang đứng để biết bạn đang ở đâu, địch đang ở đâu, để có những quyết định chính xác. Hậu quả của những quyết định ấy đôi lúc là tai hoạ, nhưng vượt qua được, ta cảm thấy trưởng thành hơn, đúng đắn với lý tưởng mình phụng thờ và nhân cách đạo lý đã được giáo dục.
Có người bảo là mình bị quân đội bỏ quên, tôi thì không bao giờ có ý nghĩ ấy bởi vì ngay lúc này, mỗi cá nhân chúng ta đã là quân đội, phải làm sao để xứng đáng với tên gọi linh thiêng ấy, mặc dầu hình tướng tổ chức không còn !
Những buổi tối lái xe về nhà ở Baton Rouge, Louisiana sau 14 giờ với hai công việc nặng nhọc khác nhau, lòng tôi dâng lên bao nỗi ngậm ngùi khi nghĩ đến Mẹ tôi, người có tấm lòng biển cả rộng lượng vô biên. Những lúc canh khuya thức giấc, nghe tiếng sóng vỗ bên này mà nhớ đến Mẹ già bên kia bờ đại dương quay quắt. Từ ngày rời ghế nhà trường đến nay, tôi chưa bao giờ có được một khoảng thời gian bình yên thật trọn vẹn để chăm sóc bà, mà ngược lại, tôi luôn luôn là nỗi nhớ thương, lo lắng, trông ngóng trong lòng bà kể từ khi tôi bước chân vào những ngày binh lửa, rồi gian truân với những năm dài tù tội, đến quãng đời lao động cực nhọc ở một xó xỉnh nào đó!  
Năm nay bà đã 97 tuổi, sáng chiều đứng ngồi với một tâm trạng bồn chồn như thế trong căn nhà nhỏ của cô em út trong thành nội. Ở bên này tâm tôi cũng không yên, đôi  khi thảng thốt vì một cuộc điện thoại từ Việt Nam, vẫn biết bây giờ Mẹ như cây đèn giữa khoảng không, chỉ cần một làn gió nhẹ … nhưng tôi lo sợ bàng hoàng nếu một ngày nào đó nhận được tin ấy.
Gia đình anh đến lúc này vẫn chưa hoàn toàn đoàn tụ, còn đứa con ở VN đợi ngày qua bên này định cư ... Bởi thế đã qua tuổi về hưu, anh vẫn gắng làm 2 jobs để ngoài việc trang trải chi phí ở đây, giúp thêm được phần nào hay phần đó cho những người thân ở quê nhà.
Tôi đã đọc “ Một Quân Đội Bị Bỏ Quên - Anh Hùng và Bội Phản " của Andrew Wiest và bài viết " Chàng Pháo Thủ Thành Carroll " của nhà văn Giao Chỉ . Cả hai tác phẩm đều nhắc về những nhân vật có liên quan đến Tân Lâm. Tôi khâm phục sự can trường, hy sinh cho thuộc cấp ngoài mặt trận và lẫm liệt, kiên cường trong trại giam của Thiếu tá Huế. Cũng là người lính, nhưng tôi cảm thấy bé nhỏ và tầm thường trước sự quyết đoán kịp thời, dũng mãnh bảo vệ sự an toàn cho anh em trong đơn vị của Đại úy Tâm - chàng Pháo thủ Cọp Rằn thành Carroll, không chịu đầu hàng, chấp nhận ở lại để chiến sĩ mình rút đi ... Nhưng đối với Thiếu tá Tôn Thất Mãn, sự cảm kích, ngưỡng mộ, kính phục và thương mến gấp nhiều lần hơn ! Bởi vị trí của anh hoàn toàn khác, rất đặc biệt. Anh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, ý chí bất khuất của một Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Cái dũng khí của một kẻ sĩ ngay trước mặt cấp chỉ huy và chiến hữu khi chống lại tư tưởng chủ bại, đầu hàng của những con người ấy, sau đó trên đường áp tải đã tìm cách trốn thoát, không chịu đội trời chung với Cộng sản và rất đáng phục, rất oai phong khi trong gông cùm của địch đã dứt khoát chối từ, bác bỏ luận điệu tuyên truyền dụ dỗ để quy phục, luôn luôn giữ tấm lòng sắt son với lý tưởng và đồng đội !
Tôi biết anh không cần thiết, bận tâm đến sự vinh danh, anh nói chỉ làm những việc bình thường của một người lính với tinh thần " Uy vũ bất năng khuất " !
Rất tiếc khả năng viết lách của tôi có hạn, nên không diễn bày được hết những oai hùng và đoạn đường gian khổ mà anh Mãn đã kinh qua ... Tôi cố gắng trong những gì có thể làm được với tất cả tấm lòng chân thật, để mọi người biết Quân Lực của chúng ta đã có một con người, một cấp chỉ huy minh định vững vàng, kiên cường lập trường trong mọi tình huống như thế.
Riêng cá nhân mình, xin trang trọng nói rằng: ANH LÀ NGƯỜI HÙNG CỦA TÔI.


