October 30, 2016

CHỢ PHIÊN CAM LỘ

 Tháng 10 năm 1558 (Mậu Ngọ), Thái Úy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng xuôi nam trấn nhậm vùng Thuận Hóa, đặt dinh trấn tại Ái Tử. Sau khi hoàn thành việc tổ chức hành chánh, tạo thế vững chắc về an ninh, quân sự, nhà Chúa nghĩ ngay đến việc phát triển kinh tế.

                                    

Do điều kiện địa lý đặc biệt, khí hậu khắc nghiệt, ít đồng bằng, lắm rừng núi, nông nghiệp không có thế mạnh như Đàng Ngoài, cho nên việc trao đổi hàng hóa là phương tiện quan trọng để vươn lên... Chính quyền và cư dân đã biết tận thu các nguồn hàng từ vùng cao đổ về đồng bằng, khi nội địa được phân phối nhịp nhàng thì cũng là lúc những mặt hàng giá trị được tập trung lại nhiều hơn để phục vụ xuất khẩu. Mạng lưới thu mua đường sông ra biển là dịp thương nhân ngoại quốc biết được các mặt hàng tốt, quý, hiếm xuất phát từ núi rừng... Thời điểm này người Tây phương cũng đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm kỹ nghệ, đồng thời thu mua tơ sợi và hương liệu cho châu Âu. Nói tóm lại, thương nghiệp chủ yếu là ngoại thương đã trở thành yếu tố phát triến ở Đàng Trong giúp nhà Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực, không được thiên nhiên ưu đãi để có thể đương đầu với một vùng đất có tiềm lực gấp nhiều lần ở Đàng Ngoài.

Lẽ dĩ nhiên, trước khi đến với các thương nhân nước ngoài, các sản phẩm từ miền núi này phải qua tay người Kinh. Nói cách khác, song song với hệ thống thương cảng sôi động, hoạt động mua bán trong nội địa giữa người Kinh và người Thượng cũng không kém phần nhộn nhịp, mà hệ thống chợ phiên chính là những trạm trung chuyển nguồn hàng từ miệt rừng xuống, từ miền biển lên.

Có rất nhiều nguyên nhân cho sự xuất hiện của loại hình chợ khá đặc thù: Chợ Phiên, tuy nhiên, những lý do phổ biến thường được đề cập:  xuất phát từ những khó khăn trong điều kiện giao thông buổi đầu, hàng hóa khan hiếm, cần có thời gian để tích lũy và vận chuyển nguồn hàng. Trong quá trình trao đổi, buôn bán, đội ngũ thương nhân thường ngầm quy định với nhau về thời điểm gặp gỡ, lịch họp chợ về sau … đây cũng chính là khoảng thời gian cần thiết để vận chuyển và tập trung hàng đối lưu. Không xuất hiện các hiệu buôn lớn như phố thị, hình ảnh chợ phiên thường chỉ là những lều quán tạm bợ, nhóm họp ở một số vị trí thuận lợi cho cả kẻ bán lẫn người mua, mà địa điểm của trung tâm hành chính, khu vực đông dân cư, hoặc điểm giao nhau trong mạng lưới giao thông thủy, bộ luôn là những chọn lựa mang tính điển hình.

 

Trong bối cảnh như thế, Chợ  Phiên Cam Lộ được hình thành: Chợ nằm cuối làng, cách sông Hiếu (Cầu Đuồi), khoảng 400 m. Nguyên xưa, chợ được nhóm ở cạnh bờ sông xóm Đông Định (Khu Bến Bàng - Tằm Tang), do bị hỏa hoạn và ngập lụt nên chợ chuyển về trước mặt Đình Làng và tồn tại đến ngày nay. Vào thập niên 30, có những thế lực cường hào trong làng muốn dời chợ lên Trào Ba (cách chợ cũ khoảng 400m về hướng Tây, Nam đường 71 trước xóm Đông Định). Triều đình phải cử các quan ra phân xử, quyết định để lại vị trí cũ.

Giang sơn thổ võ cũng linh

Bô tư ra tỉnh: Chợ Đình như xưa

Trong thời Pháp thuộc đã có lần chợ phải dời lên làng Tân Tường, xã Cam Tuyền, nhưng sau đó cũng trở lại chỗ cũ.

