July 31, 2021

HẠNH NGỘ

Lê văn Trạch

Khởi đi từ một bài viết được ấp ủ nhiều năm: “Nhà văn Doãn Dân: Phận đời nghiệt ngã" Nguyệt san KBC đăng vào số tháng 7 năm 2020, rồi được đọc trên Youtube. Đến tháng 10, tôi liên lạc với gia đình nhà văn Doãn Dân, từ đó mọi tiếp xúc được gắn bó đến thân tình, anh Nguyễn Đình Hiếu trong Ban Biên tập Nguyệt san KBC có sáng kiến là nên tìm kiếm tất cả những tác phẩm của nhà văn, cùng những tạp chí có số Tưởng niệm và những người khác viết về Ông để in thành một tuyển tập, có tên là Tuyển tập Doãn Dân.

Nhóm thực hiện "Tuyển tập Doãn Dân" từ trái sang:

Nguyễn Đình Hiếu (Cali), Như Thương (Florida),

Trần Doãn Thúy Khanh (San Antonio, Texas), Lê văn Trạch (Tennessee)

 

Thế là nhóm thực hiện được tổ chức gồm bốn người từ Cali, San Antonio, Florida và Tennessee. Sau mấy tháng làm việc cật lực, cùng với lời mời của gia đình nhà văn Doãn Dân, chúng tôi sẽ gặp nhau tại Virginia, cùng ngồi lại xem xét nội dung để có kết luận chung trong việc hình thành một tác phẩm, bên cạnh đó là vấn an bà quả phụ Trần Doãn Dân và gặp năm người con gái, rồi đi New Jersey thăm nhà văn Trần Hoài Thư, bạn thân của nhà văn Doãn Dân lúc hai người cùng phục vụ một đơn vị, cũng là người Chủ biên Thư Quán Bản Thảo, đã có công rất lớn trong việc đi tìm những tác phẩm của nhà văn Doãn Dân ở các thư viện.

Sân bay quốc tế Dulles tấp nập khách đi về, nhưng không khó khăn lắm cho người đưa đón. Trời trong xanh, mát mẻ, tôi đứng đợi, vừa nôn nóng, vừa phấn chấn trong lòng. Hằng năm vẫn thường có các chuyến đi, nhưng đến gặp những người quen và chương trình định sẵn. Lần này ngoài mục đích chính, tôi mang tâm trạng khác với những hoài niệm của gần 50 năm, cảm xúc và sự kiện tự nhiên kéo về, kết nối đưa đẩy để duyên đủ tròn. Không phải là mấy ngày cuối tháng 4 năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị đầy hoảng loạn trong biên giới mong manh giữa sống và chết, mà là không gian bình yên vào một buổi sáng đầy nắng tháng 5 ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, bóng dáng của một thiếu phụ bước chậm, dồn nén thổn thức với tâm thái tuyệt vọng, khổ đau. Hình ảnh hiếm hoi ấy cứ dai dẳng theo tôi cho đến bây giờ.

Cháu Thúy Uyên đến đón đúng giờ và dẫn tôi đến nơi Bác Gái đang ở. Thời gian không làm phai đi nét quý phái và tri thức. Hôm nay thì tôi thực sự được tiếp xúc, một điều mà trong mơ cũng không nghĩ tới, các cháu giới thiệu và nhắc, không nhớ bất cứ chi tiết nào, nhưng bà ghi nhận và cám ơn sự có mặt của tôi, như là một nhân chứng. Qua đó các cháu mường tượng ra được hình ảnh của Bố với những gian truân bất trắc trong những ngày cuối đời.