                                      
                                                                                            LÊ VĂN TRẠCH  
                                                                                         (Bản hiệu đính 2011) 

Ghi chú của tác giả:
Đây là LỜI VIẾT CỦA CỰU CHUẨN TƯỚNG VŨ VĂN GIAI - TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 3 BỘ BINH gởi cho CỰU TRUNG TÁ NGUYỄN TRI TẤN sau khi đọc PHÚT CUỐI TÂN LÂM :
" Đính không nói với tôi trước khi đầu hàng mà chỉ nhờ Đại Tá Chung Tư lệnh phó chuyển lời chào từ biệt - vì ngày hôm đó tôi vào Huế gặp TT Thiệu ra thăm, tới chiều tôi về mới biết. Đính đầu hàng mà không ai báo cáo gì cho tôi cả ! Tôi đâu có cho Đính toàn quyền quyết định ! Tôi đã gặp ngay cố vấn của Đính được trực thăng bốc về và tôi đã nghe ông ta nói những gì đã xảy ra . Nếu tôi biết được tôi đã ngăn cản ".

STARS and STRIPES - Thursday, May 4, 1972
The Cost Of Being A General
HUE, Vietnam (UPI) --The commander of a South Vietnamese division routed in the fighting in Quang Tri Province issued an emotional letter Tuesday night claiming "full responsibility" for the retreat.

In what he called a "letter from the heart" to men of the 3rd Div. at Hue, Brig. Gen. Vo Van Giai declared:

"The capital of Quang Tri Province is in ruins. Our food, our ammunition and all our fuel supplies are gone. Our force is exhausted.

"I see no further reason why we should stay on in this ruined situation. I ordered you to withdraw in order to fortify our units again from a new front to annihilate remaining Communist forces if they still engage in this wrongful war."

The letter was unprecedented in the Vietnam conflict. In it, Giai declared, "I bear full responsibility for history and the law for this withdrawal."

Giai has set up a new headquarters base about 18 miles north of Hue, the former imperial capital on Highway 1, about 400 miles north of Saigon.


Source: http://www.thebattleofkontum.com/stars/083.html

Ngày 4 – 5 - 72 trên tờ nhật báo Pacific Stars and Stripes của quân đội Hoa Kỳ, người ta đọc được bức thư của Tướng Giai bằng Anh ngữ, trong đó ông viết: “… Tôi chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm trước lịch sử và pháp luật về cuộc triệt thoái này. Thị xã Quảng Trị đã hoang tàn đổ nát. Lương thực, đạn dược và nhiên liệu dự trữ đã cạn . Các đơn vị tác chiến đã quá mệt mỏi. Tôi thấy không còn lý do nào chính đáng để ở lại bảo vệ những hoang tàn đổ nát ấy. Tôi ra lệnh cho các đơn vị dưới quyền triệt thoái trong trật tự, để tái củng cố lực lượng, thiết lấp phòng tuyến và mặt trận mới, để tấn công lại đối phương, nếu chúng vẫn còn duy trì cuộc chiến tranh đầy sai trái này…" 

VỀ PHILA ...