Lúc đầu chỉ là chợ địa phương, nhưng do ngày càng phát triển và để thuận tiện cho khách thương từ các tỉnh Bắc - Nam đến mua bán nên được quy định nhóm vào các ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hăm ba, hăm tám âm lịch. Chợ nằm ngay trước đình làng với những tán cây sanh, bàng, nhãn, ngô đồng che mát tạo nên một cảnh quan rất thông thoáng, ba phía khác là dãy phố khang trang bán vải vóc, tạp hóa, đường 71 đi ngang phía trước chợ.

Theo sử liệu thì từ rất sớm các chúa Nguyễn đã có một tầm nhìn chiến lược về kinh tế, thương nghiệp, nhà Chúa đã cho mở một loạt chợ như chợ Kênh, chợ Cạn, chợ Ngô Xá, chợ Sải, chợ Sòng, chợ Cầu, chợ Huyện, chợ Phiên Cam Lộ.

Thời kỳ này, Cửa Việt trở thành cảng biển của Đàng Trong, tàu buôn các nước Trung Quốc, Nhật, Bồ Đào Nha tấp nập ra vào biến thành một nơi đô hội lớn. Tàu nước ngoài bán các loại gươm, giáo, áo giáp, diêm sinh, đồ sắt, đồ đồng, vải v...v... và mua trầm hương, ngà voi, sừng tê giác, quế, hồ tiêu, tơ, dứa, mít, gỗ quý, chai phà, cánh kiến... Vì thế, chuyện trao đổi mua bán thu hút đông đảo người Kinh, người Thượng, người Lào trên lối mòn qua núi, trên sông Hiếu, đến chợ Phiên Cam Lộ.

Các Chúa Nguyễn  cũng có thái độ rất cởi mở đối với việc buôn bán qua Lào.. Trong  sách Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn chép :” Họ Nguyễn trước thường sai người đem cho nước Lạc Hoàn và nước Vạn Tượng các đồ dùng , họ vui lòng đổi chác, tùy thời dâng đồ cống, thông mua bán, công tư được đầy đủ . Người buôn ở các xã thường mang muối, mắm , cá khô, đồ sắt, đồ đồng, hoa xuyến, thoi bạc và các đồ lặt vặt đến người Man (Lào) đổi lấy các hàng hóa thóc, gạo, gà ,trâu, gai, sáp, mây, dó,vải Man (thổ cẩm), cũng có một phiên chợ Cam Lộ , (người Lào) lùa tới 300 con trâu đến bán, giá một con trâu không quá 10 quan tiền, giá một con voi chỉ hai hốt bạc và một khẩu súng nhỏ (2 hốt bạc = 50 quan tiền) . Ngay cả những vùng ở Trung Lào như Trấn Minh, Qui Hợp cũng vào”

Phần lớn khách buôn đi bộ, gùi, cõng, gánh, hoặc lùa (đối với trâu). Người Lào cưỡi voi chở hàng vượt núi về Chợ Phiên . Một con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh 20 bát. Nói chung voi vừa là phương tiện đi lại, vừa là mặt hàng mà nhà Nguyễn rất cần.

Đây cũng là nơi quy tụ hàng hóa, nhu yếu phẩm: Hàng từ Huế ra theo đường ven biển, ngược sông Hiếu lên chợ Phiên Cam Lộ thường mang theo nón bài thơ, đường phèn, đường phổi, thuốc bắc, gia vị... Hàng từ Quảng Bình vào có trứng vịt, đồ gốm, hàng đan lát.

Nói chung, chợ Phiên Cam Lộ là một thị trường đa dạng.

Hàng hóa miền ngược: Ngà voi, lông đuôi trĩ, trầm hương, hương nén, da trâu, sáp ong, mật ong, sừng trâu, sừng tê, nhựa thông, da hươu, nhung hươu, lông đuôi công, tộc hương, hồ tiêu, sa nhân, đậu khấu, mây, song, ngựa, trâu, vải hoa làm màn, bạch mộc hương, gai, da thú, cùng các thứ thổ cẩm hoa trắng, vải bông trắng, vải bông xanh, lá nón, bí xanh, nếp, thóc đen mây, song tre, mai rùa, nhung nai, gạc nai, thuốc lá, bạc, heo, gà..