 

Bà quả phụ Trần Doãn Dân và tác giả

 

Chúng tôi được tiếp đón trang trọng bằng tiếng đàn Piano thánh thót điêu luyện của chủ nhà - cháu Út Quỳnh Như cùng hai cháu nhỏ. Căn nhà được bày biện kết hợp hiện đại và cổ kính, mọi thứ được xếp đặt đúng vị trí trong không gian mở rất hài hòa, cho cảm giác nhẹ nhàng, thân thiện. Khách phương xa hòa chung trong không khí gia đình, gần gũi ấm cúng, chuyện trò rôm rả vui tươi, căn nhà rộn lên như sự trở về của người thân.

Nhà văn Doãn Dân ra đi khi các cháu còn rất nhỏ, những kỷ niệm với Bố chỉ còn lờ mờ trong tâm thức với thời gian tiếp xúc ngắn. Trong sự khao khát muốn biết rõ hơn về nhân thân, ngoài việc tìm kiếm những liên hệ trong đời lính và nhóm bạn văn, các cháu muốn tìm tất cả sản phẩm trí tuệ của Bố để hình thành một tập sách như một lễ vật dâng lên nhằm bù đắp những mất mát, những ước nguyện còn dở dang khi chiến tranh đã mang Ông đi lúc tuổi đời còn rất trẻ …

 

Thảo luận tiến hành Tuyển tập

 

Đây là thời điểm chín muồi để mọi người hội tụ về cùng nhau đi đến chung cuộc sau một thời gian dài mỗi người đảm trách một việc cùng những ý kiến riêng lẻ, đặc biệt là tất cả các cháu được biết tường tận nội dung cũng như cách thức trình bày tuyển tập, mọi góp ý đều được ghi nhận, cân nhắc và bàn thảo đi đến sự đồng thuận để có một tập sách tương đối hoàn hảo. Còn quá sớm khi tính đến chuyện ra mắt và phát hành, tuy nhiên đây là cơ hội hiếm có của bước chuẩn bị để có khái niệm cơ bản trong diễn tiến thực hiện.

Tuyển tập Doãn Dân không đơn thuần là một tác phẩm chỉ có sự liên hệ giữa tác giả và độc giả mà mang ý nghĩa khác thiêng liêng mầu nhiệm, gắn kết tình yêu thương của con cháu với người đã khuất, đặc biệt truyền thống sinh hoạt của chị em chỉ gói gọn trong gia đình để có sự ấm cúng cần thiết, do đó tạm thời cùng đồng thuận với nhau, việc ra mắt sẽ được tổ chức tại nhà vào dịp 50 năm ngày nhà văn mất như là một lễ giỗ, mọi chuyện do gia đình chủ động.

 


Ba ngày đầu gặp gỡ xen lẫn giữa việc thảo luận về Tuyển tập là những buổi dạo chơi, thăm viếng, chuyện trò thật vui tươi cởi mở, đồng thời chuẩn bị cho chương trình kế tiếp: Đi New Jersey thăm nhà văn Trần Hoài Thư người còn giữ nhiều kỷ niệm với nhà văn Doãn Dân trong mấy năm cùng phục vụ tại Sư đoàn 22 Bộ Binh, đặc biệt sinh hoạt văn học nghệ thuật.

Khu phố nhỏ yên tĩnh, còn đường với hai hàng cây thẳng tắp dẫn đến căn nhà bề ngoài trông khiêm tốn, nhưng đây là Trung tâm Phục hoạt cả một nền văn học nghệ thuật miền Nam. Từ xa đã thấy Ông đứng ngay ở cửa vẫy tay chào, dáng gầy dong dỏng cao, tôi không nhận ra so với những hình ảnh đã thấy trước đó. Mọi người lần lượt vào nhà, phòng khách hẹp chỗ nào cũng đầy sách, đủ các thể loại và các thứ linh tinh khác.