                                                                                          
Lúc gặp nhau ở Houston, anh Đông cho biết sau hội ngộ Oregon, anh khởi ra ý niệm muốn tổ chức gặp mặt Đồng hương Quảng Trị tại PHILA, cho nên nhân Đại Hội Liên Trường, Quý Anh trong Ban Chấp Hành cùng về đây tham dự để có một khái niệm chung, đồng thời rút ưu khuyết điểm và tham khảo ý kiến những đơn vị đã từng tổ chức và sau khi trở lại PHILA, mọi người đã bắt tay ngay vào việc, chẳng bao lâu sau, bà con nhận được Thư Mời với một chương trình phong phú hoàn chỉnh .
Chúng tôi được thông báo mọi diễn tiến tổ chức cũng như hồi báo của Đồng Hương, tất cả đều là tin tốt đẹp và gây phấn chấn! Thế là bạn bè ơi ới gọi nhau và hẹn cùng về PHILA để bên lề Đại Hội là buổi gặp riêng của nhóm Tù hoặc là bà con làng xóm, có điều thú vị là trước đó mấy tuần nghe được tâm sự của một đồng môn chia sẻ chuyện tình cảm và nói chuyến đi cũng là dịp để ra mắt ......
Tôi có một số người thân ở đó, nhưng muốn được nằm trong sự sắp xếp nơi ăn chốn ở của Ban Tổ Chức, nên làm theo mọi thủ tục như trong Thư Mời, tuy nhiên sắp đến ngày lên đường, anh Đỗ Bá Chi cho biết, sẽ ra đón và đưa tôi về nhà, thật là bất ngờ, thú vị . Anh là Bạn Tù, cùng nằm trong nhóm rất ít người được Ban Quản Lý Trại Hoàn Cát đặc biệt quan tâm, không cho đi làm ngoài; Anh và Nguyễn Hữu Khanh được phân vào Tổ ngành nghề, tôi và anh Nguyễn văn Tôn vào đội rau màu gồm những người già yếu, bệnh tật. Một hôm, đang chùi rửa chiếc xe ba gác chở phân người, ông Trưởng trại Nguyễn Quang To, đứng sau lưng tự hồi nào, bất thần hỏi : Cậu có biết vì sao trại biên chế cậu về đội rau màu trong lúc không nằm trong tiêu chuẩn ? Cách mạng làm gì cũng nghiên cứu, các cậu thuộc diện không biết chừng nào về cho nên được bố trí làm việc nhẹ, để sau này tha về còn sức khoẻ để lao động giúp vợ con ! (Tổ tam tam của chúng tôi có nhiệm vụ hàng ngày kéo xe ba gác chở phân người mà Lê Ly gọi là Công Ty Vận Chuyển Phân bón và phong cho anh A Nha làm giám đốc, tôi cầm càng là phó điều hành, còn anh ở sau đẩy là phó kế hoạch và kinh doanh - vì cải thiện rất giỏi !).
Đến PHILA sáng thứ bảy, 4 tháng 7 năm 2009, không được tham dự Tiền Hội Ngộ và du ngoạn New York, anh Chi dành cho tôi một căn phòng thoáng mát trên gác, nhìn được bầu trời xanh, rất yên tĩnh và thơ mộng, trưa hôm đó được chị chiêu đãi một bữa ăn với nhiều đặc sản quê hương ... Phòng khách của anh chứa đầy những vật dụng cho buổi Dạ Tiệc với sự chuẩn bị, sắp xếp chu đáo và khoa học .
Buổi chiều sau khi biết đoàn xe du ngoạn đã về, anh đưa tôi đến địa điểm dùng cơm tối do các bạn trẻ chiêu đãi, được biết đây là nhà con trai anh Trần Đình Điện, một bạn tù. Không khí thật vui nhộn, tôi nghe nhiều tiếng gọi tên mình. Lại gặp những khuôn mặt quen thuộc của Đại Hội Liên Trường năm ngoái: Vợ chồng Trần Ngọc Điềm, Trần văn Phỉ, Phan Sĩ Trung ... Tôi bắt tay Ngô Ngọc Hồng và bảo:
-          Anh làm mất mặt màu cờ sắc áo Nguyễn Hoàng đó nghe !
-          Đúng ra thì anh phải chia sẻ nỗi buồn với tôi, chứ sao lại trách !?
Lại nghe tiếng gọi khác, ngoảnh lui, thì ra là nhân vật có liên quan đến sự chia sẻ của Hồng !