Hàng hóa miền xuôi: mắm, muối, cá khô, nước mắm, nồi đồng, chiêng, ché, gốm, mã não, bạc, thoa, xuyến, rìu, rựa, dao, cuốc, áo quần, trang sức, chén bát, soong nồi nhôm, rượu, bật lửa, giày đen, xà phòng, dầu hỏa, nón, mũ, các loại thực phẩm, hải sản, bún bánh... dân địa phương thì có rau quả, nông sản...Chợ Phiên được xem như ngày hội của dân trong vùng, ngoài các nơi xa đến bằng đò xe, cư dân trong vòng bán kính 7- 10 cây số thường gánh gồng đi bộ. Dân địa phương hầu như nhà nào cũng đi, đôi lúc chỉ vào xấp lá chuối, mụt măng.

Đặc biệt, các thương lái người Kinh đã thấy được muối là nhu cầu thiết thân của người Thượng, nên họ đã chọn muối là một trong những mặt hàng chiến lược để giao thương với người miền Ngược. Thực tế, muối đã đem lại cho họ những khoản lợi nhuận bằng hiện vật hết sức khổng lồ:

Muối ăn, đối với đa số người Thượng là hết sức khó khăn. Họ phải đổi với giá rất đắt: một con gà trống to chỉ đổi được một chén uống nước muối, một con trâu to cũng chỉ đổi được bốn gùi muối (khoảng 40 kg). Nhà nghèo, cả năm rất ít khi được ăn muối biển.

Trong một cách hiểu nào đó, muối là một thứ “tiền trắng” có giá trị cao của người Kinh. Giá trị ấy có được không chỉ bởi sự thiếu thốn hạt muối biển của các cộng đồng miền ngược, mà còn bởi những tộc người này có thể dễ dàng khai thác nguồn lâm thổ sản có sẵn của núi rừng.

Có một vị trí nhỏ ít ai nhắc đến nằm trong hệ thống với chợ Phiên là chợ Bến Đuồi, sát bờ sông bên cạnh Cầu Đuồi, cách Chợ Phiên khoảng 300m được nhóm trước Chợ Phiên một ngày: Ở đây chủ yếu bán gia súc, gia cầm, vật liệu xây dựng, nông cụ, than củi... những hàng này sau khi mua được sắp xếp gọn vào thuyền bè trong đêm, đến sáng thương nhân mới lên chợ Phiên để mua bán những mặt hàng gọn nhẹ.

Thông qua việc trao đổi buôn bán giữa các vùng miền trong nước và quốc tế, Chợ Phiên Cam Lộ đã trở thành một trung tâm buôn bán tấp nập nhờ có ưu thế giao thông thủy bộ... trên bến dưới thuyền với nhiều cửa hiệu sầm uất. Luồng thương nghiệp mạnh mẽ này đã tạo điều kiện để hình thành “con đường hương liệu", cũng có nhà nghiên cứu nói đến "con đường hồ tiêu", "con đường muối" khai mở cho một hành lang kinh tế năng động trên Quốc lộ 9 sau này.

Luồng buôn bán mạnh mẽ hai miền xuôi ngược qua Chợ Phiên đã tạo nên sự giao lưu văn hóa, tiếp nhận sớm những văn minh tiến bộ từ các phố thị , đồng thời tạo nên sự đồng cảm dân sinh giữa người Việt, dân tộc thiểu số và các bộ lạc Lào. Sự phồn thịnh của Chợ Phiên đã kéo theo những phát triển hài hòa các mặt khác, tạo cho Cam Lộ có một khuôn dáng rất đặc biệt so với các vùng quê Quảng Trị, bởi thế nhà thơ dân gian Lê Cặn, trong thập niên 30 đã mạnh miệng bảo rằng:

Cam Lộ là tiểu Trường An

Thượng thành, hạ thị, thương gia, học đường

Ngày nay trong điều kiện kinh tế toàn cầu hóa, một số nhu yếu phẩm đã được thương nhân đưa đến tận các bản làng xa xôi, chợ Phiên lại nằm sát xa lộ Xuyên Á và xa lộ Trường Sơn, nhưng dân chúng địa phương vẫn giữ truyền thống tốt đẹp tổ tiên đã kiến tạo.