 

Tại tư gia nhà văn Trần Hoài Thư

 

Không gian như lắng xuống, trong lòng ai cũng có cảm giác ngậm ngùi cảm động khi nhà văn Trần Hoài Thư nhắc đến tháng ngày gian khó nhưng ấm áp cùng với gia đình nhà văn Doãn Dân tại Quy Nhơn. Trong một phút xuất thần, Bà quả phụ Trần Doãn Dân rất tỉnh táo, nói rằng: "Tôi rất cám ơn Ông đã nhắc đến những kỷ niệm với nhà tôi”, các cháu rất vui khi được nghe như thế! Ông vẫn nhớ như in hình ảnh nhà văn Doãn Dân lái chiếc xe Dodge lên doanh trại đơn vị thăm Ông sau mỗi chuyến hành quân, các cháu rất náo nức, muốn biết thêm nhiều điều chung quanh Bố: Là Sĩ quan Tham Mưu, Ông luôn chững chạc trong bộ quân phục thẳng nếp, giày láng bóng và mái tóc được cắt tỉa gọn đẹp. Vốn tính cương trực thẳng thắn, nhưng rất khiêm cung hòa nhã với mọi người, xem tài năng viết lách như một sự đóng góp nhỏ nhoi cho nền văn học thời chiến, chẳng có gì to tát, đó là điều mà nhà văn Trần Hoài Thư ngưỡng mộ và kết thân.

Những tâm tình chia sẻ chuyện riêng tư, chuyện văn nghệ tiếp tục diễn ra vào buổi uống trà tại khách sạn hay trong những quán ăn. Ông say sưa nói, chân thành và cởi mở, hình như lâu lắm mới có được những lần như thế này trong không khí chan hòa cảm thông, cho nên đã trải lòng ra, nhớ đâu nói đó về mối tình đầu, về khoảng cách mong manh giữa sống và chết, chứng kiến những cái chết tức tưởi đắng lòng mà bất lực. Ông sống cô đơn và chăm sóc người vợ đang bệnh Alzheimer's trong Nursing Home, bằng tình yêu thương, nghẹn ngào khi nhìn vợ mình một thời thông minh, nhanh nhẹn, giờ đây như vô hồn, dửng dưng trước mọi chuyện. Ông quán chiếu điều đó như là trạng thái thiền, lắng đọng tất cả để trở về cái tâm ban đầu của con người khi có mặt trên thế gian này và cứ thế Ông vận dụng mọi phương cách để khởi động đánh thức tâm thái ban sơ như há miệng mớm cơm cho con nhỏ, nghịch ngợm để có sự phản kháng hoặc nhắc nhở đôi điều khơi dậy tính ghen tuông - một đặc thù cốt lõi của phụ nữ, những hành động nhỏ nhoi ấy có đôi chút hiệu quả, các bác sĩ cũng phải công nhận. Ông nói nếu từ đầu để Ông chăm sóc, sức khỏe của Bà không tồi tệ như hiện nay. Ông cũng đã từng bị tai biến, nhưng nhận diện được căn bệnh để tìm cách đối trị và bằng nghị lực phi thường, sức khỏe đã hồi phục.

Căn nhà của Ông vừa là tòa soạn, nhà in, nhà xuất bản với đầy đủ máy móc cần thiết cho việc phát hành một cuốn sách. Mặc dầu trăm mối tơ vò, Ông vẫn tỉnh táo, sắp xếp công việc đâu vào đó, đều đặn cho ra tạp chí Thư Quán Bản Thảo, chuẩn bị đến số 100!!! Cả đời Ông gắn bó với văn chương chữ nghĩa, chủ trương văn nghệ là phải dấn thân. Nhà văn phải có trách nhiệm thể hiện trung thực xã hội mình đang sống, nhất là trong thời chiến, chứ không thể làm một kẻ "đứng bên lề" được! Ông không đồng thuận và có những ý kiến khá gay gắt với những người viết Feuilleton, xem họ như là "Thợ văn" chuyên viết những chuyện tình éo le, cụp lạc để câu độc giả, hàng ngày đăng báo, được 100 số gom lại in thành sách. Ông xem đó là "sản phẩm" chứ không là tác phẩm! Nhà văn phải xem tác phẩm của mình như những đứa con, chăm chút thai nghén bằng tất cả tim óc.