-          Huynh ơi, lại đây .. giới thiệu với Huynh - anh Thọ - người bạn mà Muội đã kể mấy tuần trước.
-          Thật xứng đôi, xin chúc mừng.  
Đến chào Hội Trưởng Hội Đồng Hương Nam Cali, anh Quang chỉ người đứng bên cạnh rồi hỏi :
-          Có biết ai đây không ?
-          Quả thật là không
-          Anh Trúc, chồng chị Xiêm
-          Trời đất, nghe lâu rồi bây giờ mới gặp.
Tôi nhìn hai anh và tiếp :
-          Các anh có biết nỗi lòng cay đắng của những chàng trai Đông Hà Cam Lộ không ? 
-          Biết rồi, đừng giải thích nữa, nhưng trường hợp anh chị thì sao ?
-          May bà xã tôi ở ... bên tê rào !
(Số là bao nhiêu giai nhân ở hai nơi ấy đều được những người phương xa đến rước, riêng Cam Lộ, thế hệ đàn chị đa số được các thầy giáo quan tâm như chị Lượng, chị Hải, chị Hội, chị Chiêm .. hoặc chị Trinh, chị Ninh, chị Hà .. cùng lứa phần đông theo các Sĩ quan hoặc những viên chức khác như Tiến, Xiêm, Mỹ Công, Hạnh, Tâm, Ven, Lương, Trành, Phương ...)   
            Đang lấy thức ăn, nhìn vào góc hành lang, thấy mấy người đang chỉ chỏ về phía mình, tôi biết đó là ai ......
-          Chị Mùi phải không ?
-          Đúng rồi, vẫn còn nhớ giỏi đó.
-          Làm sao quên được mặc dầu đã 50 năm, tại hồi đó chị là người đẹp nhất lớp.
-          Thôi đừng nói tào lao nữa, đây là chồng chị .
-          Anh Thao thì tôi biết rồi, đã gặp lúc Hành Quân Lam Sơn 719 tại BTL/ TP/ Quân Đoàn ở Khe Sanh, rồi Đà Nẵng.
Chị Mùi tiếp :
-          Tên này hồi đó nhỏ nhất lớp và chăm học.
-          Tui nhỏ lên lo học, còn chị lớn, ham vui rồi đi lấy chồng . Chị đám cưới năm nào ?
-          Năm 62.
-          Lúc đó tôi đang học Đệ Ngũ !
Trong lớp Ba, Tư, Nhì, Nhất của chúng tôi hồi đó, có một số anh chị lớn tuổi, do chiến tranh nên đi học muộn. Chị Mùi là người vui vẻ, cởi mở và tuy mới học lớp Nhất mà đã ... trổ mã con gái, chị kể có mấy người lớn khuyên nên lấy một thầy giáo, nhưng chị lại chọn ông này.
            Tôi chào một người đến từ Canada:
-          Chị không biết tôi đâu, mặc dầu thỉnh thoảng có liên lạc, tôi nhắc đến một bức hình của chị hồi đầu thập niên 60 trong chiếc áo dài trắng trước căn nhà trọ của Thầy Thăng ở Cam Lộ …
-          Trạch phải không ?
-          Đúng 100%
-          Trước sau gì rồi cũng gặp.
-          Hứa qua Montreal nhưng lâu rồi không thấy ?
-          Đã hứa thì sẽ đi, chị phân phối hết Bóng Chiều Hôm chưa ?
-          Xong rồi, có người lấy hai cuốn  !
Đang nói chuyện với chị Diệu Minh, thấy anh Phan Gia Minh đi qua ...
-          Chị Lợi đâu, tôi là bạn cùng lớp đây ..
-          A, nghe tên bây giờ mới gặp.
-          Năm 2004 qua phó hội Nguyễn Hoàng ở Cali có về nhà anh chị mà ...
Chị Lợi đến, nói với anh Minh, có nhiều khuôn mặt trong lớp lâu ngày quên, nhưng tên này vẫn nhớ:
-          Trạch có liên lạc với Lý văn Thanh không ?
-          Rất ít, chỉ khi nào có chuyện
-          Lúc ni cũng đang có gặp mặt Sư Phạm Quy Nhơn, nhưng đi Đồng Hương Quảng Trị vui hơn ...
            Sau cùng là những khuôn mặt Cam Lộ quen thuộc, ngoài anh chị Thao Mùi, có anh chị Xiêm Trúc, vợ chồng Toàn Kiều, Nguyễn Hữu Diên, Trần Chí Hiếu ... Tôi đưa đề nghị là làm sao có một cuộc gặp gỡ bỏ túi để nói chuyện tào lao cho vui. Chị Xiêm bảo:
-          Thế thì tối mai tại nhà Tâm.
Nguyễn Hữu Khanh gọi cho biết kế hoạch gặp anh em Hoàn Cát chắc khó thực hiện, bởi chương trình kín cả rồi, không chen vô được, thôi thì chiều thứ hai đi.
-          Trưa thứ hai tui về rồi, dịp khác vậy.
            Sáng chủ nhật 5 - 7, anh Chi chở đến khu vực nhà hàng để anh Đông đưa qua khách sạn, nơi các xe bus đang đậu, gặp Nguyễn Ngô, một bạn tù !
        Là người đến sau, nên anh Lộc, Trưởng ban Tổ chức bảo chịu khó đợi một chút, cuối cùng được vinh dự lên xe số 1 ... Lại gặp nhiều người quen, anh Hà Xuân Toản kể chuyện ở Hoàn Cát, ở quê   ...
            Đang nói chuyện với một chị quê Phước Tuyền, nhưng ra ở Gio Linh, nghe tiếng Trần Minh Châu gọi (cái anh chàng này, đi đâu cũng gặp, kể cả về Đông Hà!) bảo là:
-          Trạch lên đây góp chuyện …
Tui nghe tiếng ai đó nói:
-          Chuyện vui thì tên này có cả bụng !
Câu chuyện Phú Ông kén rể với tiêu đề làm thơ mô tả sức chạy nhanh con ngựa quý của Ông làm cả xe cười lăn chiêng đổ đèn, chả thế mà khi xe dừng nghỉ, chị Lanh và Diệp cầm giấy bút bảo ghi lại (nên nhớ chị Diệp cũng là một tay kể chuyện tếu của Nguyễn Hoàng).   
            Trên lối về chỗ, nghe tiếng gọi và giới thiệu:
-          Tôi là bạn của Thái Thạch đây.
-          Trời ơi, đúng là quả đất tròn, cuối cùng rồi cũng xuất hiện. Nghe tên anh mấy chục năm nay  ...
Sau họp mặt Liên Trường, một hôm nhận được mail của TT, kể rằng tình cờ có người gọi đến, nhắc chuyện thời đi học, nhưng không nêu danh tánh, còn bảo là muốn biết gọi số 053 ... được trả lời là đang ở Mỹ nhưng không cho thêm tin tức gì Thạch nhờ tôi kiếm, chỉ 24 giờ sau, tôi tìm ra !
            Đoàn du ngoạn đi qua những khu vực nổi tiếng của thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi đây tôi đã đến thăm nhiều lần,  bây giờ đi vòng vòng và chụp hình lưu niệm. Buổi trưa đoàn được anh chị Khâm Hồng chiêu đãi tại nhà riêng, rất thịnh soạn và ấm cúng. Nhiều người cho rằng không ai có khả năng làm được như cặp này đâu ! Điều kiện chưa đủ, mà cần phải có một tấm lòng, việc này thì không chỉ ở DC, Maryland, mà mọi người ở nhiều nơi đều biết. Tôi có niềm vui riêng là được gặp lại thân phụ chị Hồng, một vị chỉ huy cũ với rất nhiều kỷ niệm.
            Đoàn xe trả bà con lại khách sạn, tôi được đưa đến Saigon Maxim vì anh chị Đỗ Bá Chi đang ở đây. Nhận điện thoại của Thái Trang Hữu cho biết hiện có mặt tại PHILA và sẽ đến ...
            Chưa tới giờ khai mạc mà bà con đã tấp nập, lũ lượt kéo về, mọi sắp xếp khoa học, thứ tự của Ban Tổ Chức đều không được thực hiện như ý muốn, ai cũng đi tìm người thân, bạn bè để trò chuyện, người điều khiển chương trình phải nhiều lần kêu gọi mới ổn định để khai mạc ...  
            Nhìn quanh hội trường đã kín chỗ, các bạn trẻ phải kê thêm bàn ở phía ngoài. Qua giới thiệu mới biết là hình như dân Quảng Trị ở khắp các tiểu bang đều về, thậm chí tận Hawaii, chưa kể một số đến từ Việt Nam và Canada, đặc biệt là một số vị trước đây làm công việc hành chính, từ Tỉnh trưởng, Ty Sở trưởng, Quận trưởng đều về tham dự, bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tấm lòng ơn nghĩa của Quảng Trị để tạo nên sự gắn bó chân tình tới hôm nay, ngoài ra tất cả các vị Hội trưởng ở các tiểu bang đều có mặt! Chương trình Dạ tiệc rất phong phú đặc biệt là phần văn nghệ, có nhiều tiếng hát tạo sự bất ngờ. Sự xuất hiện của tất cả cư dân Đông Hà trên sân khấu là một tiết mục thú vị nhất, biểu hiện tính vui nhộn, trẻ trung, yêu đời muôn thuở ...