Chợ Phiên đã thấm sâu vào máu thịt quần chúng. Với người dân làng Cam Lộ, nhắc tới chợ Phiên, ai ai cũng tự hào, lòng dâng lên nỗi bâng khuâng, xao xuyến vì đây là một di sản văn hóa huyết thống có tính đặc thù đã đi vào sử sách.

 


June 9, 2016

ĐỌC L.T. ĐÔNG PHƯƠNG

 

 

Chưa có dịp diện kiến, nhưng ai sống gần hoặc tiếp xúc với chị đều cho rằng chị là người hồn nhiên, cởi mở, vui tính...  Những hôm lễ, tết, chị rất điệu với tà áo dài tha thướt, dáng nét trẻ trung... Trong một lần nói chuyện, chị kể vừa đi dự đám cưới tổ chức ngoài trời trong không gian thông thoáng với cảnh quan hài hòa, thơ mộng, nghĩ rằng về nhà ít ra cũng làm được một vài bài thơ, nhưng khi ngồi xuống, giấy bút sẵn sàng thì không ghi được chữ nào. Tôi bảo: Đúng rồi, bởi vì “nguồn thơ” của chị không khởi đi từ những hình tướng với sắc màu kiều diễm như thế!

Những biểu hiện bên ngoài chỉ là lối hành xử đời thường để hòa theo dòng người mà sống. Đằng sau ấy là tấm lòng đầy ắp sự xúc cảm, ngổn ngang trăm mối, như cây đàn nhiều sợi tơ, chỉ cần chạm nhẹ là rung lên theo cung bậc. Trong cuộc sống thỉnh thoảng có những tâm hồn như thế và chị là một – đó là nhà thơ L.T. Đông Phương, người gốc Diên Sanh, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Hiện nay chị đang cư ngụ tại San Jose – Cali.

Từ rất sớm, ở góc làng quê, tâm hồn thơ ngây trong trắng của "cô bé" L.T. Đông Phương dường như gặp sự va chạm tình cảm thật mạnh, làm dao động và tạo dấu ấn thật sâu, dai dẳng.. Có thể do nguyên cớ ấy kết hợp với những yếu tố khác đưa đẩy, chị đành phải ngậm ngùi lìa xa nơi một thời gắn bó. Hai nỗi buồn quyện lại hình thành một khối đớn đau dung chứa bao mất mát, cô đơn... Những phân tử ấy gặp nhau tạo thành những phản ứng dây chuyền và cộng hưởng với những âm thanh tác động, dẫn dắt tâm hồn chị đến mọi ngõ ngách trong khoảng tối cuộc đời. Những điều ấy dường như tụ ở điểm gãy của cây Gió, theo năm tháng hình thành một thứ trầm kỳ, ngát hương quý giá...

Tình yêu, đề tài muôn thuở của nhân loại và giai đoạn kiếm tìm, khai mở hò hẹn là thời kỳ đẹp nhất với bao niềm vui, dệt mộng ước mơ, cứ tưởng muôn đời nắm giữ:

Từ đó tình anh em ấp ủ

Bao lần gương lược thấy em tươi

Trên nương dưới rẫy em thầm nguyện

Muối mặn gừng cay chỉ một lời

Bằng một tình yêu mãnh liệt với lời thề nguyền kết dính, nàng chủ quan, độc quyền chiếm hữu:

Tóc thề buông vấn vít trái tim anh

Em trói chặt một đời anh phiêu lãng

Nhưng sự đời vốn không tròn trịa như ta tưởng, chẳng mấy chốc nắng sớm, mưa chiều, chàng đành đoạn quay lưng để nàng một mình tàn phai nhan sắc với bao điều phiền muộn:

Xơ xác tóc xanh ngày nắng hạn

Vàng phai má thắm lạnh tàn đông

……

Vò võ sớm chiều em ngóng đợi

Ai ngờ câu muối mặn, gừng chua!