 

Nói chuyện văn chương

 

Nhân việc Nhà Xuất bản Nhã Nam ở Hà Nội tái bản 5 cuốn sách của nhà văn Nguyễn thị Hoàng, được rêu rao là: "Sự trở về của văn chương đô thị miền Nam", Ông cho đó là hành động khiên cưỡng, tuyên truyền vô ích, tránh né nhìn nhận một nền văn học miền Nam đầy sức sống và nhân bản. Nhà văn miền Nam hoàn toàn tự do trong tư tưởng và quan niệm sáng tác, cốt lõi của tác phẩm thể hiện tính giáo dục con người để đạt đến Chân Thiện Mỹ. Người cầm bút miền Bắc không có những điều đó, họ "dắt nhau đi dưới bảng chỉ đường trí tuệ" hoặc "Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp". Họ có mặc cảm và ganh tỵ nên đã gọi "Văn chương đô thị miền Nam" như đã từng gọi một cách xách mé "chính quyền Saigon, quân đội Saigon"!

Tôi được ưu ái cho ghép với Ông thành "hai người lính già", cùng cặp kè trong mấy ngày ở New Jersey, được tặng những tác phẩm đắc ý của Ông và các tác giả mà tôi tâm đắc như nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Tô Thùy Yên, cùng một số Thư Quán Bản Thảo tiêu biểu về Người Lính như "Văn chương chửi thề", "Ba lô mang theo hồn Thơ Văn", đặc biệt là bức tranh "Hy sinh bảo vệ Tổ quốc". Khi về tôi tặng cho Hội Cựu Chiến sĩ VNCH địa phương và trong đêm văn nghệ gây quỹ giúp Thương Phế Binh VNCH vào ngày 8/8/2021. Bức tranh được đem bán đấu giá với phần thu tương đối. Tôi báo cho Ông và được trả lời:"Cám ơn ông bạn già Lê văn Trạch đã giúp đưa bức tranh đến một chỗ xứng đáng".

 


Mạng Ông lớn và may mắn hơn nhà văn Doãn Dân! Sau một thời gian sinh tử ở Đại đội 405 Thám kích, Sư đoàn 22 Bộ Binh, theo đơn xin Ông được về phục vụ tại Khối Chiến tranh Chính trị Quân đoàn 4, điều này đã gây ngạc nhiên cho nhà văn Văn Nguyên Dưỡng: "Tại sao một chiến sĩ với năm tháng dài sống trong một đơn vị đánh nhau, luôn đối diện với tử thần từng giờ, từng ngày như Trần Hoài Thư, đã từ đất chết về được cõi sống và tại sao một người an lành trong ngành Tình báo Trung Ương ở vùng địa đàng như Doãn Dân bị đưa ra vùng hỏa ngục và hy sinh ở đó?!".

Mười ngày qua thật nhanh, nhóm thực hiện gặp nhau cùng với gia đình thảo luận cặn kẽ, trên căn bản đã đi đến đồng thuận để "Tuyển tập Doãn Dân" được hoàn hảo về hình thức và nội dung, ngoài ra có một giá trị tinh thần được tạo nên, là hình thành sự gắn kết tình thân chỉ cảm nhận được qua từng động thái sinh hoạt hàng ngày. Điều đáng nêu là đã đến gặp nhà văn Trần Hoài Thư, nơi đây những kỷ niệm giữa hai nhà văn và hình ảnh Cố Thiếu tá Trần Doãn Dân được dựng lại, sống động đầy cảm xúc, từ đó sự quan tâm chăm sóc của các cháu, như tạo cho nhà văn thêm sinh khí, trong lòng phấn chấn để Ông bớt cô đơn và biết đâu, không còn "Than" khi làm "cây thông đứng giữa Trời"!