            Dân Cam Lộ ngồi quây quần với nhau : Anh chị Thao Mùi, anh chị Diên, Trúc Xiêm, Quy Tâm, vợ chồng Toàn Kiều, Thái Tăng Hữu (nhân vật mà anh Trúc gọi là người không bao giờ " Say No " . Quả thật như thế, trong những lần chúng tôi đi Cali, Houston hay Phila trước đây, Hữu đều đưa đón ; trong dịp Hội Ngộ này, Hữu cũng đã chở về Atlantic City chơi ở nhà anh chị Diệu Tân, chỉ ngồi lại khoảng hơn một tiếng rồi ra sân bay - Đi và về 4 tiếng!). Người đến  sau cùng là anh chị Diệu Tân, một cặp vợ chồng hiếm có, rất hiếu khách và mến bạn. Nhớ mấy năm trước, mặc dầu mới quen, nhưng khi nghe chúng tôi về Washington DC, tham dự buổi gây quỹ xây dựng chùa Đông Hà do anh chị Khâm Hồng tổ chức, anh đã từ Atlantic City lái xe đón chúng tôi về nhà, dịp hội ngộ này cũng đang mời anh chị Phỉ Phụng về nhà chơi mấy ngày. Cách đây mấy tuần, anh Nguyễn Xuân Vân cho biết trong chuyến trở lại DC - Maryland dự định về New Jersey nhưng không thành, anh chị Diệu Tân lại sắm sửa thức ăn, lái xe lên và rủ thêm một cặp nữa, cùng nhau chèo thuyền ngắm sóng trên sông Potomac, cùng uống cafe trong một quán thơ mộng thanh lịch của người Pháp …. Cuộc sống chỉ cần chừng ấy !
            Ban Tổ chức với những người đầy kinh nghiệm và nhiệt huyết đã làm việc cật lực cả năm trời để có ngày hôm nay. Mọi người về tham dự được chăm sóc chu đáo từ món điểm tâm, chai nước trên xe, đến những bữa ăn chính trong 3 ngày liên tục, kể cả bữa tiệc thịnh soạn tại nhà hàng mà không phải bỏ ra đồng nào. Chưa có ở đâu như thế . Một điều đặc biệt mà chỉ có PHILA làm được, là đã kêu gọi sự ủng hộ, hợp tác nhiệt tình của các bạn trẻ, lực lượng này đã lo toan hầu hết những việc quan trọng như đưa đón, điều hành sắp xếp hai chuyến du ngoạn, trang hoàng sân khấu và quán xuyến mọi việc linh tinh khác.
            Âm vang của buổi hội ngộ đã vọng đến khắp nơi khi mọi người trở về. Tôi đã nghe những nhận xét bằng cảm xúc chân tình của Quý Chị từ Nam Bắc Cali, Boston, Minesota, Seattle … Cuộc tìm về đã thắt chặt, gắn bó tình nghĩa, lòng mến thương của người Quảng Trị với nhau. Tôi được nghe Ban Tổ chức ghi nhận sự thành công mọi mặt. Cũng có vài ý kiến khác, xuất phát từ góc nhìn cá nhân, bởi những chi tiết không vừa ý, nhưng xét cho cùng, không có sự tổ chức nào dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu cũng không có thiếu sót…. Khi nhìn lại, chúng ta nên đứng ở vị trí ĐIỂM KHÔNG, hết sức khách quan để xem sự thành công ở hồi chung cuộc.
            Xin cám ơn anh Đông, anh Lộc, anh Chi, anh Toản, anh Châu, anh Đán, anh Dục, anh Sự, anh Điện ... cùng Quý Anh Chị và các bạn trẻ đã cho chúng tôi một khoảng thời gian tuy ngắn, nhưng thật ấm áp. Chúng tôi đã đến và có được những thứ thật quý giá mà xem ra thật khó kiếm trong xã hội xô bồ, thực dụng này và cụ thể nếu không có cuộc họp mặt 3,4,5 tháng 7 năm 2009 thì không có ... chuyện VỀ PHILA hôm nay.