……

Chân bước qua dòng sông cạn nước

Nhớ lời thề thốt ruột bầm đau

Bờ sông con nhái đừng kêu nữa

Ta trĩu đôi vai một gánh sầu!

Người phụ nữ vốn giỏi chịu đựng và thủy chung, trước nghịch cảnh ngăn cách, nhưng vẫn luôn hoài niệm về người tình với những ước hẹn ngày xưa:

Em yêu người từ thuở tuổi vành khuyên

Vai áo mỏng nặng nề câu vàng đá

Nắng sớm mưa mai chăm chút hương nguyền

Nàng trân quý tình yêu đầu đời, nên vẫn còn chút niềm tin, mong manh đợi chờ ngày trở lại:

Đợi chờ người, ướp thơm tà áo lụa

Bằng trầm hương tôi ngậm ngải đi tìm

Bằng mê đắm khi tay lần mở cửa

Thấy mặt trời chợt sáng chói trong đêm

Nàng bước đi với muôn người theo vòng quay của đất trời, nhưng vẫn canh cánh bóng hình người xưa cũ, mỏi mòn qua bao mùa lá rụng:

Vẫn đợi người đêm mịt mùng bóng tối

Trăng phai rồi, trắng xóa cõi hồng hoang

Nghe giục giã những hồi chuông thống thiết

Nghe trong em năm tháng đã phai tàn

Hiếm có người con gái nào gìn giữ, chắt chiu cuộc tình như thế, cho dù mai này xác thân cạn kiệt, lặng yên vẫn đợi chàng về trong phút cuối:

Đợi người về đốt que diêm cuối

Có tôi ngồi im vắng suốt đêm thâu

Người nhớ khẽ lay tôi bằng tiếng gọi

Biết đâu chừng tôi hóa đá từ lâu

Tình yêu của L.T. Đông Phương là vậy, không giăng đèn kết hoa hay êm xuôi đằm thắm, mà đầy nghiệt ngã, có thể đôi khi pha chút giằng xé giữa mộng và thực, nhưng đó là chất liệu để “nàng thơ” nhả những sợi tơ mượt mà óng ánh.

Ngoài Tình yêu với quay quắt nhớ thương ấy, trong thơ chị, dòng chảy của kỷ niệm từ tình mẹ cưu mang con trẻ đến tình quê hiền hậu như củ khoai, củ sắn, như những chắt chiu hình ảnh xóm làng, dòng sông đã quyện lẫn nhau. Chị đã đem trao hết nỗi lòng đau đáu nhớ thương ấy thả xuống dòng thơ - để dẫu tất cả là nỗi niềm xưa nhưng sẽ sống mãi trong hồn chị, như một chút gì bàng bạc của cánh buồm xa đợi gió nồm đưa về lại bến cũ.

Và tình quê trong chị, do thời cuộc chị đã phải rời xa quê hương mình, cho dù bởi lý do nào đi chăng nữa, thì phút chia tay là khoảnh khắc ảm đạm, dấy lên bao nỗi niềm trong lòng người đi kẻ ở. Nhất là với tuổi thơ, một quãng thời măng sữa quẩn quanh trong nếp nhà nhỏ, khu vườn xinh xắn, đường đi lối lại cùng những khuôn mặt gần gũi, thân thương bỗng chốc phải bỏ lại để đến một nơi nào đó lạ lẫm xa xôi...

L.T. Đông Phương cũng ra đi trong tâm trạng như thế, lòng đau như có vết dao cắt:

Mùa xuân ấy ra đi không trở lại

Xa quê hương như lá phải xa cành

Còn đâu nữa một thời yêu dấu cũ

........

Có đợi ta không con đường ngày cũ

Quê hương ơi tha thiết gọi tên người

Những sáng, những chiều không biết sao vơi

Lòng quặn thắt nhưng phải đành đoạn và ai ngờ một lần đi là biền biệt, có khoảnh khắc nhung nhớ là "ruột đau chín chiều":

Đời chia trăm hướng người muôn ngả

Tan nát lòng theo những bước đi

Chốn cũ ai về cho nhắn gởi

Quê người xuân đến giữa phân ly

....