 

Mọi người đang trò chuyện vui vẻ với nhà văn Trần Hoài Thư

 

Một niềm vui nữa là sự cộng tác nhiệt tình của anh Nguyễn Đình Hiếu trong Ban Biên tập Nguyệt san KBC, bằng kinh nghiệm, sức trẻ và cập nhật những kỹ thuật mới về in ấn, anh sẽ là người tiếp nối công việc của Ông mà món quà đầu tiên " Trần Hoài Thư -Thơ tuyển toàn tập” gom tất cả những bài thơ trong một ấn bản 650 trang làm "tác giả mừng vui hết cỡ nên đã gọi điện thoại mấy lần cười nói rổn rảng..."

Cuộc hội ngộ diễn ra tốt đẹp, một số điểm ngoài dự kiến, do nhiều nhân duyên kết hợp, nhưng trên tất cả, như trước đây đã ghi nhận và lần này qua lời kể của từng cháu một: Sự hiển linh dẫn dắt của nhà văn Doãn Dân, qua khó khăn cũng như thuận lợi, hình như lúc nào Ông đều có mặt.

  


Con đường trước mặt đang rộng mở, rất sáng, chúng ta sẽ gặp nhau vào tháng 4/2022, nhân kỷ niệm 50 Năm ngày mất của Cố Thiếu tá Trần Doãn Dân - 29/4/1972.

Lê văn Trạch

 

NHÀ VĂN DOÃN DÂN: PHẬN ĐỜI NGHIỆT NGÃ

https://www.blogger.com/blog/post/edit/8476204029095778819/5933752610875540890?hl=en

NHÀ VĂN DOÃN DÂN: ĐỊNH MỆNH

https://www.blogger.com/blog/post/edit/8476204029095778819/2734350569804364909?hl=en

 

CẢM NGHĨ CỦA NHÀ VĂN, NHÀ THƠ TRẦN HOÀI THƯ:

Trong bài viết của Lê văn Trạch, có đoạn:

[Trong một phút xuất thần, Bà quả phụ Trần Doãn Dân rất tỉnh táo, nói rằng: "Tôi rất cám ơn Ông đã nhắc đến những kỷ niệm với nhà tôi”, các cháu rất vui khi được nghe như thế!]

Làm kẻ này xúc động liên tưởng đến những con đom đóm trong cuộc sống Đom đóm là biểu tượng cho sự tỉnh thức, như giao điện từ những sợi thần kinh trong não bộ chợt chạm lại sau năm tháng nằm yên. Lão già này cảm xúc nên làm bài thơ này, gởi cả nhà đọc cho vui.

Thân ái

Trần Hoài Thư

 

ĐOM ĐÓM

Đêm đen như mực xạ

Người nối người trước sau

Trên vai áo ba lô

Chấm lân tinh làm dấu

Chỉ có một đốm sáng

Mà giúp con trăn người

Trườn đến được mục tiêu

Chờ tinh sương đột kích

Khỏi cần lo chốt địch

Khỏi cần nhờ hỏa châu

Nhờ đom đóm nhận nhau

Đúng là ma thám kích

Rồi cả đêm thức trắng

Chờ gà gáy đầu thôn

Lệnh zulu vẻ vang

Vui là vui biết mấy

Giờ có quyền đốt thuốc

Thuốc hết bạn xé đôi

Tiếng bật lửa zippo

Kêu niềm vui lách cách

Thấy mắt bạn lóe sáng

Qua ánh lửa đầu tiên

Hai đom đóm lân tinh

Làm sáng tình đồng đội

Bây giờ đóm trở lại

Ta thấy trên mắt em

Từ cây hết màu xanh

Khi em quên tất cả

Khi đôi mắt vô ngã

Khi thị giác vô ưu

Vậy mà chỉ chồng con

Màn mây che lóe sáng

Cám ơn những đom đóm

Hôm qua và hôm nay…

Trần Hoài Thư

.