Nghẹn ngào dõi mắt về quê cũ

Chỉ thấy trời mây xám một màu

Khung trời quê hương cách xa ngàn dặm, những lúc bâng khuâng nhớ về bóng dáng mẹ lúc nào cũng hiện ra và từng chi tiết của những chăm sóc trìu mến, những khổ nhọc từ ngày đầu con hiện hữu:

Những khi buồn vẫn nhớ lời mẹ kể

Góp mặt đời con chẳng có gì vui

Xót thương mẹ những chuỗi ngày khốn khó

Tràn ngập tim con thương nhớ ngậm ngùi

Cả đời mẹ chỉ lo cho con suốt ngày đông tháng hạ, vất vả khôn nguôi. Thế mà khi mới lớn con bỏ mẹ mà đi, chẳng có một lần chăm sóc, bây giờ có bao nhiêu lời trần tình cũng không thể nào bù đắp được.

Ra đi cũng tưởng sẽ có ngày trở lại, nhưng thế sự đưa đẩy dập dồn ùn tắc, đưa con đi xa hơn, đến lúc cha già, bè bạn nằm xuống cũng không có mặt để nhìn lần cuối, đi sau quan tài đến nơi an nghỉ:

Đưa em về thắp nén hương muộn trễ

Nhớ cha xưa từng vất vả đồng sâu

Đời buồn thiu tóc mẹ trắng mái đầu

Nấm mộ nhỏ phủ xương tàn bè bạn

Và nữa, những ngày theo mẹ về ngoại có lẽ là những lúc êm đềm nhất, nhưng khi nhớ về thì không là như thế mà hình dung ra bóng ngoại hiu hắt, quạnh quẽ:

Khi chợt tỉnh, bóng ngoại buồn in vách

Con lớn lên rẽ đường đi hướng khác

Đời nổi trôi sóng nước chốn quê người

Vinh nhục bao lần cười khóc đầy vơi

Mưa bão trong đời mình con nhận đủ

Trong tâm tưởng vẫn ghi hình ảnh cũ

Nỗi quay quắt tận cùng vẫn là mẹ. Con theo năm tháng nổi trôi, mẹ tuổi già còm cõi, đến lúc cuối đời con vẫn ở nơi xa xôi, không nắm được tay mẹ để giữ hơi lần cuối:

Đau lòng con biết mấy

Thương nhớ làm sao nguôi

Thầm gọi mẹ hiền ơi

Tuôn trào dòng lệ chảy

Bằng những mất mát, cách xa, cứ tưởng như thế là đủ theo quy luật thừa trừ có phần châm chước cho phận má hồng. Nhưng không! Thử thách cứ theo chân trên bước đường lưu lạc:

Nhớ xưa áo lụa vàng trong gió

Xây đắp lâu đài giữa mộng mơ

Đâu biết cuộc đời như trái đắng

Tháng năm nếm trải đến không ngờ

Để từ một cô gái quê chân chất, đôn hậu, muốn hòa vào vòng quay nhân thế, nàng phải hóa trang thành khuôn mặt khác tạo sự đối kháng nội tâm, hành hạ thân xác mình, biết thế nhưng phải chấp nhận vì không có sự lựa chọn nào khác:

Ta lạc lõng theo dòng đời cuốn hút

Lòng rất thật phải nói điều không thật

Gắng gượng ngọt ngào để thế nhân vui

Ta dấu buồn sau những nụ cười tươi

Đem cay đắng chôn sâu vào lồng ngực

Sự đối kháng nội tâm cùng những nghịch lý luôn rình rập trên từng bước chân đi, đôi khi nàng muốn xa lánh tất cả tự mình gậm nhấm nỗi đau:

Đừng ví mình như một cách chim

Chim bay tôi biết nẻo đâu tìm

Gánh sầu tôi chạy quanh trời đất

Chỉ một mình tôi với bóng đêm

Nhưng như thế vẫn không yên, chính khi thu mình trong cô đơn, bão lòng lại nổi lên, quặn thắt, chới với... tưởng như mấp mé bên bờ tuyệt vọng:

Tôi về trong một căn phòng vắng

Mưa gió muôn phương kéo lạnh về

Có cả một vầng trăng góa bụa

Theo tìm trong suốt những cơn mê

Cứ ngỡ bằng những đớn đau khổ lụy như giông tố phủ lên cả cuộc đời sẽ làm chai lì, thui chột mọi cảm nhận; ngược lại, nó như kim cương mài dũa, cảm xúc thêm sắc sảo, nhạy bén... Xã hội đảo điên, nhiều phận đời khốn đốn, bị đẩy vào những cảnh đắng cay... Đó là chuyện thường tình, nhưng đối với chị, không thế...  Tình cờ gặp người em xóm nhỏ, một thời "Đơn sơ áo trắng lòng trong trắng, Em dệt bao nhiêu ước mộng đời" nay đang thấp thoáng trong ánh đèn mờ ảo "Son phấn vùi chôn dấu vết đời" làm chị ngỡ ngàng, quặn thắt:

Lơi lả em cười quên đắng cay

Đèn mờ nhuộm tím tuổi thơ ngây

Quán đêm gặp lại người năm cũ

Đau xót lòng tôi em có hay...

Cơn hồng thủy 1975 làm đảo lộn tất cả vị trí trong xã hội, mọi người đều ở tận cùng một giai cấp để ... kiếm ăn, đang tần tảo ngược xuôi nuôi đàn con dại, gặp thầy: “Oằn vai vì cơm gạo - Thầy gò lưng đạp xe - Mồ hôi tuôn ướt áo - Đón đưa khách đi về”

Chị nghẹn ngào, ray rứt:

Đời không như sách vở

Chữ nghĩa chẳng no lòng

Em nhìn thầy rưng lệ

Thầy nhìn em ngại ngùng

Và cuối cùng, một chữ tình cứ làm đắng lòng chị:

                        Người hẹn cùng tôi phơi tóc bạc,

                        Dệt thơ trăng sáng tỏa lưng đồi

Nhưng người không giữ lời hẹn ước, nửa chừng quay lưng... Chị hụt hẫng như vết chém ngang đời, nhức nhối, mung mủ, di căn qua từng cơ phận khác, bệnh hoạn cả châu thân... nhưng không bỏ cuộc, tự mình chẩn đoán, đứng dậy tìm phương cách:

Đành lên núi thẳm tìm cây thuốc

Về dựa lều tranh xoa vết thương

Cây thuốc là chữ nghĩa thoát ra thành vần điệu, giải tỏa mọi ức chế.

Tôi đã đọc những gì chị viết trên diễn đàn, kỷ yếu, tạp chí, đặc san... phần nào nắm bắt được nguồn thơ và cảm được hồn thơ của chị: Chị gom phụ bạc, chia ly, nhung nhớ, phủ phàng, thất bại... nói chung là nỗi khổ niềm đau vào nồi chưng, để cất, chắt lọc thành hương hoa rất riêng trao cho đời.

Có ai đó nói rằng:"Người nghệ sĩ sáng tạo thơ văn là thượng đế", bởi vì dưới ngòi bút, họ cho những nhân vật biến hóa khôn lường. Riêng tôi lại nghĩ rằng nhà thơ là sứ giả của thượng đế, được phái xuống trần gian với thiên chức nghe, nhìn, cảm nhận những gì ẩn sâu trong tâm thức con người, rồi diễn bày ra, qua ngôn ngữ, kết hợp với nhịp điệu cá biệt của mình để đánh động trở lại.... Lúc đó không còn là tâm sự cá nhân mà hoá thành tiếng lòng chung thổn thức... như cây hương được đốt, lan tỏa vào không gian... Có lần chia sẻ chuyện văn chương, tôi mạnh miệng bảo là sự nghiệp thi ca của chị được chất chứa trong hai câu thơ… Không đợi cho tôi nói tiếp, chị đọc:

Biết về hái hết rừng sim chín

Uống cạn dòng sông chẳng thấy người

Nhân gian chỉ cần "ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước" là đủ để tìm thấy "người thương", thế mà... Chị băng qua khu đồi trơ lá, chân chạm nhẹ vùng cát khô mịn ở đáy sông, cứ thế mải miết bước đi, không chỉ tìm duy nhất… một con người, nhưng là đi tìm tất cả hoài bão để bù đắp bao điều mà ý thơ đã gói ghém, ẩn dấu như khát vọng cả đời chị cưu mang....